Khởi công cao tốc ven biển Hải Phòng - Thái Bình: Con đường chiến lược quốc gia

13:27 20/04/2017

Phà Dương Áo sẽ được thay thế bằng cầu cứng dài gần 2km khi tuyến đường ven biển hoàn thành

Phà Dương Áo sẽ được thay thế bằng cầu cứng dài gần 2km khi tuyến đường ven biển hoàn thành

Những ngày này, thành phố Cảng đang tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc ven biển đoạn qua địa bàn Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đây là đoạn đường huyết mạch nối Quảng Ninh đến Thanh Hóa và trong tương lai kéo dài đến tận Kiên Giang, từng bước hiện thực hóa con đường chiến lược ven biển chạy thông suốt Bắc - Nam.

Tại Quyết định số 129/2010/QĐ-TTg ngày 18-1-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam. Theo đó, đường ven biển Việt Nam là một tuyến giao thông bộ dài khoảng 3.041 km và cũng là tuyến đường bộ thứ 3 chạy thông suốt từ Bắc vào Nam, sau quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh…

Tuyến đường này được xây dựng trên cơ sở làm mới hoặc nâng cấp mở rộng một số đoạn đường ven biển sẵn có (gồm cả quốc lộ, tỉnh lộ, đê biển...). Cũng theo quy hoạch, tuyến đường sẽ bắt đầu tại Cảng Núi Đỏ, Mũi Ngọc, xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), kéo dài đến cửa khẩu Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), đi qua tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam (trong đó có Hải Phòng).

Tiếp đến, tháng 6-2015, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng trước tuyến đường qua các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Phân đoạn đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (ký hiệu toàn tuyến là CT 09) là một dự án đường cao tốc ven biển nối liền các tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ với trục đường cao tốc Bắc - Nam. Đường cao tốc này có điểm đầu thuộc địa phận ngã tư Cái Mắm, phường Đại Yên, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) trên quốc lộ 18; điểm cuối giao với đường cao tốc Bắc Nam thuộc xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình); với tổng chiều dài toàn tuyến 160 km. Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh chạy qua địa bàn 13 phường, xã, thị trấn (nằm trên 3 huyện, thị xã, thành phố) thuộc tỉnh Quảng Ninh; 11 xã, phường, thị trấn (trên 4 quận, huyện) thuộc thành phố Hải Phòng; 20 xã, thị trấn (trên 2 huyện) của tỉnh Thái Bình; 22 xã, thị trấn (trên 4 huyện) tỉnh Nam Định; 8 xã, thị trấn (trên 3 huyện) thuộc tỉnh Ninh Bình và điểm cuối giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có mặt cắt ngang cho 6 làn xe, tốc độ xe chạy thiết kế từ 100 đến 120 km/h. Ngoài bề rộng mặt đường 22m, đường có dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp, dải an toàn. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ thay thế vai trò của QL10, tạo cơ hội để các tỉnh vùng Duyên hải châu thổ sông Hồng nối thông thuận tiện với tuyến đường Bắc - Nam. Riêng đoạn cao tốc nối từ Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - Hải Phòng có tổng chiều dài hơn 25km (điểm đầu là thành phố Hạ Long và điểm cuối là cầu Bạch Đằng ở ranh giới giữa 2 địa phương), được thiết kế gồm 4 làn xe, vận tốc  đạt 100 - 110km, đã được khởi công xây dựng ngày 13-9-2014. Trong đó, phần đường cao tốc dài 19,5km có bề rộng nền đường là 25,5m, trên tuyến xây mới 8 cầu với tải trọng HL93 (trừ cầu Bạch Đằng).

Dự án này có kinh phí là 6.416 tỷ đồng; sử dụng nguồn vốn ngân sách của tỉnh Quảng Ninh và các nguồn vốn huy động khác. Theo kế hoạch, đoạn đường cao tốc nối thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) với cầu Bạch Đằng hoàn thành vào cuối năm 2017. Phần còn lại là cầu Bạch Đằng có chiều dài 5,45km, với tổng đầu tư là 7.200 tỷ được đầu tư theo hình thức BOT. Dự án gồm cầu chính - cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến. Cầu có kết cấu vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực; vận tốc thiết kế 100 km/h, chiều dài cầu 3.054m. Phần đường dẫn có quy mô như dự án phần đường, nút giao cuối tuyến với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Việc hoàn vốn của nhà đầu tư thông qua thu phí tvới thời gian khoảng 30 năm. Dự kiến ban đầu, cầu Bạch Đằng hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, do những khó khăn vướng mắc nhất định, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa quyết định điều chỉnh giãn tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 9-2018.

Theo các chuyên gia ngành giao thông, sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Hạ Long và Hải Phòng xuống còn 25 km, thay vì khoảng 70 km như trước đây. Nó sẽ là một gạch nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến cao tốc ven biển vùng Duyên hải Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng. Các đoạn còn lại cũng được xây dựng để nối thông toàn tuyến giữa hai thành phố Ninh Bình tới Hạ Long trước năm 2020. Đây là tuyến cao tốc có nguồn vốn ngân sách lớn do địa phương (Quảng Ninh) đầu tư. Dự kiến các đoạn tuyến cao tốc khác là Hải Phòng - Thái Bình, Thái Bình - Ninh Bình cũng sẽ tiếp tục được xây dựng với nhiều phương thức đầu tư.

Sáng 19-4, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình chủ trì cuộc họp nghe báo cáo công tác chuẩn bị khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Bình nêu rõ: Công trình đường cao tốc ven biển có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố Hải Phòng cũng như của vùng và khu vực; giao Sở Giao thông vận tải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý để tổ chức lễ khởi công và thi công.

UBND quận, huyện có tuyến đường đi qua chủ động rà soát, kiểm đếm, lên phương án GPMB. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để phối hợp GPMB toàn tuyến. Văn phòng UBND TP chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương phối hợp lên phương án, kịch bản chi tiết lễ khởi công để báo cáo UBND TP.

(Còn nữa)

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông