Khi chim, rắn, bọ cạp trở thành thần dược

15:38 12/04/2010

Cho rằng nhiều loại tửu dược có tính năng “cải thiện” khả năng chốn phòng the, nhiều quý ông đã tìm mọi cách để săn lùng bằng được. Cung ắt có cầu, nhiều loài côn trùng, chim thú từ rừng núi hoang dã vẫn đang ngày đêm “chảy” về phố phường.
Cho rằng nhiều loại tửu dược có tính năng “cải thiện” khả năng chốn phòng the, nhiều quý ông đã tìm mọi cách để săn lùng bằng được. Cung ắt có cầu, nhiều loài côn trùng, chim thú từ rừng núi hoang dã vẫn đang ngày đêm “chảy” về phố phường.

Bán rong hàng “độc” trên phố Phạm Phú Thứ
Bán rong hàng “độc” trên phố Phạm Phú Thứ

Hàng “độc” bán rong

Ngay trên đường Phạm Phú Thứ, quận Hồng Bàng, người thanh niên với “đồ nghề” lỉnh kỉnh gồm thùng gỗ, túi lưới, lồng sắt chứa đủ loại như bìm bịp, tắc kè, ong, rắn… túc tắc đạp xe chẳng cần cất tiếng rao. Thấy tôi ngắm nghía, anh ta dừng lại đon đả chào mời: “Mua gì em trai? Bò cạp 1 con 5.000đ, tắc kè 120.000đ, bìm bịp 300.000đ…”. Đoạn, anh ta thao thao bất tuyệt : “Mấy con này bổ thận, tráng dương, ngâm rượu trị bệnh nhức mỏi, thư giãn gân cốt cho người già là hết ý! Yên tâm đi, hàng của anh toàn là “xịn”, lấy từ rừng Lào Cai, Yên Bái… về cả đấy!”.

Nhiều năm nay, anh Thắng, quê ở Hòa Bình đã xuống Hải Phòng thuê trọ, rồi hàng ngày đi khắp các ngõ phố bán rong những thứ được coi là “thần dược” trên. Trong đó, các nhà hàng, khách sạn và quán nhậu là điểm không thể thiếu. Nếu khách có nhu cầu mua với số lượng lớn, chỉ một cú điện thoại là mọi yêu cầu được đáp ứng, từ côn trùng, bò sát còn tươi roi rói cho đến những loại “đặc sản” như: rượu rắn, bìm bịp, tắc kè, ong đất…

Thắng cho biết, bìm bịp và rắn rừng luôn là 2 loại bán “chạy” nhất. Giới mê tửu dược thường quan niệm bìm bịp là “số 1” vì tính năng bổ thận, tráng dương… do loài chim này thường sống chung với rắn độc, nên xương thịt nó có thêm dược tính của rắn. Còn rắn thường được ngâm theo bộ gồm tam xà (3 con), ngũ xà (5 con) đến cửu xà (9 con). Vì vậy, chúng ngày càng khan hiếm và có giá ngày càng cao.

Đến “shop online”

Quả là nghề thu mua côn trùng, động vật hoang dã có lợi nhuận đầy hấp dẫn. Chỉ với một con tắc kè, tổ ong, rắn..., người mua đi bán lại có thể thu lãi vài chục nghìn đồng, thậm chí có khi trúng quả hàng triệu đồng. Chính vì thế, mạng internet cũng trở thành một kênh tiếp thị hữu hiệu những “hàng độc”. Khi gõ mấy từ như “mua bán bìm bịp - tắc kè - bò cạp - rắn rừng” trên công cụ tìm kiếm trực tuyến Google, vô số các trang web có liên quan hiện ra.




Tất cả đều ghi rõ mức giá, địa chỉ, số điện thoại liên hệ với những lời quảng cáo ấn tượng về công dụng của những loại “thần dược” trên như: rượu “ông uống bà khen”, “chuyên bán buôn, bán lẻ rắn rừng”, “uy tín - chất lượng - phục vụ tận nơi”… Bên cạnh đó, kèm theo là hình ảnh bắt mắt của những hũ rượu “hảo hạng” ngâm các loài kể trên. Thậm chí, có cả một số loài ghi trong sách đỏ như rắn hổ cũng được rao bán theo khối lượng ở mức từ 600 đến 1 triệu đồng/kg (!?).

Để kiểm chứng thông tin, tôi gọi điện thoại theo địa chỉ để lại trên trang web raovat.com thì được một người tự giới thiệu tên Huy ở phường Trần Thành Ngọ, Kiến An vồn vã mời chào. Huy quảng cáo hiện “cơ sở” của anh ta chuyên bán buôn, bán lẻ các loài côn trùng, động vật kể trên cùng những lời tiếp thị ngọt như mía lùi.

Và những ẩn họa khôn lường

Nghe lời kể của một thợ săn ong lâu năm ở huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, tôi thấy “lạnh” người. Theo anh ta thì phương pháp săn ong cổ truyền làm chết nhiều ong, thân khô, khó bán, nên giờ thợ ong dùng bình xịt muỗi, thuốc trừ sâu để bắt. Khi xịt xong, ong say lả tả, người bắt chỉ việc bốc cả tổ bỏ vào túi lưới. Khi ong tỉnh lại, chúng bay, bò lổm ngổm quanh tổ, rất bắt mắt người mua.

Và hậu họa là người uống phải lĩnh đủ, vì thuốc xịt côn trùng, thuốc sâu ngấm vào rượu khi ngâm, gây ngộ độc. Nhiều bệnh viện từng cấp cứu những bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm tính mạng do uống rượu ong đất mới ngâm hơn một năm, với triệu chứng ngứa, sưng nề môi, đau bụng, nôn mửa. Nhiều người vẫn lầm tưởng rượu ong đất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe phòng the. Tuy nhiên, ong đất nọc độc, uống vào sẽ gây hại cho gan, thận, dị ứng, mẩn ngứa... thậm chí tử vong.

“Trên thực tế có những bài thuốc rượu gia truyền rất tốt cho sức khoẻ, có tác dụng bổ thận, thần kinh, tăng cường sinh lực, giúp khí huyết lưu thông, mạnh gân cốt, chống phong tê thấp... Tuy nhiên, với các loại rượu ngâm bọ cạp, mối chúa, rắn, tắc kè cùng những thứ khác, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định là thuốc chữa bệnh. Nó trở thành “thần dược” qua lời đồn đại, rồi lan truyền khắp nơi”. - Một lương y tại Hải Phòng phân tích.

Và hậu quả lớn nhất của việc chim thú về phố là hệ sinh thái bị mất cân bằng nghiêm trọng do nạn săn bắt, mua bán côn trùng, động vật kể trên. Nếu không sớm quyết liệt ngăn chặn tình trạng này thì có lẽ, chẳng bao lâu nữa chúng cũng phải ghi tên các loài đó vào sách Đỏ để bảo tồn.


ĐỖHIẾU


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông