16:59 22/03/2014 Từ đỉnh Mã Pì Lèng trên con đường Hạnh phúc ngắm nhìn sông Nho Quế như một dải lụa
Với những người ưa du lịch khám phá, Tây Bắc luôn hấp dẫn bởi vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ khiến người ta đã đi rồi lại muốn đi nữa. Mỗi vùng đất đều mang nét đặc trưng không chỉ bởi thiên nhiên mà còn là nét văn hóa. Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) trùng điệp đá giăng mắc xây thành cực kỳ hiểm trở và kỳ vĩ. Đây còn được xem như bức thành đá góp phần bảo vệ sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Thật tự hào khi được đặt chân lên điểm cực bắc của tổ quốc… Sống trong đá chết nằm trên đá… Nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, cao nguyên đá Đồng Văn nằm trên diện tích tự nhiên 2.350km2, gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Lên cao nguyên đá ngoài việc được chiêm ngưỡng những kỳ quan hùng vĩ do thiên nhiên tạo tác, ta còn ngỡ ngàng, thán phục sự sinh tồn phi thường của những người dân nơi dây… Người dân trên cao nguyên đá thường có câu cửa miệng rằng sống trong đá chết nằm trên đá. Quả thật có đến nơi này rồi mới thấm thía hết câu nói trên. Để sinh tồn và phát triển qua bao đời, người dân cao nguyên đá, đặc biệt là đồng bào Mông đã trở thành những chủ nhân biết thuần phục đá, biến những bất lợi của đá trở thành những ưu điểm chở che cho sự sinh sôi trên miền đá. Đi đến bất cứ đâu trong các bản làng cũng đều bắt gặp những bức tường đá vô cùng chắc chắn bao quanh những ngôi nhà của người Mông rất xinh xắn.
Hỏi những người già trong các làng bản, không có nhiều người biết rào đá xuất hiện từ khi nào hoặc người Mông học cách làm rào đá từ đâu. Chỉ biết, ai sinh ra và lớn lên trên cao nguyên đá, khi lập gia đình riêng thì việc thứ hai sau khi họ dựng nhà là làm rào đá. Trên sườn núi, đá cũng được xếp thành ruộng bậc thang, đá giữ lại vài nhúm đất nhỏ nhoi, giữ giọt nước trong để gieo hạt lúa, hạt ngô, trồng cây đậu, cây rau… Trên cao nguyên đá, một công trình đặc biệt được người dân nơi đây dựng lên trên chính những ngọn núi đá cao đó là con đường Hạnh Phúc - nối thành phố Hà Giang với huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Từ năm 1959, sau 5 năm kể từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Trung ương Đảng và Khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường với sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và bà con các dân tộc. Sau 6 năm xây dựng với 2 triệu 946 nghìn 321 lượt ngày công đục phá trên gần 3 triệu mét khối đá mà hầu hết trong đó là lao động thủ công, không có sự hỗ trợ của máy móc, toàn bộ con đường Hạnh Phúc được hoàn thành vào 15-6-1965.
Trong tổng thể con đường nhiều cua lắm dốc thì thử thách gian lao nhất chính là đoạn vượt đỉnh Mã Pì Lèng. Một đội cảm tử đã phải treo mình ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng tay và dụng cụ thủ công… Con đường dài 149km với những người ưa du lịch khám phá thì đường Hạnh Phúc là một hành trình đặc biệt. Nếu đi bằng xe gắn máy phải mất hết 1 ngày đường. Đèo dốc quanh co, khúc khuỷu, đầy cua tay áo và nhiều dốc dựng đứng, một bên là núi đá lạnh lẽo thâm u, một bên là vực thẳm đến rợn người. Vậy nhưng hầu hết du khách đều muốn chinh phục cung đường này để được thấy cảnh sắc hùng vĩ cùng cuộc sống tươi đẹp phải vượt qua những con đèo cao vút như đèo Bắc Sum, đèo Cổng Trời, đèo Cán Tỷ, đèo Mậu Duệ, ngược lên Lũng Cú vời vợi mây trời. Thiêng liêng và độc đáo… Khi nói về nước Việt Nam liền một dải, người ta hay nói từ Trà Cổ (Quảng Ninh) đến mũi Cà Mau, nếu tính theo bờ biển. Hoặc từ ải Nam Quan (Lạng Sơn) đến Cà Mau, nếu tính theo trục đường quốc lộ. Còn tính theo giới hạn của vĩ độ thì tính từ Lũng Cú (Hà Giang) đến mũi Cà Mau. Lũng Cú không chỉ là hình ảnh của Đồng Văn, của Hà Giang, mà còn là tiêu biểu của địa đầu tổ quốc. Từ năm 2010, trên đỉnh núi Rồng ở độ cao 1.700m so với mực nước biển, cột cờ Lũng Cú bề thế, thân bằng bê tông, sáu mặt in hình hoa văn trống đồng, cao 17m sừng sững với lá cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam tung bay suốt đêm ngày như khẳng định vững chắc chủ quyền dân tộc. Đứng trên đỉnh Lũng Cú nhìn xuống, cả một vùng biên cuơng tổ quốc rộng mênh mông, những đỉnh núi cao vời vợi vút lên trời xanh, tạo thành một bức tranh thủy mặc thiên nhiên vô cùng hùng vĩ. Sông Nho Quế như một dòng sữa trắng tinh khiết làm mát rượi một vùng cao nguyên đá…
Làm nên những giá trị riêng của cao nguyên đá còn là những chợ phiên với những nét văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc. Ở bất kỳ chợ phiên nào cũng bắt gặp hình ảnh những chàng trai Mông vai đeo chiếc khèn, tay xách lồng chim họa mi đi chơi chợ với gương mặt tươi rói; những thiếu nữ Lô Lô trang phục rực rỡ với ánh mắt nhìn long lanh. Còn các cô gái Mông ửng đôi má hồng, tà váy lanh đong đưa theo từng nhịp bước vào chợ. Hay các thiếu nữ Tày, Dao, Cờ Lao, Pu Péo… mỗi người mang đến chợ một sắc màu, tạo cho phiên chợ như một tấm thổ cẩm mang hoa văn đa sắc, đa điểm, đa nét. Trong chợ, cụ ông, cụ bà, người trung niên ngồi quanh bàn rượu, quanh chảo thắng cố hàn huyên tâm sự mà không thể thiếu được ống điếu thuốc lào chuyền tay nhau làm nồng thêm câu chuyện. Đến chợ có thể không bán gì, có thể không mua gì mà vẫn vui. Đến chợ có thể uống rượu say không về được đến nhà, phải ngủ lại dọc đường mà vẫn vui. Đến chợ mặc dù phải đi bộ một, hai ngày đường mà vẫn vui… Thú vị nhất là phiên chợ tình Khâu Vai, một điểm nhấn của công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được diễn ra vào 27-3 âm lịch hàng năm. Chợ chỉ cho và nhận, trao yêu thương và mang về những thầm nhớ… Khu phố cổ Đồng Văn cũng được xem như một di sản kiến trúc, lịch sử và văn hóa của cao nguyên đá. Đó là một không gian sống, sinh hoạt, kinh tế, xã hội, văn hóa nguyên sơ, mộc mạc như bao đời nay của cư dân bản địa. Các công trình kiến trúc độc đáo như khu chợ được tạo nên từ những phiến đá được tạc đẽo công phu. Công trình chợ Đồng Văn được xây dựng trong khoảng những năm đầu thế kỷ 20, mang dáng vẻ thâm trầm cùng với một dãy nhà dân san sát nối tiếp nhau dẫn sâu vào trong những con đường nhỏ chạy ven núi hợp thành một quần thể khu phố hiện hữu giữa đất trời cao nguyên. Mái lợp ngói âm dương, nền lát đá, tường trình đất là những gì ta có thể thấy được về một hình thức kiến trúc, xây dựng truyền thống của người dân nơi đây. Trong nhà, cột được làm bằng gỗ nghiến, những hoa văn được trạm trổ công phu trên cột… Được ngồi trong ngôi nhà, chiêm ngưỡng những nét tài hoa của người dân nơi sơn cước như được hòa mình vào một không gian sống vừa bình dị, thô sơ mà cũng rất thơ mộng. Việc cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu đã là một vinh dự của Việt Nam. Điều đó cũng đặt ra một thách thức lớn để bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có, đặc biệt là đối với ngành du lịch. Hy vọng rằng, tỉnh Hà Giang và 4 huyện thuộc Công viên địa chất sẽ nỗ lực hết mình trong việc bảo tồn và khai thác bền vững di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo này. TRẦN VĂN |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão