Kiên quyết ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ BHXH

17:17 06/05/2020

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện tình trạng thu gom, mua bán sổ BHXH hoặc lập khống quá trình tham gia BHXH để trục lợi quỹ BHXH. Tình trạng trên đã xuất hiện ở Hải Phòng chưa? Người lao động đối mặt với những thiệt hại gì nếu cầm cố hoặc bán sổ BHXH?... Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc BHXH TP Bùi Minh Đức xung quanh vấn đề này.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Bùi Minh Đức trả lời phỏng vấn Báo An ninh Hải Phòng

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết việc trục lợi quỹ BHXH diễn ra dưới những hình thức gì?

Ông Bùi Minh Đức: Hiện trên cả nước diễn ra nhiều hình thức trục lợi quỹ BHXH như làm giả các chứng từ gồm: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân… nộp đến cơ quan BHXH để thanh toán các chế độ BHXH.

Có đơn vị lập thủ tục tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng BHXH nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi thông qua việc giải quyết chế độ thai sản…

Nhiều doanh nghiệp cố tình lập và sử dụng 2 bảng lương khác nhau, một để chi trả lương thực tế và một để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính BHXH. Với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng một khoản tiền vào BHXH mà theo quy định lẽ ra phải đóng.

Quá trình phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam còn phát hiện ra tình trạng thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền…

Phóng viên: Được biết tình trạng trục lợi quỹ BHXH sở dĩ tồn tại và có chiều hướng tăng là do người lao động (NLĐ) cầm cố hoặc bán sổ BHXH. Vậy theo ông NLĐ phải đối mặt với những thiệt hại gì khi cầm cố cuốn sổ BHXH vốn được coi là “của để dành” cho tuổi già của mình?

Ông Bùi Minh Đức: Tình trạng mua bán sổ BHXH bắt đầu “nở rộ” khi dịch bệnh covid-19 diễn ra phức tạp. Thực hiện chủ trương cách ly xã hội, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, người lao động tạm nghỉ việc dẫn đến không có thu nhập. Do đó, người lao động bán hoặc cầm cố sổ BHXH để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt.

Trước hết, việc mua bán, chuyển nhượng hoặc cầm cố, thế chấp sổ BHXH là các hành vi vi phạm pháp luật vì sổ BHXH cũng không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định.

Nếu NLĐ bán sổ BHXH sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi. Bởi hiện nay, theo Quyết định 1035 và Quyết định 595 của BHXH Việt Nam, trường hợp NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp, sẽ không được cấp lại sổ. Số tiền thu được từ việc bán sổ, cầm cố sổ BHXH sẽ ít hơn nhiều so với việc tự làm hồ sơ và thực lĩnh tại cơ quan BHXH Việt Nam tại các địa phương. Chưa kể, NLĐ sử dụng sổ BHXH để mua bán, trao đổi, thế chấp thì khi có tranh chấp về pháp luật, người lao động sẽ chịu thiệt. 

Cần phải hiểu rằng, BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào BHXH. Vì vậy khi NLĐ bán mất sổ BHXH tức là đang đánh mất hết quyền lợi chính đáng của mình, đó là quyền lợi về bù đắp khi gặp rủi ro, thu nhập khi hết tuổi lao động (nếu đóng đủ BHXH theo quy định)…

 Bảo hiểm xã hội thành phố chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm kiên quyết ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ BHXH

Phóng viên: Vậy Hải Phòng đã xuất hiện tình trạng thu gom sổ BHXH để trục lợi quỹ BHXH chưa, thưa ông? BHXH TP đã triển khai những giải pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này?

Ông Bùi Minh Đức: Trên địa bàn Hải Phòng hiện nay chưa xuất hiện tình trạng thu gom sổ để trục lợi BHXH

Để phát hiện kịp thời và ngăn chặn các hành vi trục lợi hưởng chế độ BHXH, BHXH xã hội thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo BHXH các quận, huyện và các phòng nghiệp vụ thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn việc thu gom sổ BHXH của người lao động để trục lợi

Trước hết cơ quan BHXH  đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến đông đảo người lao động và nhân dân về các quy định của pháp luật về BHXH, khuyến cáo người lao động không thực hiện mua bán sổ BHXH, ký hợp đồng ủy quyền giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần cho người khác nếu không có lý do chính đáng. Đồng thời tuyên truyền giải thích để người lao động hạn chế thấp nhất việc giải quyết hưởng BHXH một lần, tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động.

Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần của người lao động bộ phận tiếp nhận hồ sơ phải kiểm soát các thông tin tại đơn đề nghị đối chiếu với dữ liệu trên bộ công cụ tập trung dữ liệu thu, sổ thẻ và thông tin trên sổ BHXH, đảm bảo các thông tin của người hưởng phải thống nhất. Trường hợp ủy quyền phải kiểm tra tính pháp lý của Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền.

Khi xét duyệt chế độ BHXH một lần phải thực hiện kiểm tra thông tin người hưởng, nếu phát hiện người ủy quyền không có lý do chính đáng hoặc trường hợp nhiều người cùng ủy quyền cho một người nộp hồ sơ và nhận tiền trợ cấp… phải tiến hành xác minh trước khi giải quyết.

Khi trả kết quả giải quyết hưởng BHXH một lần phải kiểm tra, đối chiếu kỹ giấy tờ tùy thân của người nhận kết quả, đảm bảo trả hồ sơ, trả tiền đúng cho người lao động hoặc người được ủy quyền hợp pháp. Trường hợp người nhận là người được ủy quyền thì đối chiếu thông tin giữa giấy tờ tùy thân với Giấy ủy quyền, Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả và lưu hồ sơ để làm căn cứ hậu kiểm sau này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

BÙI HẠNH thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông