Kỳ họp thứ 29 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khoá XIV: Cho ý kiến việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

10:40 13/10/2018

Trong 2 ngày 10, 11-10, tại kỳ họp thứ 29, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục thảo luận cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp thứ 29 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khoá XIV

Qua nghe báo cáo của Đoàn kiểm tra Nghị quyết số 26-NQ/TW do đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn và các ý kiến thảo luận, hội nghị đã thống nhất với các nội dung của báo cáo. Trong đó nhấn mạnh, sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều đổi mới.

Nổi bật, tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá. Số lượng các sản phẩm chủ lực và các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung tăng nhanh. Hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa được ban hành phục vụ hiệu quả cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; giá trị đầu tư trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã tăng gấp 20 lần so với năm 2010.

Cùng với đó, nhận thức của người nông dân được nâng lên rõ rệt, góp phần phát huy vai trò chủ thể, chủ động tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị. Các chương trình mục tiêu quốc gia có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân; nhiều hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã chủ động làm đơn đăng ký thoát nghèo; nông thôn ngày càng phát triển văn minh và hiện đại; kết cấu hạ tầng được nâng cấp và từng bước hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn tăng khá. Cơ cấu lao động nông thôn đang chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các ý kiến cũng cho rằng việc triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế. Đó là công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa được thường xuyên, đồng bộ; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về những nội dung thiết yếu chưa đầy đủ; một số cơ chế, chính sách, không phù hợp, chậm được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chưa có sự chuyển biến lớn mang tính bứt phá theo thế mạnh, kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn ít; kinh tế hợp tác phát triển chậm, hoạt động chưa hiệu quả. Bộ máy quản lý nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở một số địa phương không có chuyên môn hoặc chuyên môn chưa phù hợp…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp và hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết, hội nghị thống nhất thời gian tới, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện để qua đó tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động trong Đảng bộ, nhân dân nhằm giải quyết triệt để và đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tiếp tục đầu tư cho vùng nông thôn, dân tộc, miền núi, vùng khó khăn một cách thỏa đáng, phù hợp với thực tế từng địa phương; động viên khích lệ người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực vào sản xuất, chuỗi sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm nhiều sản phẩm cho xã hội, nâng cao thu nhập cho người nông dân nhằm giảm nhanh khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa vùng thành thị với nông thôn và các vùng khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ ngày càng cao của xã hội. Song song với đó, cần quan tâm  phát triển sản xuất gắn với xây dựng nếp sống văn hóa, cải thiện môi trường an toàn thân thiện vùng nông thôn, đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

HẢI HẬU tổng hợp

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông