15:26 28/12/2019 Sáng 28-12, UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Lễ khánh thành công trình cầu sông Hóa nối huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đến dự lễ khánh thành có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phạm Hồng Hà, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành.
Về phía thành phố có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Phó chủ tịch HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị và địa phương thành phố cùng dự.
Về phía tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình; Ngô Đăng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình; cùng các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành chức năng của tỉnh Thái Bình và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên cùng dự.
Công trình cầu sông Hóa trên QL37 được thi công xây dựng để thay thế cầu phao hiện đã xuống cấp, hư hỏng nhằm nâng cao năng lực phục vụ, bảo đảm an toàn giao thông, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối giữa thành thị với nông thôn khu vực phía Nam thành phố Hải Phòng, kết nối với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình tạo thành hệ thống kết nối giao thông liên tỉnh thông suốt. Công trình được Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã phối hợp triển khai thực hiện khởi công vào dịp tháng 5-2019.
Công trình có quy mô xây dựng cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài 254,1m, mặt cắt ngang cầu 12,0m. Tải trọng thiết kế HL93, kích thước khoang thông thuyền rộng 30m tĩnh không cao 6m; đường vuốt dốc hai đầu cầu theo theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, bề rộng nền rộng 12m, trong đó, bề rộng mặt đường rộng 11m. Tổng mức đầu tư cho dự án là 185 tỷ đồng (trong đó chi phí xây dựng là 146 tỷ đồng). Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách thành phố Hải Phòng là 182 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Thái Bình là 3 tỷ đồng phục vụ công tác GPMB trên địa bàn tỉnh
Sau 7 tháng thi công khẩn trương và được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Thái Bình, công trình cầu sông Hóa hoàn thành, góp phần nâng tầm kết nối giữa thành phố Hải Phòng với tỉnh Thái Bình và vùng đồng bằng Bắc Bộ, như tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Tại lễ khánh thành, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh cảm ơn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng đã chăm lo đầu tư thực hiện dự án xây dựng cây cầu bê-tông dự ứng lực hiện đại nối liền giao thông, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giữa 2 địa phương.
Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2016, được sự hỗ trợ của Trung ương, thành phố Hải Phòng đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 37, đường tỉnh 354 tạo thành hệ thống giao thông kết nối vùng giữa thành phố Hải Phòng với các tỉnh Thái Bình và Nam Định. Tuy nhiên, trên tuyến Quốc lộ 37 kết nối các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng thành phố Hải Phòng với Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vẫn còn duy nhất cầu phao Sông Hóa.
Công trình cầu sông Hóa được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng dự kiến sẽ nâng cao năng lực phục vụ, đảm bảo khả năng khai thác trên 3000 xe quy đổi/ngày đêm, bảo đảm an toàn giao thông, rút ngắn cự ly vận chuyển giữa thành phố Hải Phòng với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình trên 30km so với trước đây, góp phần giảm áp lực giao thông qua QL.10. Công trình có ý nghĩa lớn trong việc thực hiện chủ trương đưa “Hải Phòng phải là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước” mà Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đề ra
Với trách nhiệm lớn lao đó, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã chủ động làm việc với Ban Thường vụ các tỉnh: Thái Bình, Hải Dương và Quảng Ninh. Theo đó, các địa phương tập trung bàn và thống nhất xây dựng các cây cầu vượt sông để kết nối giữa Hải Phòng với các địa phương, cụ thể: Xây dựng cầu sông Hóa kết nối Hải Phòng với Thái Bình; xây dựng cầu Dinh, cầu Quang Thanh kết nối với tỉnh Hải Dương; xây dựng cầu Lại Xuân và cầu Bến Rừng kết nối tỉnh Quảng Ninh, trong đó thành phố Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng cầu và đường dẫn lên cầu, các địa phương đầu tư kinh phí GPMB và cải tạo, đầu tư tuyến đường kết nối với cầu trong năm 2020.
Đoàn Lanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão