Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội

08:40 08/11/2021

Chính phủ đã đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt khoảng 6-6,5%...
Ky hop thu 2, Quoc hoi khoa XV: Thao luan ve cac van de kinh te-xa hoi hinh anh 1Quang cảnh một phiên họp Quốc hội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Bắt đầu tuần làm việc trực tiếp trong đợt họp thứ hai của Kỳ họp thứ 2, ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội cũng thảo luận tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 tại phiên khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhằm khắc phục những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa phải quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác trong chỉ đạo, điều hành; tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Dịch COVID-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.

Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với định hướng của Trung ương; tiếp tục mở rộng độ bao phủ, tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là điều trị và ở cơ sở; tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Tại phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)
Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích