Kính gửi thầy cô giáo của tôi dưới mái trường trăm năm tuổi

16:14 27/11/2019

Trường THPT Ngô Quyền sẽ tròn trăm năm tuổi vào 15-10-2020

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Mà ươm cho đời đầy trái ngọt hoa thơm…

Ngày các học trò lớp 10C4 chúng tôi bắt đầu học dưới mái trường có gần trăm năm tuổi - Trường THPT Ngô Quyền - cũng là ngày chúng tôi nhận giáo viên Chủ nhiệm và các thầy cô giáo đặc biệt nhất của tuổi học trò. Thầy giáo Nguyễn Văn Vĩnh, dạy môn Văn nhận lớp “nhẹ nhàng” nhất khối lớp chọn. Là lớp Văn, trong khoảng 50 đứa học trò chúng tôi chỉ có lỏm loi 9 đứa con trai, vẻ ngoài còn có phần… dịu dàng.

Thầy giáo chủ nhiệm của chúng tôi tóc đã điểm bạc, song dáng vẻ thư sinh, làn da trắng và nụ cười như mùa thu toả nắng khiến chúng tôi luôn tự hào về thầy giáo dạy Văn hào hoa phong nhã, tư chất hiếm có. Hàng ngày, thầy chỉn chu áo trắng đến trường, ngay cả khi hôm đó không có tiết Văn.

Cùng dạy với thầy là các thầy “ba Trí”, tức là thầy Đỗ Đình Trí dạy môn Hóa học, cũng là chủ nhiệm lớp C2 kế bên. “Nhìn đám học trò lớp Văn, toàn các cô gái dịu dàng, khác hẳn các anh chàng nghịch ngợm lớp Toán, ba đã thấy vui rồi”,  thầy Đỗ Đình Trí trìu mến nói với chúng tôi như vậy.

Thầy Ngà dạy Toán thì nghiêm hơn, những cũng có phần nhẹ tay hơn so với các học trò lớp C3 do thầy chủ nhiệm. Cô Thủy dạy Tiếng Anh khi đó có vẻ ngoài “Tây” như bộ môn cô dạy. Thầy Hùng dạy môn Vật lý, cô Thúy dạy môn Địa lý, cô Hài dạy môn Sinh học luôn mang theo chiếc máy ảnh để chụp cùng đám học trò… là những hình ảnh tràn ngập trong tâm trí của chúng tôi lúc đó.

Rơi vào lớp Văn, đứa bạn ngồi bên mỗi lần viết văn dài đến… vài trang giấy, đúng thuộc diện “văn hay chữ tốt”, khiến tôi cảm thấy nhiều áp lực. Mỗi lần đến tiết Văn, không còn là các bài tả cảnh, bài bình luận thông thường của cấp Hai mà là các tác phẩm văn học và được thầy yêu cầu phải “thăng hoa” để cảm nhận và nghị luận về tác phẩm. Đôi chút trong tâm lý của mình, tôi cảm thấy… sợ môn Văn.

Mọi ngóc ngách cuộc đời đã được Văn học lột tả chân thực mà mặc dù đã được thầy hết lòng truyền đạt khi đó thì do còn chưa va chạm, cuộc sống còn mơ hồ nên tôi chưa thể hình dung ra hết. Thầy mệt nhoài trên bục giảng với một tay cầm cuốn giáo án một tay viết và miệng thì vẫn đọc cho chúng tôi ghi bài. Giọt mồ hôi trên trán thầy cứ vô tình rơi xuống trước con mắt vô tâm của lũ trò nghịch ngợm...

Thầy giáo Nguyễn Văn Vĩnh, chủ nhiệm lớp 10C4 niên khóa 1992-1995 Trường THPT Ngô Quyền

Hình như thầy chủ nhiệm có phần khó tính hơn các thầy cô giáo khác. Trong khi các môn khó như Toán, Lý, Hóa, Sinh, hay những môn học thuộc dài ngoằng kiểu như Sử , Địa, Giáo dục công dân, đám học trò lớp chọn chúng tôi đều có thể qua được với các điểm loại khá thì riêng môn Văn lại luôn là môn “khó gặm”.

Năm lớp 11, thầy bất chợt trở nên nghiêm khắc. Học trò nào đến muộn, dù chỉ sau khi thầy vào lớp 1 phút thôi là phải ôm vở ngồi ở cửa lớp mà học. Những học trò lãng đãng còn viết dở mà đã nộp lĩnh điểm 0 to tướng vào bài Văn. Ngay cả những học sinh giỏi văn cũng khó được trên 5 điểm. Nhưng sau này, tôi thầm trách mình vì điều đó và biết ơn thầy, cái cảm xúc kỳ lạ ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tôi như mới ngày hôm qua.

Thầy tôi đã rộng lượng bỏ qua những lỗi lầm khi chúng tôi biết sửa sai, biết cố gắng trong học tập. Những trò chơi, những lãng mạn không còn làm chúng tôi có thể sao lãng con đường phía trước.

Tôi khi đó cũng dần trở thành “con ong chăm chỉ”, biết tự sửa bài văn sao cho câu cú chắc chắn, lời văn bay bướm, cảm xúc tràn trề. Thì ra, “thăng hoa” là phải dựa trên cả một quá trình học tập miệt mài, trau dồi kiến thức…

Bao nhiêu con đò đã sang sông?

Và, bao nhiêu kẻ qua đò còn nhớ về chốn cũ?...

Khi chúng tôi lớn khôn thành người, biết suy nghĩ, biết thương thầy thì thầy chỉ còn trong nỗi nhớ. Sau khi nghỉ hưu, thầy về Hà Nội sống cùng con. Cầm bài báo tôi viết về thầy, thầy tôi khoe với nhóm bạn Văn trên đất Hà thành rằng, bài báo này là viết về tôi đấy, do học trò của tôi viết đấy. Mắt thầy ánh lên niềm tự hào.

Song sâu thẳm trong lòng tôi thấy dâng lên hối hận, bởi chính chúng tôi mới phải cảm thấy tự hào về thầy, người thầy kính yêu đã trao cho chúng tôi bài học đầu tiên trong đời mà không hề mong đền đáp. Khi nhận được tin thầy mắc bệnh hiểm nghèo, chúng tôi đến thăm thầy không ai cầm được nước mắt…

Ngày 20-11 năm nay, chúng tôi chỉ có thể bày tỏ lòng tri ân với thầy giáo chủ nhiệm ở trong tim bởi sau đó, thầy đã ra đi mãi mãi. Lớp tôi giờ đã mỗi đứa một phương trời, chia ra ba nhóm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, một vài đứa ở bên kia vòng trái đất nhìn về lớp chỉ qua mấy dòng trên facebook. Nhìn bọn bạn lớp bên kéo nhau đi thăm ba Trí, tôi đôi chút cảm thấy hụt hẫng. Hình như lớp mình còn thiếu một chút gì đó, thiếu ngọn lửa để thắp lên nhiệt tình, thiếu một chốn đi về vào những ngày này...

Ngày 15-10 vừa qua, trường tôi vừa tròn 99 tuổi, rộn ràng không khí chuẩn bị đón tuổi trăm năm. Học trò các niên khóa muôn nơi tìm về để biết thông tin của Lễ kỷ niệm trọng đại sẽ diễn ra trong năm tới. Những ngày ăm ắp yêu thương tri ân thầy cô giáo và mái trường, các thế hệ giáo viên và học sinh nao nức đếm ngược từng khoảnh khắc của thời gian trôi.

Một cuộc hạnh ngộ giữa những người đưa đò tận tuỵ và lớp lớp thế hệ học trò đang tung cánh bay khắp muôn phương sắp diễn ra, ắt hẳn sẽ lắng đọng trong dạt dào xúc cảm. Theo đám bạn cùng khóa về trường để cảm nhận một thời dưới mái trường, trong niềm vui còn có đôi chút xót xa. Lòng thầm hứa, có lẽ ráng đợi. Thầy ơi, sang năm chúng con sẽ về nơi chúng con từng học thầy, từng được làm con ba Trí, từng được học các thầy cô giáo một thời là niềm vui, nỗi buồn và bây giờ là niềm tự hào của chúng con. Thầy nhé!

HẢI HẬU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông