Kỷ niệm 101 năm cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7-11-1917 * 7-11-2018): Âm hưởng Nga trong tâm hồn Việt

11:08 02/11/2018

Có một thời nền văn hóa Nga gần chúng ta đến thế, từ âm nhạc, thơ ca đến những cuốn sách, ngôn ngữ, tính cách Nga đem lại những giai điệu, âm hưởng sâu sắc trong đời sống tâm hồn người Việt, và đã thực sự tạo nên sự giao thoa giữa nền văn hóa của 2 dân tộc. Những dấu ấn mạnh mẽ nhất được truyền lại cho đến hôm nay nằm ở nhiều thể loại thơ và nhạc, khiến ca khúc Việt khi cất lên cứ ngỡ nhạc Nga…

1. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cánh sinh viên tỉnh lẻ bọn tôi lên học tại Hà Nội được bung mở tầm nghĩ, tầm nhìn trước một chân trời mới. Lúc đó, chúng tôi được truyền tay nhau đọc thơ Nguyễn Bính, “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, được đọc “Kim Bình Mai”… mà thời trước ít được phổ biến. Khoái nhất là được chép tặng nhau những bài thơ tình, trong đó mảng thơ tình Nga nhất là của Puskin, Xi-mô-nốp, Ôn-ga Béc-gôn, Coóc-ni-lốp… mà cánh sinh viên đặc biệt hâm mộ. Thế rồi, “lạc” vào trong sổ tay của chúng tôi là bài thơ “Chuyện tình mười năm trước” mà ai cũng ghi tên tác giả là của Ôn-ga Béc-gôn, hoặc Bét-xô-nốp. Có gì đó mang âm hưởng rất Nga, cả cách gieo vần, ngắt chữ, buông câu cũng rất Nga tựa như “Mùa hè rớt”, “Tránh đụng vào cây mùa lá rụng”… với những hình ảnh, vần điệu, tứ thơ, con chữ da diết, day dứt, cháy bỏng, trước cuộc tình lỡ dở: “Chỉ có một lần thôi/Em hỏi, anh im lặng/Thế mà em hờn giận/Để chúng mình xa nhau… Và tháng ngày qua đi/Tiếng ve về thổn thức/Gió thổi vào đêm hè/Kể chuyện mười năm trước.”

Chuyện bẵng đi cho tới năm 2008, kỷ niệm 20 năm ngày tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn K28-Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi gặp lại anh bạn cùng lớp. Nhắc lại mối tình đầu thời sinh viên đã tan vỡ của mình, nói về nguyên nhân chia tay anh bỗng rưng rưng đọc lại tôi nghe bài thơ “Chuyện tình mười năm trước”. Kỷ niệm trào dâng rồi lắng dịu, anh bạn mới nói với tôi: “Tao nghe bảo bài thơ này của nhà thơ Việt Nam mình.” Cũng có thể giống trường hợp bài thơ “Bông huệ trắng”: Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng/Sao bóng hoa trên tường lại đen… được phổ biến là của Hen-rích Hai-nơ; sau này được khẳng định là của Bế Kiến Quốc. Hay là trường hợp bài thơ người Việt “Anh đi tìm em trên bán đảo Ban-căng” cũng được đem gán cho tác giả là Ôn-ga Béc-gôn. Sau này có người đọc được bài báo nói “Chuyện tình mười năm trước” là của tác giả Nghiêm Thanh, một người Hải Phòng, tôi cứ nắc nỏm khen bài thơ có âm hưởng Nga mà lại mang tâm hồn Việt.

Nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu

Chuyện cũng cứ cất kín thế, đến năm 2017, tôi bất ngờ được tặng cuốn sách “Khúc tự tình” của nhà báo Nghiêm Thanh, nguyên phóng viên thường trú Báo Nhân dân tại Quảng Ninh (1978-1989), Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Văn nghệ Báo Nhân dân. Điều đặc biệt là trong cuốn sách có bài thơ “Chuyện tình mười năm trước” (sau này đã được phổ nhạc), nhà báo Nghiêm Thanh có nói rõ về sự ra đời của bài thơ vào năm 1971: Do là đảng viên, làm lớp trưởng, ngại mang tiếng là “lãng mạn”, ông đã không dám ký tên, liền nghĩ cách mượn nhân vật đa tình Bét-xô-nốp trong tiểu thuyết “Con đường đau khổ” của văn hào A.Tôn-xtôi làm bút danh, bịa ra người dịch là một học giả Việt Nam sống ở nước ngoài. Bài thơ nhanh chóng lưu truyền và không hiếm người tưởng rằng “Chuyện tình mười năm trước” của một nhà thơ Nga, bởi âm hưởng của nó rất Nga, triết lý sâu sắc không thua gì những bản dịch thơ Nga của Bằng Việt, Hồng Thanh Quang. Ví như: “Khi tình yêu bắt đầu/Cũng là điều khó nhất/Trái tim dù biết hát/Nhưng cuộc tình dễ đâu?” Và, nó chỉ được định vị ở những chi tiết thuần Việt, như “Con đò không bến đợi” hay “Tiếng ve về thổn thức”.

2. Ngay từ bé, tôi đã được nghe bài hát “Ngôi sao ban chiều”. Ai cũng bảo đó là bài hát của Liên-xô (cũ). Quả thực, âm hưởng của những bài hát Nga, như “Cây thùy dương”, “Chiều Matxcơva”, “Chiều hải cảng”…  được tìm thấy trong “Ngôi sao ban chiều” với giai điệu du dương, êm đềm, với ca từ đẹp, lời bài hát tình cảm, tha thiết: “Màn chiều dần buông xuống, gió ngàn vi vu/Lấp ló đầu thôn, ngôi sao ban chiều… Bấy lâu tim tôi, luôn nhớ đến em/Như ngôi sao Hôm, bao ngày mong chờ”.  Chỉ có điều lạ kỳ, chưa bao giờ tôi được nghe bài hát này bằng tiếng Nga nguyên bản.

Trong một lần, nhớ đến “Ngôi sao ban chiều” vào Google tìm lời bài hát, tôi đã tìm được lời giải đáp song giật mình khi biết nhạc phẩm trứ danh một thủa tác giả là người Việt Nam. Nhạc sỹ Đinh Tiến Hậu, sinh 1944, tại Hải Phòng. Ông cho biết, “Ngôi sao ban chiều” được sáng tác vào năm 1964, khi ấy nhạc sỹ mới 20 tuổi. Do nhiều yếu tố nhạy cảm, lúc đó đất nước cần những ca khúc hùng tráng, thôi thúc lòng người ra trận, ông đã phải “mượn” nước Nga, để thanh niên miền Bắc thủa ấy có nhạc trữ tình. Đúng là ở vào giai đoạn ấy, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang dồn sức cho cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, thì những tình khúc như vậy chưa dễ được chấp nhận. Mà “Ngôi sao ban chiều” giai điệu thật đẹp và êm đềm, có đẹp, song vẫn phảng phất một nỗi buồn xa cách. Nỗi buồn dẫu chỉ man mác, nỗi đau dẫu dịu ngọt nếu không bị coi là bi lụy thì cũng rất dễ bị “quy chụp” khi có những ca từ thường rất ít được dùng lúc bấy giờ: “Anh thân yêu nơi xa, anh có nhớ chăng/Năm xưa đôi ta, chung lời nguyện ước”…

Nhà báo Nghiêm Thanh

Tôi đã từng xem một bộ phim Việt Nam, một vở kịch không còn nhớ rõ về đề tài chiến tranh. Trên chặng đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ngoài những ca khúc cách mạng hừng hực khí thế, những người lính hành quân từ miền Bắc vào mặt trận phương Nam còn đem theo trong hành trang của mình cả những ca khúc trữ tình. Một tối dừng chân, có chiến sỹ trẻ đã hát bài “Ngôi sao ban chiều” và bị chỉ huy “sạc” cho một trận và đã phải thanh minh, đó là bài hát của “Liên-xô sáng tác”. Trong nghệ thuật có thể hư cấu, song dường như đạo diễn và người viết kịch bản đã giúp nhạc sỹ Đinh Tiến Hậu “giải mã” được phần nào xuất xứ của “Ngôi sao ban chiều”. 

3. Tôi cứ nghĩ thế này, có thể là võ đoán, thế hệ của các bậc cha anh như các nhà thơ Bằng Việt, Bế Kiến Quốc, Hồng Thanh Quang, nhà báo Nguyễn Nghiêm Thanh, nhạc sỹ Đinh Tiến Hậu và cả thế hệ của chúng tôi sau này nữa ít nhiều ảnh hưởng văn hóa Nga rất sâu đậm. Những cuốn sách gối đầu giường, như “Thép đã tôi thế đấy”, “Sông Đông êm đềm”, “An-na Ka-tê-ri-na”, Tuyển tập Bunhin, hay thơ của Puskin, Léc-man-tốp, Exenhin, hay những bài hát “Kachiusa”, “Triệu bông hồng”, “Đôi bờ”, “Thời thanh niên sôi nổi” và cả những bức họa “Mùa thu vàng”.v..v… đã ngấm sâu vào tâm hồn, trong cách nghĩ, cách sống của một thế hệ thanh niên Việt Nam. Và, những người làm nghệ thuật trong sáng tác của họ đã có một “Tổ quốc thứ hai” trong đó với những tác phẩm thi ca, nhạc, họa mang đầy âm hưởng, cảnh vật nước Nga, phong cách người Nga. Nếu quả vậy, đây là một sự giao thoa đáng ngưỡng mộ mà “Chuyện tình mười năm trước” và “Ngôi sao ban chiều” là những sản phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Và, ở thời khắc đặc biệt ấy, dẫu chỉ là một bài thơ, một ca khúc thôi, những “cha đẻ” của nó vẫn thật xứng danh là thi sỹ, nhạc sỹ tuyệt vời bởi những nhạc phẩm, thi phẩm ấy đã và mãi là chiếc cầu nối bền chặt giữa xứ sở Bạch Dương với dải đất hình chữ S bên bờ biển Đông, mãi sống với thời gian…

Xuân Ngọc

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông