Khi phóng viên ra đảo...

18:04 21/06/2014

Phóng viên VOV tác nghiệp trên đảo Trần Cái nghiệp được đi đây đi đó, nhưng được đến các đảo tiền tiêu của tổ quốc, được sống, tác nghi
Phóng viên VOV tác nghiệp trên đảo Trần
Phóng viên VOV tác nghiệp trên đảo Trần

Cái nghiệp được đi đây đi đó, nhưng được đến các đảo tiền tiêu của tổ quốc, được sống, tác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió vẫn luôn là niềm mơ ước của mỗi phóng viên... Mặc cho gian nan vất vả nhưng mỗi chuyến đi là một lần được trải nghiệm, khám phá. Hơn cả đó còn là niềm tự hào, hãnh diện, giúp những người làm báo vượt lên chính mình, phản ánh kịp thời và sinh động về biển đảo quê hương...

 
Trải nghiệm qua mỗi chuyến đi
 
Tôi đã từng có dịp đến với một số đảo tiền tiêu của tổ quốc, nhưng lần nào chuẩn bị đi cũng thấy háo hức và hồi hộp. Cũng giống như nhiều người không phải là dân đi biển chuyên nghiệp, lo lắng nhất của cánh nhà báo chúng tôi là phải đối mặt với việc say sóng. Nhớ lại chuyến đi cùng lãnh đạo vùng I Hải quân đến thăm các chiến sỹ trên tuyến đảo Đông Bắc vào cuối năm 2013, khi thấy nữ phóng viên Việt Hưng của báo Phụ nữ Thủ đô đã chuẩn bị sẵn cả túi thuốc chống say sóng, mấy chiến sỹ Hải quân trên tàu đã tếu táo mách nước cho mọi người khi lên tàu uống mấy chén rượu cho say trước lúc còn chưa kịp say sóng.
 
Có lẽ chẳng gì có thể chống được say sóng nếu như không phải là người thường xuyên đi biển, mà sức khỏe lại yếu, nhất lại gặp phải hôm sóng to... Đúng là không có nỗi khổ nào bằng khổ khi bị say sóng. Không ăn, không uống gì được. Nằm cũng say, ngồi cũng say, mà đi lại thì càng say. Những gì có trong người nôn ra hết, thậm chí nôn ra cả mật xanh, mật vàng. Bởi vậy mà trong những chuyến đi biển đảo, nữ phóng viên bao giờ cũng được ưu ái nhiều hơn. Không chỉ các chiến sỹ Hải quân mà các đồng nghiệp nam cũng luôn quan tâm chăm sóc chị em.
 
Song chính những ngày ăn sóng, ngủ sóng với phóng viên lại là những ngày đầy ắp kỷ niệm vì giữa biển khơi có những ngày được sống trong sự chia sẻ, yêu thương của những người lính biển và đồng nghiệp. Khi mà nhiều người trong đoàn chỉ có thể nằm một chỗ trên tàu thì vẫn có phóng viên cố bám lan can tàu, lên buồng lái, ghi lại những khoảnh khắc trên biển hay gặp gỡ cán bộ chiến sỹ để trò chuyện. Còn có cả những đêm trắng không ngủ, khi tất cả phóng viên cùng thủy thủ đoàn hòa trong lời ca, tiếng hát...
 
Giao lưu cùng chiến sĩ trên đảo Trần
Giao lưu cùng chiến sĩ trên đảo Trần
 
Lúc trên tàu, nhiều phóng viên say sóng cảm thấy lo lắng bởi ra đến đảo rồi mà phải chịu nằm một chỗ thì thà ở nhà cho xong. Tuy nhiên, lòng nhiệt huyết đã giúp nhiều phóng viên tăng thêm sức mạnh. Mỗi khi tàu cập bến lên đảo, ai nấy đều hăm hở, sẵn trong tay máy ảnh, máy quay, tranh thủ hết công suất để tác nghiệp. Bởi có đảo chúng tôi chỉ được ghé vào thăm 1 hoặc 2 tiếng lại phải rời ngay do con nước thủy triều hoặc để đảm bảo lịch trình chuyến đi.
 
Được mệnh danh là “người săn Rồng trên vịnh Hạ Long", phóng viên ảnh Đỗ Giang của báo Quảng Ninh chạy ngược chạy xuôi, sẵn sàng chịu va đập bởi sóng, thậm chí còn suýt bị rơi xuống nước nhưng vẫn không ngại để lưu lại khoảnh khắc trên đảo. Còn phóng viên Kim Chi của báo Phú Thọ lúc trên tàu mỗi lần đi lại phải có người dìu. Vậy mà khi lên trạm rada 480 của đảo Trà Bản và trạm 485 của đảo Trần, ở độ cao gần 1.000 mét so với mực nước biển, Kim Chi vẫn leo phăm phăm, thậm chí còn luôn dẫn đầu đoàn. 
 
Ấn tượng khi lên thăm đảo Trà Bản của xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh là khung cảnh bình yên như bao làng quê nơi đất liền. Trà Bản đến nay đã hoàn thành 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới với trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xây dựng khang trang. Dự kiến trong 1, 2 năm tới, dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo cũng sẽ được triển khai, đáp ứng mong mỏi của người dân nơi đây.
Trải qua hành trình đến với các đảo tiền tiêu của tổ quốc, tôi hiểu thêm cuộc sống, tình cảm và sự kiên cường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.
 
Hành trình đã cho tôi sự trưởng thành hơn, học hỏi thêm về sự kiên cường, sự hy sinh và tình yêu biển đảo - một phần máu thịt thiêng liêng của tổ quốc. Được học thêm về sự lạc quan, yêu đời từ những người đang ngày đêm canh giữ biển, trời của tổ quốc. Cách cán bộ chiến sĩ tiết kiệm nước ngọt, sáng tạo trong việc sử dụng nước sinh hoạt để lấy nước tưới rau, chăm chút từng chậu trồng rau, che chắn cho đàn gà, đàn lợn nuôi trong chuồng mỗi khi biển động, dông bão đã làm cho mọi người trong đoàn công tác cảm động đến nao lòng…
 
Sẵn sàng góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo
 
Trong số phóng viên của các cơ quan báo chí ở Hải Phòng, có lẽ ít có người nào gắn bó và thường xuyên đi công tác biển đảo được như Mai Lâm của báo Hải Phòng. Đã có cả chục năm theo dõi biển đảo, Mai Lâm đã đặt chân đến hầu hết các đảo tiền tiêu, trong đó có đến hàng chục lần trở lại đảo Bạch Long Vỹ và đã hơn 1 lần đến với quần đảo Trường Sa. "Nếu có dịp tôi vẫn xung phong đến với biển đảo để được cảm nhận cuộc sống, chiến đấu và tình cảm của những lính nơi đầu sóng, ngọn gió giữ vững chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc", Mai Lâm tâm sự.
 
Còn với phóng viên Hà Minh Hảo của Đài PTTH Hải Phòng cũng đã hơn 1 lần đến với Trường Sa. Với nhiều người được một lần đã là mãn nguyện, nhưng Minh Hảo thì lại không. Vì quá “máu” đi Trường Sa nên Minh Hảo giấu cơ quan và cả cơ quan chức năng của Hải quân là mình đang có bầu. Chỉ cho đến khi ra đảo Phan Vinh thì Minh Hảo không thể đi được nữa vì đang thời kỳ ốm nghén, bị động thai. Kíp bác sĩ quân y của đảo phải cuống quýt vì có một ca bệnh... dưỡng thai mà các anh ít gặp trên đảo.
Phóng viên Thu Lan của VOV là một trong những người gắn bó nhiều năm với các tuyến biển đảo của tổ quốc và cũng là một trong nữ phóng viên hiếm hoi có mặt trên vùng biển Hoàng Sa từ những ngày đầu Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của nước ta.
 
Ra tác nghiệp tại Hoàng Sa lần này, Thu Lan mang theo nhiệt huyết, tinh thần yêu nước và sẵn sàng đóng góp công sức của mình vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Thu Lan chia sẻ, chị sẵn sàng chấp nhận đối diện với hiểm nguy để được truyền tải thông tin chân thực đến người dân trong cả nước, kiều bào ở nước ngoài, các quốc gia trên thế giới, những người ưa chuộng hòa bình hiểu rõ hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc là hoàn toàn trái với luật pháp Việt Nam, trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không được dư luận trên thế giới ủng hộ.
Đã từng đi khắp 21 đảo, 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa trong 22 năm làm lính biển, phóng viên Trọng Thiết của báo Hải quân đã tạo nên một kỳ tích mà không phải ai cũng đủ sức, đủ điều kiện để thực hiện.
 
Với Trọng Thiết, đời lính đảo không thể diễn tả được bằng câu chữ, chỉ qua ảnh mới truyền tải được chân thực nhất. Bằng những bức ảnh của mình, nhà báo Hải quân đã chuyển tới người dân trong và ngoài nước lời khẳng định chắc chắn về chủ quyền nơi biển, đảo quê hương. 
Theo Trọng Thiết, để chụp được những bức ảnh đẹp và thể hiện chủ quyền đất nước, người chụp phải thật sự say mê, phải hiểu được biển, đảo mới bắt được phần hồn nhất. Màu sắc của biển thay đổi rất nhanh nên người chụp phải nắm được quy luật của trời, biển.
 
Cũng như để có được những bức ảnh đẹp về người lính đảo, người cầm máy phải hiểu được lính đảo, hiểu được những vất vả, khó khăn đối mặt sóng gió, nhưng đầy nghị lực và tình yêu, quyết tâm giữ vững biển đảo quê hương. Trọng Thiết tâm sự và chia sẻ thêm, anh đã in 1.000 tấm ảnh hoa bàng vuông, đặc sản Trường Sa, biểu tượng của vẻ đẹp và sức sống Trường Sa để tặng tất cả bạn bè, đồng nghiệp mà anh quý mến.
 
Với các nhà báo được đến mảnh đất nơi đầu sóng, ngọn gió của tổ quốc, mỗi người có một tâm trạng, cung bậc cảm xúc khác nhau, song tất cả đều có chung một tâm trạng xúc động trước những khó khăn gian khổ và ý chí kiên cường của lính đảo. Mỗi tấm ảnh, một thước phim là một câu chuyện, một dấu ấn khó quên.
 
Để có những tấm ảnh đẹp nhất, những thước phim sống động nhất, những bài viết chân thực nhất, những người làm báo đã bất chấp sóng to gió lớn và gian khổ để tiếp cận cuộc sống nơi đảo xa. Những ngày này tình hình Biển Đông đang hết sức căng thẳng, Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Nhiều phóng viên vẫn tiếp tục xung phong ra thực địa để tác nghiệp, ghi lại những hình ảnh chân thực nhất cung cấp cho công chúng bức tranh đầy đủ về cuộc sống, chiến đấu và tình cảm của người lính nơi đảo xa trước hành động tấn công, uy hiếp hung hăng của các tàu Trung Quốc.
 
TRẦN VĂN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông