Kỳ 2: Triệt xóa đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT hàng nghìn tỷ đồng: “Nữ quái” và đồng phạm hầu tòa

15:56 05/11/2019

Mặc dù phương thức, thủ hoạt động của đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT do Nhung điều hành diễn ra hết sức tinh vi. Nhưng nhờ làm tốt công tác nắm địa bàn, thông qua những dấu hiệu khả nghi, trinh sát của đội CSĐT Tội phạm về Kinh tế, CAQ Hồng Bàng nhanh chóng “điểm” tên các cty “ma” do thị ẩn sau điều hành.
Tang vật vụ án

Các dấu hiệu bất thường của các doanh nghiệp này được lực lượng chức năng vạch rõ: Trụ sở của 4/6 doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường Hùng Vương, Hồng Bàng. Người đứng tên chủ các doanh nghiệp đều là người ở các huyện, quận lân cận, lại không có năng lực kinh doanh, buôn bán. Đặc biệt, trong khi hóa đơn xuất ra thì hàng hóa, dịch vụ có giá trị khá lớn nhưng trụ sở cty không có biểu hiện của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không có hàng hóa...

Nhận định đây là một đường dây mua bán trái phép hóa đơn quy mô lớn, liên quan đến nhiều doanh nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngân sách nhà nước, ngày

18-4, CAQ Hồng Bàng đã đẩy từ hiềm nghi lên chuyên án, xác lập chuyên án trinh sát để triệt phá toàn bộ đường dây mua bán trái phép hóa đơn này.

Theo đó, các mũi trinh sát được tung ra, lần theo các dấu hiệu nghi vấn và bằng các biện pháp nghiệp vụ mọi phương thức, thủ đoạn hoạt động của đường dây trên dần dần được hé lộ.

Đúng 10h30 ngày 20-4-2018, CAQ Hồng Bàng phối hợp với các đơn vị, lực lượng nghiệp vụ CATP tiến hành phá án, bắt một số đối tượng trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT trên; trong đó có cả Nguyễn Văn Việt (xe ôm), Đặng Trinh Huyến (người đứng tên Giám đốc 1 trong 6 cty do Nhung điều hành)...

Khám xét các địa điểm, lực lượng chức năng thu giữ toàn bộ tang vật, hóa đơn chứng từ, các tài liệu chứng từ có liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT của các doanh nghiệp.

Qua đấu tranh mở rộng chuyên án, cơ quan CSĐT Công an quận Hồng Bàng đã xác minh làm rõ: Về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ mua vào của 6 cty trên hoàn toàn là kê khai khống, không có hàng hóa, dịch vụ mua vào.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1-2014 đến hết tháng 2-2018, 6 cty trên đã bán ra 7.077 số hóa đơn GTGT. Tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán ra khống của 6 cty này là 2.370.202.415.825 đồng; tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào khống là 2.365.373.297.928 đồng.

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ tháng 12-2017 đến ngày 20-4-2018, sau khi tiếp quản công việc từ Hướng, Nhung đã điều hành 6 cty “ma” trên bán ra 1.367 số hóa đơn với tổng doanh thu bán ra là 949.658.247.307 đồng; thuế đầu ra là 94.965.824.731 đồng.

Ngoài Vũ Thị Ánh Tuyết, Đoàn Thị The còn một số khách hàng mua hóa đơn GTGT khác nhưng Nhung không nhớ.

Để thu lợi bất chính, hàng tháng, Thư thống kế số liệu về số lượng hóa đơn được bán ra từ 6 cty trên chuyển cho Nhung. Sau khi chi nộp thuế vào ngân sách nhà nước, in hóa đơn, trả lương, mua văn phòng phẩm, chia lợi nhuận cho Hướng, Nhung được hưởng lợi là 585.847.616 đồng.

Trong suốt quá trình làm cho Nhung, Thư đã trực tiếp đi in hóa đơn 3 lần, Vân Anh in 1 lần.

Liên quan đến vụ án còn có Phạm Minh Hạnh, sinh 1978, ở số 221, lô 13, khu Đô thị mới Đằng Hải, Hải An – Giám đốc cty CP Dịch vụ & Xuất nhập khẩu Thiền Phúc, trụ sở 76/256 Lê Lợi, Ngô Quyền, HP; chuyên kinh doanh, xuất nhập khẩu đá tự nhiên. Trong quá trình kinh doanh có một số cty có nhu cầu mua hóa đơn GTGT khống của cty này nên Hạnh đã trực tiếp thỏa thuận, mua 53 số hóa đơn GTGT của Đoàn Thị The, với tổng giá trị tiền hàng chưa tính thuế lên tới trên 38,5 tỷ đồng. Hạnh trả cho The 2 tỷ đồng, sau đó Hạnh lại dùng số hóa đơn này bán lại cho các doanh nghiệp có nhu cầu kiếm về 200 triệu đồng tiền lời chênh lệch. Các hóa đơn này xuất từ 1 trong 6 cty do Nhung điều hành nêu trên.

Đối với Vũ Thị Ánh Tuyết, do có quen biết xã hội với Nhung từ năm 2012, biết Nhung có các cty hoạt động mua bán hóa đơn trái phép nên từ tháng 12-2017 khi có khách hàng hỏi mua hóa đơn GTGT khống,Tuyết đã liên hệ với Nhung để mua. Tổng số tiền lời mà thị kiếm được từ việc này là 80 triệu đồng.

Tang vật vụ án

Ngày 20-4-2018, Thư cùng Vũ Thị Ánh Tuyết đến CAQ Hồng Bàng tự thú. Ngày 4-5-2018, Phạm Minh Hạnh bị bắt khẩn cấp. Ngày 11-7-2018, biết không thể lẩn trốn sự truy bắt của lực lượng chức năng, Nhung đã đến CAQ Hồng Bàng tự thú.

Tại cơ quan chức năng cũng như tại phiên toàn, các bị cáo đã thành khẩn khai báo toàn bộ quá trình phạm tội nêu trên của mình; tự nguyện nộp lại số tiền thu lợi bất chính để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, cụ thể:

Nguyễn Thị Nhung đã nộp 585.847.616 đồng, Vũ Thị Ánh Tuyết: 200 triệu đồng, Phạm Minh Hạnh: 200 triệu đồng, Trần Thị Minh Thư: 18 triệu đồng. Ngoài ra, Trần Thị Vân Anh tự nguyện giao nộp 73,15 triệu đồng làm vật chứng vụ án.

Ngày 26-6-2019, khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án Nhân dân quận Hồng Bàng đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Thị Nhung 400 triệu đồng, Phạm Minh Hạnh 250 triệu đồng, Trần Thị Minh Thư 200 triệu đồng, Vũ Thị Ánh Tuyết 177 triệu đồng vì tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Đối với Đoàn Thị The trốn khỏi địa phương, Cơ quan CSĐT Công an quận Hồng Bàng đã ra quyết định truy nã, tách hồ sơ xử lý sau.

Đối với đối tượng tên Hướng là người bàn giao các cty cho Nhung điều hành, quản lý, hiện chưa rõ lai lịch, địa chỉ nên Cơ quan CSĐT cũng tách ra làm rõ, xử lý sau.

Đối với Trần Thị Vân Anh,Vũ Thị Vân Anh..., không đủ căn cứ để xác định đồng phạm trong việc mua bán trái phép hóa đơn với Nhung nên Cơ quan điều tra không xử lý.

Đối với 6 người đứng tên Giám đốc 6 cty do Nhung quản lý, điều hành đều không biết mình làm Giám đốc, hoàn toàn không biết về hoạt động mua bán trái phép hóa đơn của Nhung nên không đủ căn cứ xác định đồng phạm nên Cơ quan điều tra không xử lý.

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông