Kỳ 2: Dẹp “chợ cóc”, trận chiến không hồi kết

14:28 26/06/2020

Từ năm 2012, Thường vụ Thành ủy đã có Nghị quyết chuyên đề (số 05-NQ/TU ngày 26-3-2012) chỉ đạo phát triển thương mại Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. UBND thành phố cũng đã phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ Hải Phòng đến năm 2020 và ban hành quyết định phân cấp quản lý chợ nhằm tăng cường quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu vận động, phát triển thương mại của nhân dân, góp phần giải quyết vấn nạn “chợ tạm”, “chợ cóc” như hiện nay.

Theo đó, đến năm 2020, dự kiến thành phố có 151 chợ nằm trong quy hoạch gồm: 5 chợ đầu mối, 9 chợ hạng 1, 20 chợ hạng 2, 117 chợ hạng 3 nhằm bảo đảm nguyên tắc hài hòa quy hoạch không gian kinh tế, quy hoạch theo loại hình.

Cụ thể, khu vực nội thành có 43 chợ, được phân bố đều các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh. Số còn lại (108 chợ) được phân bố đều cho các huyện. Trên thực tế, đến hết năm 2018, trên địa bàn thành phố đã có 154 chợ, trong đó chợ trong quy hoạch là 138 (gồm 1 chợ đầu mối, 6 chợ hạng 1, 16 chợ hạng 2, 115 chợ hạng 3); chợ nằm ngoài quy hoạch là 17.

Tuy nhiên, theo Sở Công thương, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý hệ thống chợ, trung tâm thương mại của thành phố vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Một là, đã có chuyện “quy hoạch một đằng, chợ mọc một nẻo”.

Minh chứng là ở huyện An Dương, hiện có 9 chợ trong quy hoạch nhưng lại “mọc” thêm vô số chợ cóc, chợ tạm như: Minh Kha, Bạch Mai (xã Đồng Thái); Bắc Hà (xã Bắc Sơn); Hạ Đỗ (xã Hồng Phong), chợ rau An Hòa (xã An Hòa)… Nguyên nhân, việc quy hoạch mạng lưới chợ như đã nói đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt ở những đô thị lớn có nền kinh tế năng động, tốc độ đô thị hóa và dân số tăng nhanh như Hải Phòng.

Hai là, công tác quản lý kém hiệu quả. Theo Quyết định số 2043/QĐ-UBND ngày 21-11-2012, UBND thành phố đã phân cấp khá cụ thể và rõ ràng nhiệm vụ này. Theo đó, Ban chỉ đạo chuyển đổi chợ các quận, huyện phải xây dựng phương án chuyển đổi các chợ hạng 2, hạng 3 trên địa bàn. Ban chỉ đạo chuyển đổi chợ thành phố phải xây dựng phương án chuyển đổi các chợ hạng 1, chợ đầu mối. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý kinh doanh khai thác chợ theo mục tiêu đã định hướng luôn chậm và không đạt yêu cầu.

Đặc biệt là việc thu hút các nguồn lực, vốn đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các thương nhân để cùng với nhà nước đầu tư, cải tạo, nâng cấp các chợ trên địa bàn; việc phân biệt và tách chức năng trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác các chợ ra khỏi chức năng quản lý nhà nước trong CCHC... Đến nay, mới có 21 chợ được chuyển sang doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý hoàn toàn. Số còn lại thuộc phân cấp của UBND các quận, huyện chủ yếu vẫn quản lý theo hình thức nửa vời, lập ra Ban Quản lý, Tổ Quản lý chợ song đều ở tình trạng thu không đủ chi.

Đáng nói, tình trạng chợ “chính quy” của thành phố đang gặp 2 vấn đề. Một là, hệ thống chợ hiện tại chưa mang lại hiệu quả như mong đợi và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung. Ngoài chợ đầu mối hoa quả được xây dựng quy mô, các chợ khác hầu hết đều ở dạng cầm chừng, nhỏ lẻ, gồm nhà mái tôn sắt đơn giản và phân chia lốt ngồi cho các tiểu thương.

Hai là, việc thu hút các doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia đầu tư kinh doanh, quản lý chợ theo chủ trương còn nhiều hạn chế. Vấn đề này xuất phát từ việc đầu tư xây chợ không mang lại lợi nhuận cao trong khi công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cháy nổ... khá phức tạp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đối mặt với rủi ro là xây chợ xong không ai vào.

Ví dụ điển hình là chợ mới Đông Hải 2 do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Hướng Minh đầu tư xây dựng. Chợ rộng 5000m2 với 300 ki-ốt rộng rãi, đạt tiêu chuẩn với số tiền đầu tư gần 10 tỷ đồng. Dù đã hoàn thành hàng chục năm nay nhưng chợ này vẫn “nằm im lìm”, không có nổi chục tiểu thương buôn bán. Trong khi cách đó 1km, chợ cóc hoạt động sôi nổi khiến chính quyền địa phương ngày ngày phải đi “dẹp”.

Vấn đề thứ ba là, công tác quản lý nhà nước về trật tự đường hè, vệ sinh môi trường, quản lý hành lang ATGT đường bộ, đường sắt còn bộc lộ nhiều nhược điểm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “chợ cóc”, “chợ tạm” trở thành vấn nạn, gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội, “ép” chợ chính quy vào tình cảnh “sống dở, chết dở”.

Bên cạnh việc làm xấu đi bộ mặt đô thị văn minh, “chợ cóc”, “chợ tạm” còn gây mất an toàn giao thông, tạo ra một hình thái phân phối hàng hóa vô tổ chức, khó kiểm soát về an toàn thực phẩm, dịch bệnh. Kéo theo đó là cả một hệ thống sản xuất nông nghiệp manh mún, không theo quy hoạch…

Một nguyên nhân nữa về “chợ tạm”, “chợ cóc” lấn chiếm vỉa hè lòng đường, hành lang ATGT, cản trở giao thông như hiện nay còn có nguyên nhân xã hội bắt nguồn từ chính phong tục tập quán, thói quen tiện đâu mua đó của người dân. Đặc biệt ở vùng chợ nông thôn chỉ họp nửa ngày, lại họp từ đêm tới sáng sớm nên địa phương rất khó trong việc dẹp bỏ.

Như vậy có thể thấy, để giải quyết vấn nạn chợ cóc, chợ tạm đang phát sinh tràn lan như hiện nay, cần phải có những giải pháp tổng thể, bền vững từ làm tốt công tác quản lý trật tự đường hè, bảo vệ hành lang ATGT; chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý; sắp xếp chỗ ngồi bán hàng hợp lý, tạo công ăn việc làm cho tiểu thương buôn bán nhỏ; tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người nông dân...

(Còn nữa)

ĐOÀN LANH

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích