Kỷ niệm 105 năm Cách mạng tháng Mười: Trang sử vẻ vang của Chủ nghĩa xã hội

16:53 07/11/2022

Ngày 7-11-2017 (tức 25-10-1917 theo lịch Nga) được coi như một trong những dấu mốc quan trọng nhất của lịch sử thế giới, với thắng lợi vang dội của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại. Đây đồng thời cũng là bước ngoặt, làm thay đổi cục diện thế giới.
Hình ảnh mô tả lãnh tụ Lê – Nin và Cách mạng tháng Mười Nga (tư liệu)

Ngày xoay chuyển thế giới

Sau khi chế độ quân chủ chuyên chế  trị vì hơn 300 năm ở nước Nga đã bị sụp đổ. Tháng 4-1917 V.I.Lênin về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Nga, ông và đảng Bôn-sê-vích đã xác định chủ trương cách mạng Nga là chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đêm 6-11-1917, khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở TP Petrograd, chỉ trong hai ngày cuộc cách mạng Petrograd đã kết thúc thắng lợi. Vì diễn ra vào thời điểm tính theo lịch nước Nga cũ là cuối tháng 10-1917, nên trong lịch sử thế giới từ đó ghi dấu cụm từ “Cách mạng Tháng Mười Nga”.

Cách mạng Tháng Mười thành công đã chuyển hóa lý luận chủ nghĩa xã hội trở thành thực tiễn trong đời sống chính trị thế giới, dẫn tới sự ra đời Nhà nước xã hội chủ nghĩa - nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người.

Điều quan trọng là, Cách mạng Tháng Mười đã xóa bỏ giai cấp bóc lột, để giai cấp vô sản bị áp bức thành đứng đầu và làm chủ xã hội. Từ đây, người dân lao động vốn thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước.

Cách mạng Tháng Mười đã còn tác động mạnh mẽ đến phong trào nổi dậy chống áp bức bóc lột ở các dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, tạo nên những tiền đề thực tế cho sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa mà trước đó chưa từng tồn tại.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tính từ năm 1917 đến nay không một cuộc cách mạng nào diễn ra trên thế giới lại không chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Điều đó cho thấy, nỗi khát khao của con người vì tự do, công bằng, bình đẳng và văn minh cháy bỏng đến mức nào.

Đối với Việt Nam, một quốc gia thuộc địa nằm cách xa nước Nga hàng vạn cây số, nhưng lại là một trong những nước tiếp nhận sớm nhất hệ tư tưởng Cách mạng Tháng Mười. Vào thời điểm mà mọi phong trào yêu nước ở Việt Nam đều bị thất bại, việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra đường lối đúng đắn từ nền tảng Cách mạng Tháng Mười được coi như kim chỉ nam cho cách mạng nước ta.

Trong cuốn “Đường cách mệnh”, Người khẳng định: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất…”.

Từ nền tảng tư tưởng đó, từ khi ra đời năm 1930, Đảng ta đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười đã được vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. 

Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga ảnh hưởng to lớn đến thành công của Cách mạng tháng Tám tại Việt Nam. (tư liệu)

Khát vọng và sức mạnh của Chủ nghĩa xã hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn. Trong suốt tiến trình lịch sử đó, Hải Phòng với tư thế là địa phương tiếp cận sớm thành quả của Cách mạng tháng Mười, nhiều lãnh tụ thuộc thế hệ cộng sản Việt Nam đầu tiên đã chọn Hải Phòng làm “chiếc nôi” để nuôi dưỡng  con đường cách mạng.

Nổi bật trong đó là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, từ tháng 2-1928, với  cương vị là Bí thư tỉnh bộ thanh niên cách mạng Hải Phòng. Ông là một trong những người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin, kết hợp huấn luyện, đào tạo cán bộ và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng tại Hải Phòng.

Từ đây, phong trào đã phát triển mãnh mẽ ra cả vùng Bắc Kỳ, là giai đoạn quan trọng nhất để hiện thực hóa thành quả cách mạng, với sự kiện thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Việt Nam tại số nhà 5D (Hàm Long – Hà Nội) vào tháng 3-1929.

Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc của các nước vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội diễn ra rất phức tạp. Chủ nghĩa xã hội đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Nhận thức sâu sắc những bài học sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết cải tổ.

Đại hội lần thứ VI của Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, dựa theonguyên tắc “Đổi mới trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn”.

Đó vừa là nền tảng tư tưởng, vừa là sự lựa chọn cách thức, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.  36 năm đổi mới, Nhân dân ta kiên định sự nghiệp của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, tiếp tục con đường chủ nghĩa xã hội.

Để đạt tới mục tiêu cao cả đó, tất yếu phải trải qua nhiều chặng đường khó khăn, gian khổ với những hình thức phù hợp. Nhưng cho dù khó khăn đến mức nào, thực tế đã chứng minh đó là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Mười  đến nay còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Càng thấy hiển hiện rõ tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, là tài sản vô giá, mãi mãi sáng ngời khát vọng và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông