Khí phách oai hùng mang tên “Công an xung phong Hải Phòng”

15:31 10/07/2020

Ngay sau ngày tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng Hòa đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vận mệnh cách mạng có lúc tưởng “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình ấy, Hồ Chủ Tịch và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều giải pháp khôn khéo, nhằm tránh một cuộc chiến tranh. Nhưng âm mưu của đế quốc Pháp ngày càng lộ rõ, chúng gây hấn ở Nam Bộ, rồi đưa quân ra phía Bắc, liên tục khiêu khích quân ta.

Lưu bản Báo Cứu Quốc mô tả cuộc chiến giữa quân ta với quân Pháp ở Hải Phòng tháng 11-1946 (tư liệu)

          Trong bối cảnh đó, Trung ương xác định Hải Phòng sẽ là một trong những tuyến đầu thử lửa của lực lượng cách mạng, nơi sẽ diễn ra những mâu thuẫn, xung đột căng thẳng từ mục đích khiêu khích của quân địch, nên quyết định tăng cường tổ chức lực lượng cho Hải Phòng.

Đồng chí Lê Quốc Thân (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính liên tỉnh Hải Phòng – Kiến An, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an) được Trung ương điều về Hải Phòng làm chính trị viên Ty Cảnh sát.

Lúc này, đồng chí Trần Thành Ngọ giữ trọng trách Cảnh sát trưởng, đã đề xuất thành lập Đoàn Công an xung phong Hải Phòng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn.

Đây đồng thời cũng là tổ chức Công an xung phong và cảnh vệ đầu tiên của nước ta, với 40 đội viên, được biên chế thành 1 Trung đội gồm 3 Tiểu đội, làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ ở Hải Phòng – Kiến An. Ngay từ khi mới thành lập, dù trong hoàn cảnh cực kỳ nguy khó, vũ khí thô sơ, lực lượng Công an xung phong đã được rèn luyện, lập nhiều chiến tích xuất sắc. 

Sáng 20-11-1946, quân Pháp kiếm cớ thu giữ một ca nô chở xăng tại cảng Hải Phòng, ngang nhiên nổ súng vào lực lượng Công an ta. Rồi chúng huy động một lực lượng lớn, có sự yểm trợ của xe bọc thép, tấn công rộng ra các địa bàn. Quân ta kiên trì đàm phán, nhưng phía Pháp tiếp tục leo thang… Trong hồi ký “Những chặng đường lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Khi phái đoàn Việt-Pháp từ Hà Nội xuống Hải Phòng… cả thành phố sặc mùi thuốc súng… 7h sáng ngày 23-11, phía Pháp đưa tối hậu thư đòi quân ta rút khỏi một số điểm của thành phố, đòi tước vũ khí các đội tự vệ tại Lạc Viên…”.

Lưu bản Báo Cứu Quốc mô tả cuộc chiến giữa quân ta với quân Pháp ở Hải Phòng tháng 11-1946 (tư liệu)

Không được đáp ứng, 9h45 ngày 23-11-1946, Pháp cho xe tăng, trọng pháo tiến công tàn bạo hơn, dùng máy bay đánh phá Kiến An. Công an xung phong Hải Phòng phối hợp với các lực lượng khác, đã kiên cường đánh trả, tiêu diệt trên 300 tên địch.

Các lực lượng cách mạng non trẻ tại Hải Phòng dựng những chiến lũy bằng giường, tủ, bàn ghế, với những vũ khí thô sơ kiên cường giữ từng góc phố, khu nhà. Lịch sử luôn ghi nhớ những người con Hải Phòng quả cảm trong trận chiến khốc liệt tại Nhà hát Lớn, nơi 13 chiến sĩ do đồng chí Đặng Kim Nở chỉ huy đã tiêu diệt được 50 lính Pháp, trước khi anh dũng hy sinh.

Do sự chênh lệch về mọi mặt, đặc biệt là quân số, vũ khí trang bị và kinh nghiệm chiến trường, quân Pháp từng bước chiếm đóng các khu vực chủ chốt ở Hải Phòng – Kiến An, nhưng chúng thất bại hoàn toàn âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh”, trước sự chiến đấu ngoan cường của lực lượng Công an xung phong, tự vệ của ta.

Đồng chí Trần Thành Ngọ được cử là Chỉ huy phó mặt trận Cầu Niệm, giữ vị trí phòng vệ hướng chính diện, từ hữu ngạn sông Lạch Tray. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Thành Ngọ, lực lượng Công an xung phong Hải Phòng đã kiên cường bám trụ, đánh lui nhiều đợt tấn công của quân Pháp. Ngày 25-4-1947, quân Pháp với sự yểm trợ của pháo binh đã tấn công thị xã Kiến An từ nhiều phía.

 Trong tình thế Sở chỉ huy ở núi Cột Cờ bị địch bao vây, tiến công với lực lượng đông và hỏa lực mạnh 17 giờ liên tục, tuy bị thương nặng, nhưng Cảnh sát trưởng Trần Thành Ngọ vẫn cùng đồng đội quyết chiến tới hơi thở cuối cùng.

Sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Trần Thành Ngọ và những chiến sỹ Công an xung phong Hải Phòng đã trở thành nguồn khích lệ to lớn, thổi vào làn sóng cách mạng tinh thần bất tử, để từ đây cả nước nhất tề đứng dậy, theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

 Như đánh giá của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trong hồi ký: “Cuộc chiến anh dũng của những người con Hải Phòng như cuộc tổng diễn tập thực sự, mở đầu cho một quy mô mới của cuộc chiến tranh cướp nước của quân Pháp ra toàn miền Bắc…”.

Sau cuộc chiến ở Hải Phòng, quân Pháp tiếp tục tấn công rắp tâm chiếm nước ta một lần nữa, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Ngày 19-12 đã đi vào lịch sử dân tộc, với sự khởi đầu cho một cuộc kháng chiến vĩ đại, bảo vệ nền độc lập non trẻ, nền cộng hòa dân chủ đầu tiên của Châu Á sau hàng trăm năm dân tộc rên siết dưới gót giày của ngoại bang, thêm một lần dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước xiềng gông nô lệ.

Khí phách ấy đã đặt nền móng cho độc lập, tự chủ, là bản hùng ca bất hủ, reo vang suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của lực lượng Công an Hải Phòng.

Xin được dẫn lại lời tự sự của đồng chí Hoàng Xuân Lâm – Trưởng ban liên lạc cán bộ kháng chiến Hải Phòng, nguyên Giám đốc CATP Hải Phòng: “Đó là những tháng ngày đầy gian khổ nhưng vô cùng hào hùng, lớp lớp hàng nghìn thanh niên chúng tôi nhất tề đứng dậy, sẵn sàng hy sinh không toan tính, tất cả vì nền độc lập tự do của Tổ quốc…”.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông