Kinh tế Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2020: Bệ phóng tạo niềm tin cán đích (Kỳ 2)- Những con số “biết nói”

11:20 04/07/2020

Chỉ số phát triển công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hoạt động ổn định của các doanh nghiệp FDI

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng, dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội gặp nhiều thách thức, một số chỉ tiêu tuy tăng trưởng nhưng mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước và chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra.

Nhưng như đã nói ở kỳ trước, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Co vid-19, thành phố đã bám sát tình hình, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, duy trì tăng trưởng kinh tế cũng như triển khai các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng.

Phân tích từng chỉ tiêu phát triển, trước hết nói về phát triển công nghiêp, khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát từ Trung Quốc, ngay lập tức ảnh hưởng tới các ngành sản xuất chủ đạo của Việt Nam, bởi nước bạn là nơi cung ứng tới 80% nguồn nguyên vật liệu và linh kiện phục vụ cho sản xuất của nước ta.

Với tính chủ động trong dự báo trước đó, cũng như sự vào cuộc kịp thời của thành phố trong hoạt động tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dù có một số phân ngành bị giảm sút, nhưng nhìn chung công nghiệp Hải Phòng vẫn duy trì sản xuất tốt. Kết thúc quý 2, chỉ số tăng trưởng của công nghiệp thành phố đạt 14,02%, là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của toàn ngành, với vai trò là nền tảng trụ cột, mũi nhọn của nền kinh tế thành phố.

Một chỉ số ấn tượng nữa đến từ hoạt động xuất khẩu, vốn dĩ được đánh giá phải chịu áp lực lớn nhất trong đợt dịch này. Tại Hải Phòng, hiện còn 728 dự án vốn đầu tư nước ngoài, phần lớn là sản xuất, gia công hàng hóa, chiếm tỷ lệ áp đảo trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, Hải Phòng là địa phương giữ được nhịp độ tăng trưởng cao nhất trong 7 địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất nước. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng đạt trên 8.706,9 triệu USD, tăng 19,85% so với cùng kỳ năm 2019, với sự góp mặt của khu vực FDI tới 6.940 triệu USD. Trong khi đó, dù thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu của thành phố vẫn đạt mức 8.624 triệu USD, chỉ giảm 2,63% so với cùng kỳ năm trước.

Theo một góc nhìn kinh tế khác, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho rằng, dịch bệnh Covid-19 cũng như các biện pháp phòng dịch trên diện rộng để bảo vệ sức khỏe con người, cũng chính là yếu tố hạn chế khả năng hoạt động của nguồn nhân lực. Nghĩa là trong dòng chảy thương mại, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ  đến tiêu thụ hàng hóa.

 Ngành thương mại nỗ lực cung ứng hàng hóa trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra

Trên thực tế, hầu hết các tuyến vận chuyển đều bị hạn chế, bao gồm cả đường biển, đường hàng không và đường sắt, khi nhiều quốc gia đưa ra những biện pháp kiểm soát chặt chẽ thời gian qua. Vì vậy, không chỉ yếu tố hàng hóa, mà trong hoạt động giao thương, quá trình đi lại của các doanh nhân, chuyên gia, người lao động để giao dịch giữa các nước để hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết và thực hiện các hợp đồng cũng gặp khó.

Kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy, kinh tế 6 tháng đầu năm luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố tác động, nhất là thường bị gián đoạn bởi dịp nghỉ tết. Bước sang năm 2020 này, lại thêm tác động từ dịch bệnh Covid-19, những tưởng Hải Phòng sẽ rất khó hoàn thành những chỉ tiêu chủ yếu, nhưng kết quả đã phản ánh rõ nét nỗ lực của thành phố.

Điều quan trọng là chúng ta đã dự báo rất chính xác và triển khai kịp thời các giải pháp, vừa căng mình phòng dịch, vừa khắc phục khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện cả đầu vào lẫn đầu ra đều gặp thách thức, chẳng hạn giai đoạn đầu dịch, việc nhập khẩu nguyên vật liệu, vật tư gặp khó, thì sau đó lại phải đối mặt với không ít hợp đồng bị hủy hoặc giãn hoãn.

Khó khăn mang tính dây chuyền lan từ những doanh nghiệp lớn đến hệ thống vệ tinh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các mô hình sản xuất gia công phụ trợ. Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn, tính chủ động cũng được phát huy từ cơ sở, một số doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, những doanh nghiệp khác cũng bám thị trường để phục hồi.

Hiện đa số doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Mặc dù giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nhưng đi vào chi tiết thì một số ngành vẫn có chỉ số tăng cao như: sản xuất xe có động cơ tăng 535%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 116,71%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 108,73%; sản xuất pin và ắc quy tăng 34,38%...

Về thương mại – dịch vụ, có thể nói đây là một trọng những ngành bị ảnh hưởng nặng nền nhất từ dịch bênh Covid-19, nhưng tông thể trong 6 tháng qua vẫn tăng trưởng tốt.

Cục trưởng Cụ thống kê thành phố Lê Gia Phong cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm  đạt khoảng 66.872,0 tỷ đồng, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đóng góp lớn nhất là hoạt động bán lẻ hàng hóa, với khoảng 55.257 tỷ đồng, tăng 10,37% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự ngành vận tải cũng vậy, dù có cả thời gian dài bị ngừng trệ do các biện pháp giãn cách, phong tỏa phòng chống dịch, nhưng khối lượng hàng hoá vận chuyển 6 tháng cũng đạt 98,9 triệu tấn, tăng 1,63%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 50.343,7 triệu tấn, tăng 5,44% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn lại 6 tháng qua, Hải Phòng không chỉ gồng mình phòng chống dịch, mà đã thể hiện tính chủ động cao, quyết tâm ổn định và phát triển kinh tế, giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là từ nay đến hết năm 2020, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp bên ngoài, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức to lơn, nhất là địa phương có độ mở rộng như kinh tế Hải Phòng.

          Lê Minh Thắng (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích