Ký kết EVFTA và EVIPA - Cơ hội mới cho kinh tế Hải Phòng và cả nước (Kỳ 2): Chủ động để hội nhập

08:54 05/07/2019

Khỏi phải nói đến tầm quan trọng của thành công trong quá trình đàm phán và ký kết EVFTA, EVIPA, bởi EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với tập hợp kinh tế gồm 28 quốc gia thành viên, chiếm tới 30% GDP sức tiêu thụ hàng hóa toàn cầu, EU cũng đồng thời là nền kinh tế lớn trong tốp đầu thế giới, đặc biệt có đồng tiền chung (Euro) với khả năng hoạt động linh hoạt chỉ đứng sau đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.

Thương mại nội địa sẽ đứng trước cả cơ hội và thách thức

Với Hải Phòng, địa phương đang có những đột phá về thu hút đầu tư công nghệ cao và phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại, có hệ thống dịch vụ cảng đứng đầu cả nước, đầu mối giao thương hàng hải của cả khu vực phía Bắc với EU, việc EVFTA, EVIPA có hiệu lực càng nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, ngay cả các sản phẩm chủ lực mang tính truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản… EU vốn dĩ từ lâu đã là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp Hải Phòng. Bởi vậy sự kiện cũng chính là cơ hội đặc biệt của Hải Phòng.

 Những con số thống kê về thành tựu 10 trở lại đây của Hải Phòng cho thấy: tỷ trọng công nghiệp dịch vụ chiếm gần 90%, sản lượng hàng hóa qua cảng tăng bình quân 16,7%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,03%... chứng tỏ tiềm năng của thành phố là rất lớn. Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng lũy kế theo từng năm, luôn cao hơn rất nhiều mức bình quân cả nước.

Cụ thể năm 2016 tăng 13,47%, năm 2017 tăng 14,01%, năm 2018 tăng 16,27% và 3 tháng đầu năm 2019 tăng 15,05%. Riêng lĩnh vực hội nhập, thành phố đã tạo ra sức cạnh tranh đáng nể, với việc mở rộng thị trường xuất khẩu tới 136 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút FDI tăng trưởng vượt bậc, đứng trong tốp đầu cả nước, với những dự án lớn theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng.

Hải phòng đã và đang triển khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư từ EU qua cánh cửa EVFTA, EVIPA. Mặt khác, thành phố hiện có 649 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đầu tư 17,3 tỷ USD, trong đó nhiều dự án sản xuất những sản phẩm có tính cạnh tranh cao tại thị trường EU như điện tử LG, lốp xe ô tô Bridgestone, thiết bị văn phòng Fuji Xerox…

Báo cáo thống kê cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019 chỉ số sản xuất công nghiệp Hải Phòng tiếp tục tăng cao với mức 23,6% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, nhiều sản phẩm công nghiệp nhẹ có khả năng xuất khẩu đang nằm trong tốp tăng trưởng mạnh. Nếu đáp ứng đủ yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm công nghiệp nhẹ của Hải Phòng hoàn toàn có thể mở rộng sang thị trường châu Âu.

 Gia công xuất khẩu là hạn chế lớn đối với hàng hóa Hải Phòng

Tóm lại, với vị thế đã được khẳng định là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, là đầu mối giao thương hàng hải lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng đầy đủ điều kiện để tiếp nhận hiệu quả từ EVFTA, EVIPA. Tuy nhiên nếu không nhận rõ những thách thức để chủ động tiếp cận, thì việc chớp thời cơ có thành công hay không cũng còn nhiều việc phải bàn.

Bởi kinh nghiệm cho thấy, cũng như đối với các hiệp định thương mại tự do khác, thời gian qua thành phố đã triển khai nhiều hoạt động sẵn sàng hội nhập. Nhiều doanh nghiệp lớn đã chủ động đi trước, đón đầu, nhưng cũng không ít doanh nghiệp hoặc chưa hiểu rõ, hoặc chưa thực sự quan tâm, đó cũng là hạn chế lớn trên đường vươn ra quốc tế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thách thức cũng đã được các chuyên gia phân tích rõ, khi tham gia quan hệ thương mại song phương với EU, sản phẩm Việt Nam phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nguyên liệu nội khối nhất định (của EU và Việt Nam). Nếu không chuẩn bị hành lang pháp lý đầy đủ, hàng hóa từ Việt Nam cũng rất dễ vấp phải các rào cản thương mại của EU như xuất xứ hàng hóa, chống bán phá giá, chống trợ cấp hay bảo hộ sản xuất nội địa.

Trên thực tế rất nhiều ngành dịch vụ, sản xuất, chế biến khác của Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh đó.  Mặt khác, EU là thị trường khó tính, những sản phẩm xuất khẩu phải đạt được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác, môi trường...

Thực tế ở Hải Phòng lâu nay, lĩnh vực này tập trung chủ yếu vào nguồn hàng gia công của khu vực kinh tế vốn FDI. Nhưng đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu cũng chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm sử dụng nhiều lao động, có giá trị gia tăng thấp, đòi hỏi phải nhập khẩu lớn nguyên liệu. Nhìn vào bản đồ công nghiệp địa phương, có rất ít thương hiệu hàng hóa Hải Phòng đủ sức xâm nhập thị trường EU trong thời điểm hiện tại.

Tác động ngược lại, khả năng cạnh tranh nội địa cũng nhiều bất cập. Hiện Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều nhóm hàng nhập khẩu còn giữ mức thuế khá cao, nếu nhiều dòng thuế bị xóa bỏ hoặc lùi về mức 0%, thị trường nội địa sẽ bị hụt hẫng. Nguy cơ này sẽ tác động trực tiếp tới Hải Phòng, nơi cũng đang tụt hậu về thương hiệu hàng hóa hội địa, trên cả lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. 

Tham gia EVFTA, EVIPA một trong những lời giải cho Hải Phòng, đó là hiện thành phố đang tái cấu trúc mạnh mẽ nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình thu hút đầu tư công nghệ cao, xây dựng thị trường hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp…

Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để kết nối giữa vùng nguyên liệu với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng logistics, sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu và cạnh tranh tại sân nhà, đây có lẽ mới cần một cuộc cách mạng thực sự. Vẫn biết là tham gia sân chơi mới sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng hy vọng Hải Phòng sẽ tháo bỏ những nút thắt để tự tin tiếp cận hội nhập một cách hoàn hảo.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích