Kỳ 3: Kiên quyết giải tỏa “chợ tạm, chợ cóc”

14:29 26/06/2020

Tình trạng “chợ cóc”, “chợ tạm”, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn thành phố diễn biến hết sức phức tạp. Chính vì vậy, từ đầu tháng 3-2020, Ban ATGT thành phố đã xây dựng kế hoạch, thành lập Đoàn Liên ngành thành phố tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm TTATGT, trật tự lòng đường, vỉa hè và mỹ quan đô thị trên toàn địa bàn Hải Phòng.

Trong những buổi kiểm tra đầu tháng 5-2020, Đoàn đã lập biên bản vi phạm ở nhiều địa phương, có sự chứng kiến, cam kết của UBND quận, huyện. Tuy nhiên mỗi khi có lực lượng chức năng kiểm tra, vi phạm “xẹp” xuống nhưng sau đó lại “phồng” lên, giống như “đá ném ao bèo”.

Đại diện lãnh đạo UBND các địa phương tham gia Đoàn công tác cũng thấy trách nhiệm của mình trong quản lý đô thị, thừa nhận thực tế là công tác duy trì trật tự đường hè (TTĐH), VSMT đô thị không được tiến hành thường xuyên và thiếu quyết liệt. Việc duy trì các tiêu chí đường mẫu như mong muốn quả rất khó nếu có thể nói là “không khả thi”. Điển hình như ở khu vực nội thành, vỉa hè bị lấn chiếm để xe, bán hàng hóa đến không còn lối đi như: các tuyến Lạch Tray và Cầu Đất, Trần Phú...

“Chợ cóc”, “chợ tạm” mọc tràn lan như: chợ An Đà, chợ Đông Khê, chợ Con, chợ Lương Văn Can, chợ Cầu Tre, chợ ngã 3 Bốt Tròn, chợ Dư Hàng trên đường Nguyễn Văn Linh, chợ An Đồng trên đường Tôn Đức Thắng, chợ Vĩnh Niệm 453 Thiên Lôi; chợ 125 Khúc Thừa Dụ mở cả ngày; Chợ Cầu Rào; Chợ cóc ngã 3 Đông Hải - Kiều Hạ, quận Hải An; chợ trên đường Phạm Huy Thông (quận Lê Chân)…

Tuy nhiên, mối lo nguy cơ mất ATGT do họp chợ cóc, chợ tạm khu vực ngoại thành xem ra còn “nóng” hơn. Vì lẽ, chợ chiếm dụng ven đường, lề đường vốn là hành lang ATGT các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ (QL, TL) như: chợ Mỹ Đức trên TL 354, chợ Minh Kha trên TL351; chợ Hương trên đường TL355 (Nguyễn Lương Bằng); chợ Nam Am trên QL37… Trong khi đó các tuyến đường này có mật độ phương tiện xe cơ giới đường bộ đông hơn, nhất là xe ô tô tải, xe đầu kéo công ten nơ hoạt động thường xuyên…

Theo Công văn số 3981/UBND-CV ngày 18-6-2020 của UBND thành phố, hiện nay, trên các tuyến QL, TL qua địa bàn, tình trạng họp chợ, mua bán trên lòng đường, vỉa hè, tồn tại nhiều năm nhưng không được các cấp chính quyền giải quyết triệt để, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện phải giải quyết với tinh thần triệt để, quyết liệt.

Cụ thể, Quận ủy, Huyện ủy, UBND các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền, tổ chức tuần tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. UBND quận Lê Chân và huyện An Dương có trách nhiệm xử lý ngay, không để còn tồn tại tình trạng họp chợ, bán hàng tại khu vực chợ Hàng - đường Nguyễn Văn Linh và khu vực cổng KCN Tràng Duệ (báo cáo UBND thành phố kết quả trong tháng 6-2020). Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị, lực lượng tăng cường tuần tra, chốt chặn, xử lý nghiêm các phương tiện (cơ giới, thô sơ) dừng đỗ trái quy định để mua bán hàng hóa.

Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng yêu cầu các KCN, các doanh nghiệp quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động không dừng đỗ phương tiện trái phép, mua bán dọc các tuyến QL hoặc trước cổng các KCN…

Cũng theo tinh thần chỉ đạo của thành phố, nhằm giải quyết vấn nạn chợ cóc, chợ tạm phát sinh tràn lan như hiện nay, rất cần có những biện pháp tổng thể bền vững từ làm tốt công tác quản lý trật tự đường hè, bảo vệ hành lang ATGT đến chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý. Trong đó có việc sắp xếp chỗ ngồi bán hàng hợp lý, tạo công ăn việc làm cho tiểu thương, người buôn bán hàng rong; nông dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản…

Quan điểm này đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm qua việc xây dựng duy trì các tuyến đường kiểu mẫu và các tuyến phố đi bộ của thành phố. Chủ trương đặt ra là với yêu cầu “xây để chống” sắp xếp các hộ có nhà mặt đường chỉ được kinh doanh trong khuôn viên gia đình. Ngoài ra là việc sắp xếp cho những người bán hành rong và những tuyến đường quy hoạch có sự quản lý của chính quyền, nhằm chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, phát triển chợ luôn phải tính đến lợi ích dân sinh vì đã có tình trạng chợ tạm bị dẹp bỏ, chợ mới quy hoạch lại nằm xa khu dân cư, không thuận tiện giao thông khiến hoạt động kinh doanh của hàng trăm tiểu thương ở phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) gặp khó khăn.

Lo kiếm kế sinh nhai, nhiều người đã tái chiếm lòng đường, vỉa hè và không gian chợ tạm để tiếp tục kinh doanh. Bởi bài toán mưu sinh của người dân có lẽ cũng phải được cân nhắc, tính đến, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc làm tại các doanh nghiệp khó khăn, hộ tiểu thương, người buôn bán nhỏ, hàng rong, nông dân tiêu thụ nông sản rất cần được sự quan tâm, chia sẻ song phải tuân thủ đúng quy định.

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích