21:52 02/11/2015
Tạm giam là biện pháp ngăn chặn không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm cho việc thi hành án. Trong số các biện pháp ngăn chặn, thì tạm giam là biện pháp nghiêm khắc nhất, tác động đến quyền cơ bản của công dân là quyền tự do thân thể. Vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định rất chặt chẽ trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Điều 169 quy định thời hạn tạm giam để điều tra, trong đó điểm b, điểm c, điểm d khoản 2 quy định việc gia hạn tạm giam, như sau: “b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 02 tháng; c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 03 tháng; c) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 02 lần, mỗi lần không quá 04 tháng”. Trong khi đó, quy định tương ứng của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 tại Điều 120, như sau: “b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 02 lần, lần thứ nhất không quá 02 tháng và lần thứ hai không quá 01 tháng. c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 02 lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng. d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 03 lần, mỗi lần không quá bốn tháng”. Chúng tôi không đồng tình với việc quy định rút ngắn thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng tại Điều 169 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), bởi những lý do, sau đây: Thứ nhất, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực, đối tượng luôn tìm mọi cách che giấu hành vi phạm tội của bản thân và đồng phạm, cũng như tài sản do phạm tội mà có... Do vậy, để làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các loại tội phạm, thu hồi tài sản do phạm tội mà có, nhất là tài sản tham nhũng, cơ quan tiến hành tố tụng cần có thời gian điều tra, xác minh, bảo đảm giải quyết vụ án được khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thứ hai, trong số tội phạm xảy ra, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia ngày càng chiếm tỷ lệ cao, trong đó không ít vụ án có hàng trăm đối tượng. Để điều tra, làm rõ những vụ án nghiêm trọng, phức tạp này, cần có thời gian để phân loại, xác minh đối tượng, làm rõ mối quan hệ giữa các loại đối tượng, vị trí, vai trò của từng đối tượng, trong khi địa bàn hoạt động của tội phạm rất rộng, ở cả trong nước và ngoài nước. Nếu rút ngắn thời hạn tạm giam, số đối tượng bị tạm giam sau khi được trả tự do sẽ tiến hành thông cung, thông báo để đồng phạm bỏ trốn, tẩu tán tài sản, tiêu hủy chứng cứ liên quan đến vụ án... Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động điều tra, xử lý từng vụ án nói riêng, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung. Thứ ba, thực tiễn áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cho thấy, những quy định về thời hạn tạm giam để điều tra tại Điều 120 là phù hợp, bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, cũng như yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Do vậy, chúng tôi đề nghị giữ nguyên quy định về thời gian tạm giam để điều tra tại Điều 120 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Mai Thảo |