09:42 03/05/2021 Như tin đã đưa, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương và thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thêm một lần nữa lễ hội Hoa Phượng Đỏ và các hoạt động khai vụ du lịch Cát Bà, Đồ Sơn lỡ hẹn với du khách, đã không thể diễn ra theo kế hoạch. Đồng nghĩa với việc phân ngành kinh tế du lịch tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thắc thỏm chờ tái khởi động khi cơn bão dịch đi qua
Du lịch biển Đồ Sơn thêm một lần lỡ hẹn
Tiềm lực bị tổn hại
Theo thông lệ hàng năm, thời điểm ngay sau tết Nguyên đán truyền thống, hoạt động du lịch đã bắt đầu sôi động nhờ dấu ấn của mùa lễ hội, đi lễ cầu may, du xuân và du hành khác, thu hút số đông du khách nội địa và một bộ phận không nhỏ khách nước ngoài.
Nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, thông lệ này đã bị ngắt quãng, đẩy ngành du lịch vào trạng thái “đứng ngồi không yên”.
Với vị thế địa lý ưu đãi, kết hợp với văn hóa truyền thống, có thể nói Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đang sở hữu tiềm năng rất lớn về du lịch.
Tiếp nối với những hoạt động mùa lễ hội như đã nói ở trên, hoạt động du lịch của Hải Phòng còn rất sôi động với tiềm năng được khai thác từ các trung tâm Cát Bà, Đồ Sơn.., với lợi thế vượt trội trong những tháng hè nóng bức. Như vậy có thể nói, hai yếu tố cầu thành trụ cột của phân ngành “công nghiệp không khói” của Hải Phòng chính là du lịch văn hóa và du lịch biển.
Riêng về du lịch văn hóa, chỉ tính trong những tháng mùa xuân, các hoạt động lễ hội, cầu may, du ngoạn đã thu hút hầu hết dân số thành phố, kết nối Hải Phóng với các địa phương khác.
Theo thống kê, hiện toàn thành phố có khoảng hơn 470 di tích được xếp hạng, đa số các di tích ở Hải Phòng đều gắn với hoạt động lễ hội thường niên diễn ra vào đầu năm. Gần đây, nhờ phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa tốt, Hải Phòng trở thành điểm đến ưa thích của du khách thập phương, trong đó khu di tích Bạch Đằng Giang là một điển hình tiêu biểu.
Về du lịch biển, quần thể biển – đảo – rừng thuộc khu dự trữ sinh quyển Cát Bà và khu du lịch Đồ Sơn từ lâu đã rất nổi tiếng. Cùng với vẻ đẹp tự nhiễn sẵn có, mấy năm qua thành phố đã tập trung thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong đó có thể kể hệ thống các tụ điểm hấp dẫn như khu du lịch phức hợp đảo Vũ Yên của VinGroup, hệ thống cáp treo của SunGroup, quần thể Flamingo Cát Bà Resort ở Cát Bà; hệ thống các sân golf, Resort như Hòn Dáu, Đồi Rồng ở Đồ Sơn…
Sự cộng hưởng của hai trụ cột văn hóa và tiềm lực biển đã giúp du lịch Hải Phòng có nhiều bứt phá, với lượng khách tăng đều hàng năm, đạt mức kỷ lục gần 8 triệu lượt vào năm 2019.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện, nằm chung tình trạng của cả nước, du lịch Hải Phòng là một trong những phân ngành kinh tế bị tổn hại lớn nhất.
Đây là tình thế bất khả kháng, vì dịch bệnh là nguyên nhân mang nhiều tính khách quan, được xem như một dạng “thiên tai”, nguồn du khách giảm, đồng nghĩa doanh thu giảm theo, nhất là nguồn chi vào các dịch vụ liên quan.
Dịch vụ nào cũng “thất thủ”
Trước hết là dịch vụ lưu trú, đây là một trong những điều kiện đầu tiên phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Theo một số liệu thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 440 cơ sở lưu trú, với gần 10.000 phòng, chưa kể các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, quy mô bán trú hoặc dịch vụ trải nghiệm khác. Trong điều kiện hoàn hảo, nếu toàn bộ hệ thống được khai thác, sẽ đem lại một nguồn thu lớn cho nền kinh tế.
Cũng theo số liệu thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ đạt 1.215,7 nghìn lượt, giảm 18,57% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt 25,1 nghìn lượt, giảm 84,35%. Đối với hoạt động lữ hành, trong 3 tháng đầu năm 2021, lượt khách du lịch do các cơ sở lữ hành trên địa bàn thành phố phục vụ chỉ đạt 20,2 nghìn lượt, giảm 9,63% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng cần phải lưu ý rằng, ngay cở cùng thời điểm năm 2020, các chỉ số nêu trên cũng đã giảm rất mạnh ở mức hai con số so với năm 2019, cho thấy mức độ tổn hại nghiêm trọng của ngành du lịch thành phố thời gian qua.
Doanh thu và doanh số giảm sút kéo dài hơn một năm qua đã khiến những cơ sở dịch vụ quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế điêu đứng. Theo ông Cường - một chủ khách sạn hạng trung nằm trên địa bàn quận Hải An, thì khách sạn ông thường dành một lượng phòng phục vụ các hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành, kể từ khi có dịch Covid-19 hầu như các “tour” phải hủy.
Còn ông Hải – một người Hải Phòng đầu tư kinh doanh nhà trọ và dịch vụ ăn uống ở Cát Bà cũng bày tỏ tâm trạng bi quan: “Chưa có năm nào làm ăn kém như hai năm nay, du lịch phập phù, thỉnh thoảng có đoàn khách đến nhưng họ đến rồi đi, không ở mà cũng chẳng ăn”.
Tiếp đến, dịch vụ vận tải khách cũng đóng vai trò thiết yếu trong ngành du lịch, ở Việt Nam tập trung nhiều nhất vào đường bộ và hàng không. Tại Hải Phòng, trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng số hành khách qua sân bay quốc tế Cát Bi chỉ đạt khoảng 364,1 nghìn lượt người, giảm 34,05% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài hàng không, thành phố có hệ thống dịch vụ xe khách lớn so với khu vực phía Bắc. Trong đó nhiều phương tiện không chạy chuyên tuyến cố định, mà chỉ trông chờ vào các hợp đồng ngắn hạn, mà dịp lễ hội đầu năm chính là mùa ăn lên làm ra. Những năm chưa có dịch Covid-19, vào tháng Giêng đầu xuân mới, dịch vụ xe khách hợp đồng luôn bị “cháy”, nhiều thời điểm cầu vượt cung.
Còn hai vụ mùa liên tiếp này, như nhận xét của ông Chức – một chủ đầu mối dịch vụ xe hợp đồng, thì loại xe to gần như không có người thuê, khách đặt trước cũng bỏ hợp đồng hoặc chuyển sang xe nhỏ. Lác đác có vài nhóm khách gọi phát sinh, nhưng cũng chỉ thuê xe nhỏ đi loanh quanh dâng lễ ở vài điểm trong thành phố. Ông Chức cho biết thêm: “So với năm ngoái, giá dịch vụ giảm rất nhiều, thậm chí chạy lỗ vẫn phải nhận để có việc làm mà giữ khách”.
Tương tự như dịch vụ lưu trú và vận tải khách, phân khúc dịch vụ ăn uống cũng ảm đạm không kém, cho thấy hầu hết các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch đều bị thất thủ kéo dài. Ngỡ tưởng vào mùa hè năm nay, ngành du lịch sẽ tái khởi động mạnh mẽ nhờ ưu thế của tiềm năng biển, kỳ vọng vào các sự kiện lớn.
Nhưng những thông tin bất lợi do dịch bệnh Covid-19 gây ra từ các nước láng giềng như Thái Lan, Lào, Campuchia… đang tạo vành đai áp lực cho Việt Nam, khiến mọi dự định phải ngưng trệ. Nghĩa là ngành du lịch vẫn tiếp tục trong tình trạng thắc thỏm chờ đợi.
Điều này cho thấy, năm 2021 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành du lịch, khi phải gồng mình gánh chịu hậu quả của dịch bệnh. Hy vọng rằng, qua đợt dịch này, du lịch sẽ có nhiều khởi sắc, nhằm vãn hồi một phân ngành kinh tế vốn rất có tiềm năng, của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão