20:03 07/10/2020 Với những gì đang có, có thể hình dung các mũi nhọn kinh tế của Hải Phòng hiện đều hướng ra biển, nhất là dạng hình dịch vụ biển. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố, trên tinh thần cụ thể hóa các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Hải Phòng đã thực sự trở thành một trung tâm hàng hải và dịch vụ cảng biển lớn của cả nước.
Một góc khu du lịch biển Đồ Sơn (ảnh Trần Sơn)
Chỉ tính trên lĩnh vực dịch vụ cảng, đến nay hệ thống cảng biển Hải Phòng đã phát triển thành cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế với 42 doanh nghiệp, 44 bến có tổng chiều dài cầu cảng 11.012 mét, khả năng tiếp nhận tàu trọng tải tới hàng trăm nghìn tấn, năng lực xếp dỡ tăng bình quân 15,9%/năm.
Từ năm 2015, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đã đạt gấp 1,75 lần so với mục tiêu đề ra trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Riêng năm 2019 vừa qua, hàng hóa qua cảng Hải Phòng đã đạt khoảng 130 triệu tấn, dự báo khi hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đi vào khai thác toàn diện, đến năm 2030 sẽ đạt mức 200 triệu tấn.
Bên cạnh đó quá trình tái cơ cấu theo hướng đa dạng hóa dạng hình đã giúp Hải Phòng huy động được nguồn lực lớn, cụ thể trong 42 doanh nghiệp khai thác cảng chỉ còn 7 doanh nghiệp nhà nước, còn lại là 4 doanh nghiệp FDI và 31 doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Hải Phòng là địa phương nằm trong số ít của cả nước sở hữu cả 5 dạng hình giao thông đồng bộ, trừ hàng không có thể nói mọi dạng hình đều kết nối với biển, hình thành dịch vụ logistic sau cảng.
Những năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây các dự án công trình trọng điểm hạ tầng giao thông cấp thành phố cũng như cấp quốc gia chủ yếu tập trung phục vụ cho nhu cầu cảng biển, đáng kể như đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường ô tô ven biển, cầu đường Tân Vũ – Lạch Huyện…
Đây là điều kiện cực kỳ quan trọng để phân ngành kinh tế vận tải liên quan đến biển của Hải Phòng phát triển. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Hải Phòng chiếm ưu thế vượt trội so với cả khu vực phía Bắc về dạng hình vận tải hàng hóa từ cảng, với đội tàu biển 680 chiếc đang đăng ký vận hành, tổng trọng tải 3.669.128 DWT.
Hải Phòng cũng có đội ngũ doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ bằng xe container, với khoảng 16 nghìn chiếc, cùng hệ thống dịch vụ kho bãi với 4 triệu m2, có 133 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics.
Về sản xuất công nghiệp, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 15, Chỉ số phát triển công nghiệp IIP tăng bình quân 20,64%/năm, gấp 1,47 lần mục tiêu Đại hội đề ra (14%/năm), gấp 2,12 lần so với giai đoạn 2011-2015 và gấp hơn 2 lần tốc độ tăng chung cả nước.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 ước đạt 87.564 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2015 (33.626 tỷ đồng). Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 25,12% năm 2015 lên 38,97% năm 2020. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020.
Hệ thống cáp treo tới khu du lịch Cát Bà
Đó là kết quả của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu tỷ trọng trong phát triển kinh tế. Mặt khác thành phố cũng được Trung ương tạo thuận lợi lớn khi hầu hết các khu công nghiệp lớn của thành phố được hưởng cơ chế đặc thù của khu kinh tế ven biển, trong đó lớn nhất là khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải.
Những năm gần đây, các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao tại các khu kinh tế biển đã góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của công nghiệp Hải Phòng, đáng kể như các dự án của tập đoàn LG (Hàn Quốc), GE (Mỹ), Bridgestone (Nhật Bản)…
Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là sự xuất hiện Tổ hợp công nghệ của Tập đoàn Vin Group ở Cát Hải, với điểm nhấn là thương hiệu ô tô Vinfast đã và đang gây tiếng vang ở thị trường trong và ngoài nước.
Về phát triển kinh tế thủy sản, như đã nói, Hải Phòng có trên 125 km bờ biển, với diện tích mặt nước nội hải khoảng 4.000 km2 và 45.000 hec-ta mặt nước nội địa. Hải Phòng có ngư trường Bạch Long Vỹ là 1 trong những ngư trường lớn nhất cả nước, riêng tôm cá có 189 loài trữ lượng có thể khai thác khoảng 160.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu của đội tàu 12.000 chiếc đang hoạt động.
Trên địa bàn thành phố có nhiều cơ quan nghiên cứu biển, có thể kể Viện hải sản, Viện nghiên cứu thủy sản 1, Viện tài nguyên môi trường biển, Trung tâm quốc gia giống thủy sản miền Bắc, trường cao đẳng thủy sản và các trường dạy nghề liên quan khác., tạo lợi thế rất lớn cho phát triển kinh tế thủy sản của Hải Phòng.
Về phát triển du lịch, bên cạnh sự khai thác nguồn đa dạng sinh học biển, vẻ đẹp tự nhiên từ biển, gần đây Hải Phòng cũng trở thành điểm đến đầu tư của những doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Cụ thể đã hình thành nhiều khu du lịch biển mới, được tạo bởi các tập đoàn Vin Group, Sun Group…
Trong đó, phải kể đến việc VinGroup đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, biến vùng đảo rừng ngập mặn Vũ Yên trở thành khu vui chơi – nghỉ dưỡng. Tiếp đó, tập đoàn Sun Group đã khởi công dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí Cát Bà, được coi là dự án lớn nhất của tập đoàn này tại Việt Nam.
Các dự án đã góp phần thúc đẩy du lịch Hải Phòng có sự chuyển mình khá ấn tượng, cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển dịch vụ đã được đầu tư đồng bộ, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử được giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị, như: Vịnh Lan Hạ (Cát Bà) được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng đã được phát lộ và triển khai dự án đầu tư…
Có thể nói, với những kết quả kể trên, đang chứng tỏ tính hiệu quả của Hải Phòng trong định hướng là trọng điểm phát triển kinh tế biển giai đoạn vừa qua. Đây là hướng đi có tính bứt phá, không chỉ khai thác đúng tiềm năng, lợi thế, mà còn đảm bảo tính chiến lược lấy phát triển kinh tế biển làm nền tảng vững chắc để phục vụ công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc.
Lê Minh Thắng (Còn nữa)
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão