Kinh tế Hải Phòng – Tự tin với “nhiệm vụ kép” năm 2021 (Kỳ 1): Khẳng định bản lĩnh phi thường

21:04 11/03/2021

Sau hơn một năm xuất hiện và thực sự “nổi loạn”, đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nhưng đối với Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, thành tựu “trạng thái mới” đã nhanh chóng khẳng định bản lĩnh của chúng ta trước kẻ thù vô hình và cũng vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt nền kinh tế đã thích ứng kỳ diệu, với vai trò là một mặt trận kiên cường, quyết chiến và quyết thắng “giặc dịch”.

Các doanh nghiệp Hải Phòng cơ bản duy trì sản xuất ổn định trong bối cảnh đại dịch Covid-19 náo động toàn cầu.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có thể nói Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia sớm nhất, chủ động nhất và cũng thành công nhất, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống.

Đến nay, dù đã trải qua 4 làn sóng dịch được ví như 4 cuộc chiến, nhưng trước cuộc chiến nào chúng ta cũng thành công, kể cả cuộc chiến thứ 4 đang diễn ra có quy mô và sức công phá lớn hơn nhiều các cuộc trước đó. Điều quan trọng là, ngày sau cuộc chiến đầu tiên, những khó khăn ban đầu đối với kinh tế đất nước chỉ mang tính khảnh khắc, và chúng ta đã ngay lập tức phát lệnh mở “mặt trận mới” nhằm tái khởi động, khôi phục lại những gì đã mất.

Nhìn lại cùng thời điểm này năm trước (2020), khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trong vòng xoáy của đại dịch lây lan toàn cầu, cùng với quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong nước, kinh tế trong nước đứng trước những khó khăn khôn lường.

Chỉ đơn cử như Hải Phòng, dù lức đó chưa xuất hiện dịch bệnh, nhưng đại đa số các phân ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng, sản xuất gián đoạn, thương mại nao núng, dịch vụ cầm chừng, du lịch tê liệt…  đã dấy lên những nỗi lo về một cuộc khủng hoảng. Đây là thách thức không nhỏ mà Hải Phòng cũng như cả nước phải đối mặt, giữa bài toán sức khỏe và kinh tế, cũng như những phản ứng dây chuyền liên quan đến an sinh xã hội.

Tại một hội nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế trong đại dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở trong thời khắc mang tính bước ngoặt lớn của lịch sử, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới”. 

Bởi lẽ, hiếm có một biến cố nào tác động tới toàn thế giới lớn như đại dịch Covid-19, gây suy thoái kinh tế nặng nề, cả cung và cầu, cả tài chính, sản xuất, tiêu dùng, cả nội thương và ngoại thương, từ các nền kinh tế nhỏ tới các nước đang phát triển và cả các cường quốc lớn trên thế giới.

Đây cũng là cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ sau đại khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 1930, mà theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong vòng 90 năm qua. 

Không có gì phải tỏ ra nghi ngờ, rõ ràng Covid-19 không chỉ là kẻ thù của sức khỏe, mà thực sự đã tuyên chiến với cả nền kinh tế thế giới. Trong đó, đại dịch đã phong tỏa gần như toàn bộ thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đồng nghĩa với các hoạt động thương mại quốc tế bị ảnh hưởng mạnh mẽ.

Nhìn từ tính chất vận động trong dòng chảy thương mại, các biện pháp phòng, chống dịch cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ  đến tiêu thụ hàng hóa.

Mặt khác, trong hoạt động giao thương, quá trình đi lại của các thương nhân, chuyên gia, người lao động giao dịch giữa các nước để hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết và thực hiện các hợp đồng cũng gặp khó. Cùng với đó, các biện pháp phòng dịch trên diện rộng để bảo vệ sức khỏe con người, cũng chính là yếu tố hạn chế khả năng hoạt động của nguồn nhân lực.

Không chỉ có vậy, nhiều ý kiến đã nhận định, rằng đại dịch Covid-19 đã làm đổi thay mạnh mẽ cách thức nhân loại sống và vận hành, tổ chức nền kinh tế - xã hội, đặt các quốc gia đứng trước yêu cầu nhìn lại, tư duy lại về các nền tảng truyền thống.

Chính vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam mới xác định “chống dịch như chống giặc”, đó là mặt trận thứ nhất được mở, chúng ta đã thành công khi định hình những phương án tác chiến vô cùng hiệu quả, mà kết quả sau những làn sóng dịch đã qua là minh chứng rõ nét, khi phần lớn thế giới vẫn còn nao núng.

Đặc biệt, cả nước đã mở “mặt trận” thứ hai là giữ vững ổn định kinh tế, từ đó các khái niệm “nhiệm vụ kép” hay “mục tiêu kép” được xem như là chiến thuật hữu hiệu, với sự vào cuộc của cả khối đại đoàn kết toàn dân.

Nhưng thực tế cũng cho thấy, về cơ bản Việt Nam đã giành thắng lợi trước đại dịch và nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng so với thế giới. Chúng ta đã tận dụng được “thời gian vàng” để chống dịch, đồng thời cũng chớp “thời điểm vàng” để phục hồi kinh tế, chuyển sang “trạng thái bình thường mới” của phát triển.

Giữa bối cảnh đó, Hải Phòng đã trở thành điểm sáng của cả nước khi thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng, năm 2020 vừa qua giữa bộn bề khó khăn, thách thức, nhưng cũng là năm chứng tỏ những thành công vang dội của thành phố Hải Phòng.

Cụ thể là, chúng ta đã vừa giữ vững trận tuyến phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì phát triển kinh tế, vừa tổ chức thành công và đúng tiến độ Đại hội Đảng các cấp, Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Riêng về phát triển kinh tế xã hội, Hải Phòng đã đạt những kết quả rất ấn tượng, các chỉ tiêu đều tăng trưởng cao, GRDP tăng trưởng 11,22%, đứng thứ hai cả nước.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, cải cách hành chính được tăng cường. Kết cấu hạ tầng có những phát triển đột phá, thành phố đã khởi công và khánh thành nhiều dự án quan trọng. Hạ tầng đô thị được nâng cấp, đầu tư mạnh mẽ, một số khu đô thị mới văn minh, hiện đại, đồng bộ đã từng bước được đưa vào sử dụng.

Lê Minh Thắng (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích