Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909-4/11/2019) Tấm gương chói sáng trên đỉnh cao sự nghiệp cách mạng

09:43 03/11/2019

Hy sinh ở tuổi 35 (5-1944), đồng chí Hoàng Văn Thụ có nửa cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạnh, được phân công nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước, đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ (ảnh tư liệu)

          Nhà hoạt động lỗi lạc

Đồng chí Hoàng Văn Thụ, sinh ngày 4-11-1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).

Tuổi thiếu niên, được học tại Trường tiểu học Pháp - Việt ở thị xã Lạng Sơn, trong thời gian này đồng chí được tiếp nhận nhiều biến động mới của phong trào yêu nước, từ đây tư tưởng mới đã thôi thúc Hoàng Văn Thụ đến với cách mạng.

Tháng Giêng năm 1928, đồng chí Hoàng Văn Thụ từ Lạng Sơn sang Trung Quốc, lấy bí danh là Lôi Minh Hạ, vừa làm thợ cơ khí, vừa thâm nhập tuyên truyền gây dựng các cơ sở quần chúng bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam.

Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, năm 1929 đồng chí được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, Chi bộ hải ngoại Long Châu được thành lập và chỉ đạo phong trào cách mạng vùng núi biên giới Việt - Trung. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công phụ trách, chỉ đạo xây dựng, phát triển phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn.

Từ cuối năm 1932 đến đầu năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp chỉ đạo các tổ chức quần chúng trung kiên ở Khưa Lếch (Trung Quốc) và Khưa Đa, Ma Mèo, Tài Lài, xã Tân Yên (Văn Uyên, Lạng Sơn) và tổ chức rải truyền đơn ở nhiều nơi. Tại đây Đồng chí đã chỉ đạo thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn và trực tiếp làm Bí thư.

Đến năm 1934, Ban cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn được thành lập, do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp phụ trách. Từ cuối năm 1934 đến đầu năm 1935, thực dân Pháp tăng cường khủng bố khốc liệt, phong trào cách mạng ở Văn Uyên tạm thời lắng xuống. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ và đưa nhiều quần chúng trung kiên từ Văn Uyên, Thất Khê dự các lớp huấn luyện cách mạng bí mật, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ, gây dựng, củng cố phong trào cách mạng các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Giữa năm 1938, Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải Dương. Đầu tháng 8-1938, sau thời gian phát triển phong trào đấu tranh của công nhân Thái Nguyên, đồng chí Hoàng Văn Thụ về Hải Dương củng cố phong trào cách mạng. Cuối tháng 8-1938, đồng chí về huyện Vĩnh Tường kết nạp các quần chúng trung kiên vào Đảng, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Yên.

Ngày 8-9-1939, hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông). Tại Hội nghị này, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Thực hiện chủ trương của Xứ uỷ, tháng 9-1939 với bí danh là Vân, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Quảng Ninh, trong vai người thợ đùn máng than, phát triển phong trào công nhân vùng Mỏ.

Tư duy lãnh đạo xuất chúng

Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh và Hải Dương...

Cùng với việc chỉ đạo phong trào cách mạng của các tỉnh, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dành thời gian chỉ đạo củng cố Thành uỷ Hà Nội sau nhiều lần tan vỡ do bị kẻ thù khủng bố. Với sự chỉ đạo tích cực của Đồng chí, Thành uỷ Hà Nội đã từng bước được phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Sự phát triển vững chắc của các cơ sở Đảng ở các tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt cho việc mở rộng phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn rộng lớn. Hoạt động của Đồng chí Hoàng Văn Thụ trên nhiều công việc khác nhau đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng. Trên cương vị Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đề xuất sáng lập báo “Giải phóng”, tham gia chỉ đạo hoạt động tuyên truyền của báo “Cờ giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản”. Đồng chí thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng với bí danh là Lý.

Khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ (9-1940), đồng chí Hoàng Văn Thụ họp bàn với Ban Thường vụ Xứ uỷ, đề ra chủ trương duy trì Đội du kích Bắc Sơn để làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng sau này, đồng chí trực tiếp chỉ đạo thành lập căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Tháng 11-1940, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 diễn ra tại làng Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh), đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng (khoá I).

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941), đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng. Với tư chất của một cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp quan trọng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong quá trình vận động, tổ chức phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước.

Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25-8-1943 đồng chí Hoàng Văn Thụ bị giặc Pháp bắt tại Hà Nội. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình, nhưng không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Ngày 21-12-1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Toà án đại hình” để xử tội đối với đồng chí Hoàng Văn Thụ, đồng chí đã dùng phiên tòa làm nơi luận tội kẻ thù, tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, kêu gọi các đồng chí của mình nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ, tiêu diệt đế quốc, giải phóng đất nước.

Rạng sáng ngày 24-5-1944, giặc Pháp đưa đồng chí Hoàng Văn Thụ xử tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trước mặt kẻ thù, Đồng chí đã nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời đấu tranh cách mạng đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng vang mãi cho các thế hệ cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông