Kiên quyết đấu tranh với hành vi lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc xâm hại An ninh quốc gia - Bài 2: Các thủ đoạn tung tin xấu độc trên mạng

09:47 09/07/2018

Hiện nay, các thế lực thù địch và bọn phản động không từ một thủ đoạn bẩn thỉu nào nhằm phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế, sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, nhất là công phá trực tiếp vào chủ trương đường lối của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Chúng tập trung, triệt để lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, cổ súy cho chủ nghĩa tư bản, thực dụng, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh...

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một cơ chế tự phòng vệ trước các thông tin xấu độc, giả mạo là điều cần thiết đối với mỗi người. Chúng ta phải thực sự sáng suốt, bình tĩnh trước các thông tin chưa được kiểm chứng, thực sự tỉnh táo phân tích những thông tin mơ hồ, không có nguồn gốc.

Đây chính là “liều thuốc” quan trọng giúp mỗi người khi tiếp cận thông tin không vô tình tự biến mình thành công cụ cho những âm mưu thâm độc mà tác hại của nó có thể ảnh hưởng xấu đến đời sống của mỗi người và xã hội. Qua nghiên cứu có thể nhận thấy một số thủ đoạn phổ biến sau:

Trước hết, có thể rất dễ nhận diện các thông tin sai sự thật hoặc các thông tin có phần đúng nhưng sai lệch về bản chất trên các trang mạng xã hội để đánh lừa người đọc. Chúng ta dễ lầm tưởng đó là thông tin chính thống để đăng nhập, chia sẻ trạng thái, bình luận gây hiệu ứng tâm lý xã hội trước những vấn đề có tính thời sự của đất nước. Đây là “chiêu bài” thu hút sự quan tâm, theo dõi của người đọc.

Từ đó, các thế lực thù địch, bọn phản động và phần tử xấu sẽ đưa vào những thông tin giả mạo, xấu độc, lồng ghép với các nội dung chống Đảng, Nhà nước, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối phát triển kinh tế của đất nước. Đến lúc này người đọc không phân biệt được những thông tin thật - giả, tinh thần bị xung động, hoang mang, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về ANQG và TTATXH.

Những kẻ tung tin xấu độc thường tập trung khai thác tính lan tỏa, tương tác, chia sẻ, ẩn danh trên không gian mạng của website, trang thông tin điện tử, mạng xã hội để tán phát thông tin, gắn với thông tin bí mật đời tư, bí mật cá nhân, bài viết hồi ký của các đồng chí lãnh đạo cao cấp...

Sau đó chúng đưa ra nhận xét, phân tích, bình luận nhạy cảm để tác động đến niềm tin của người đọc, từng bước phủ nhận, gây hoài nghi về lịch sử, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, tinh thần độc lập, tự chủ... nhằm tuyên truyền đề cao chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, cổ súy cho xã hội dân sự, lối sống thực dụng phương Tây, thúc đẩy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tạo dựng ngọn cờ “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”?!

Chúng cũng lợi dụng tiến bộ khoa học của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng miễn phí trong các trang mạng xã hội để chia sẻ trạng thái, kết bạn, quản lý nhóm bạn bè trên không gian mạng... Từ đó len lỏi đưa thông tin xấu độc, thông tin thật, giả lẫn lộn để gây hoài nghi trong xã hội, tác động đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây mơ hồ, mất cảnh giác, dao động mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Chúng còn khai thác, sử dụng các trang mạng xã hội, tính năng livestream của facebook với mục tiêu làm “truyền thông xã hội” để chỉ đạo, truyền hình trực tiếp âm thanh, hình ảnh, coi đây là một dạng đấu tranh “bất bạo động” không cần vũ trang, để tác động đến chính trị, tư tưởng, “quyền con người”, thúc đẩy sự hình thành, phát triển báo chí tư nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội đối lập với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Một trong những thủ đoạn mà bọn phản động và các thế lực thù địch thường áp dụng là khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để sửa chữa, chèn thêm đường dẫn (link) đăng tải nội dung, thông tin giả mạo, xấu độc; chèn, chỉnh sửa, cắt ghép nội dung, hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử, dàn dựng các video clip... làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác.

Từ đó, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tác động đến tư tưởng, đạo đức và lối sống, tâm tư, tình cảm của các giai tầng xã hội. Nham hiểm hơn, chúng tạo lập các blog, website, mạng xã hội kết hợp với các loại hình thông tin khác báo viết, báo hình, báo nói chuyển tải nhiều nội dung, hình ảnh độc - mới - lạ... để thu hút lượng người truy cập, qua đó truyền bá các quan điểm, tư tưởng phản động.

Lợi dụng tính tương thích và ứng dụng kết nối mạng không dây (wifi) 3G, 4G giữa màn hình tivi thông minh (SmartTV) với máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh (smartphone) chúng đưa những hình ảnh có nội dung xấu độc hoặc thay đổi nội dung thông tin nhằm mục đích tuyên truyền, xuyên tạc, chống đối Đảng và Nhà nước, gây hoang mang và tạo dư luận xấu.

Với cơ chế hoạt động hiện nay, Youtube sẽ tự động gợi ý hiển thị các video clip khác hoặc tự động phát chương trình nếu người quản lý thiết lập chế độ tự động phát trên ứng dụng mà video clip có nhiều nội dung xấu độc, giả mạo tác động đến người đọc.

Trước các sự kiện chính trị, sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng, các kỳ Quốc Hội họp, sự cố Formosa, sự kiện dàn khoan HD981, việc góp ý dự thảo các luật, Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu), Luật An ninh mạng... các đối tượng phản động, phần tử xấu triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội, lập các blog cá nhân, thiết lập nhiều tài khoản facebook, Youtube, zalo, twitter... để đưa tin, đăng bài, Live stream nhằm kích động tuần hành, biểu tình, phản đối gây rối ANTT,  vu cáo bị chính quyền đàn áp, bắt, đánh...

Đồng thời chúng tán phát, đăng tải nhiều bài viết dưới dạng “Thư ngỏ”, “Tuyên bố”, “Kiến nghị”… lên mạng gửi cho các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, kêu gọi sự tài trợ.  Những bài viết này nhanh chóng được nhiều thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu “chia sẻ”, đưa tin trên các hãng thông tấn báo chí nước ngoài như RFA, RFI, VOA, BBC…khiến cho cuộc đấu tranh với hoạt động lợi dụng không gian mạng để đưa thông tin xấu độc, giả mạo chống phá cách mạng nước ta trở nên đặc biệt phức tạp và khó khăn.

Biểu hiện cụ thể là những việc gây rối ANTT xảy ra trong thời gian gần đây khi Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật An ninh mạng và dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật đặc khu) tại Thanh Hóa, đối tượng Nguyễn Văn Quang đã thường xuyên sử dụng Facebook cá nhân có địa chỉ “Quang Nguyen Van” để đăng tải, phát tán những bài viết có nội dung kêu gọi, kích động nhân dân biểu tình trái pháp luật. Ở TP Hồ Chí Minh, Cơ quan An ninh đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng Trương Hữu Lộc vì sử dụng mạng xã hội kích động phá rối an ninh.

Từ ngày 2-6 đến khi bị bắt giữ, Lộc liên tục vào Facebook để livetream (trực tiếp trên mạng xã hội) để kêu gọi, kích động người dân xuống đường biểu tình, gây rối. Ngoài ra, Lộc còn đăng tải trên Facebook của y nhiều đoạn clip kích động xúi giục người dân tham gia lật đổ chính quyền nhân dân. Còn ở Tây Ninh các đối tượng đã sử dụng không gian mạng, kêu gọi, kích động công nhân biểu tình, đình công làm ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương...

(còn nữa)

Thượng tá Nguyễn Quốc Huy  - Phó Trưởng Phòng An ninh kinh tế - CATP Hải Phòng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông