Không chủ quan với bệnh dại

    09:52 14/08/2017

    Những năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết nhiều người, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn tác động tiêu cực đến xã hội. Hiểm họa bị chó dại tấn công trở thành nỗi lo của nhiều người.

    Những nguyên nhân báo động

              Trước tiên là do công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc thống kê, lập sổ quản lý đàn chó nuôi, tổ chức nuôi nhốt, xích chó. Vì vậy hiện tượng chó thả rông cắn người còn phổ biến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

              Bệnh dại đã lưu hành ở nước ta trong nhiều năm những vẫn còn khoảng 80% chó nuôi không được tiêm phòng dại, công tác tiêm phòng không dựa trên tổng đàn chó nuôi thực tế mà chỉ dựa vào chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng.

    Nguy hiểm hơn, bệnh nhân khi bị chó, mèo dại cắn  tự ý điều trị tại nhà hoặc tìm đến các thầy lang để điều trị bằng thuốc đông y, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu phát bệnh dại, 100% sẽ tử vong. Cho nên, biện pháp duy nhất để cứu chữa những người bị súc vật dại cắn hoặc tiếp xúc với vi rút dại là phải tiêm vac-xin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả.

         Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục phát luật về phòng chống bệnh dại và việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc xin dại cho chó chưa được thực hiện nghiêm túc.

    Tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ để giảm nguy cơ mắc bệnh dại

    Cấp bách phòng chống

    Thủ tướng Chính phủ vừa có CT 31/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Theo đó, các địa phương tổ chức tháng cao điểm tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót.

    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo UBND các cấp thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật. Người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại, xử lý cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

    Hướng dẫn cách hạn chế bị động vật cắn và phòng chống bệnh dại (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương)
     

    Theo các chuyên gia y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virút dại có tên khoa học Rhabdovirus gây nên. Động vật bị bệnh dại truyền virus dại sang người qua vết cắn, vết cào, vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển, vì thế, có hạn chế được tỷ lệ mắc và tử vong hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cũng như kiến thức phòng bệnh của người dân.

    Từ đó, các cấp ngành, các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại cũng như biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại. Nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý.

    Đồng thời, các địa phương cần công khai địa chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

    HT

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông