Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên (18/5/1901-18/5/2021): Người chiến sỹ lỗi lạc của cách mạng Việt Nam

10:27 18/05/2021

Đồng chí Phùng Chí Kiên (tên khai sinh là Nguyễn Vĩ) sinh ngày 18-5-1901 ở tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Tháng 12-1926, ông bí mật sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở. Sau đó cùng một số thanh niên Việt Nam yêu nước khác được đào tạo tại Trường Quân sự Hoàng Phố.

(Ảnh tư liệu)

Năm 1927, Trường Quân sự Hoàng Phố bị đóng cửa, Phùng Chí Kiên tham gia khởi nghĩa Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Ông được giao là Liên trưởng (tương đương đại đội trưởng), kiên cường chỉ huy đơn vị chiến đấu anh dũng. Qua thử thách này, phẩm chất chỉ huy quân sự của ông được phát lộ.

Tháng 4-1932, Phùng Chí Kiên được đưa sang Liên Xô, vào học tại Trường Đại học Phương Đông. Sau đó theo phân công của Quốc tế Cộng sản, ông về Hương Cảng (TQ) tham gia Ban Chỉ huy của Đảng Cộng sản Đông Dương, được phân công phụ trách Tiểu ban Quân sự và Kỹ thuật. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất của Đảng họp ở Ma Cao (3-1935), ông được bầu vào Trung ương Đảng, là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng.

Tháng 8-1936, ông được cử về Sài Gòn trực tiếp tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Khoảng một năm sau, ông quay lại Hương Cảng, tháng 10-1938, thực dân Anh đã ra lệnh bắt giữ và trục xuất khỏi Hương Cảng. Phùng Chí Kiên đến Côn Minh (Vân Nam-TQ), nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động. Tại đây, ông tham gia củng cố lại Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, tổ chức xuất bản tờ báo Đồng Thanh để tuyên truyền và định hướng đấu tranh cách mạng. Đây cũng là thời gian ông được làm việc gần lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Tháng 6-1940, Phùng Chí Kiên cùng Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Tĩnh Tây, thuộc tỉnh Quảng Tây, giáp biên giới Trung – Việt, để chuẩn bị về nước. Ông được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn một số bài giảng và trực tiếp giảng dạy cho 40 cán bộ để đưa về Cao Bằng xây dựng thí điểm các đoàn thể Việt Minh, lập khu căn cứ cách mạng, đồng thời soạn thảo Kế hoạch đánh Nhật, chống Pháp.

Ngày 28-01-1941, Phùng Chí Kiên cùng với một số cán bộ cách mạng theo Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng) xây dựng thí điểm Việt Minh tại ba châu: Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình. Phùng Chí Kiên chăm lo việc xây dựng, bảo vệ khu căn cứ và vận động thành lập các đội tự vệ chiến đấu, tham gia tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và miền xuôi. Kinh nghiệm và kết quả xây dựng thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng là cơ sở thực tiễn để Đảng ta hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược và sách lược cách mạng, vạch ra đường lối, phương pháp giành chính quyền.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 năm 1941 quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, đổi tên các tổ chức quần chúng yêu nước trước đây thành các hội cứu quốc. Phùng Chí Kiên được giao phụ trách quân sự, trực tiếp chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai. Đây là khu căn cứ hình thành từ cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn và đang có đội Đội du kích Bắc Sơn hoạt động, được đổi tên thành Ðội Cứu quốc quân Bắc Sơn (một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) do Phùng Chí Kiên làm Chỉ huy trưởng.

Từ kinh nghiệm ở Cao Bằng, Phùng Chí Kiên đã nhanh chóng thành lập các tổ, đội và tranh thủ tổ chức huấn luyện về Chương trình Việt Minh để tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, củng cố các cơ sở cách mạng ở căn cứ Bắc Sơn. Kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong thời kỳ chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa còn đang dang dở thì thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, hòng tiêu diệt lực lượng nòng cốt của ta ở Khu căn cứ.

Trước tình hình đó, ông đã vận dụng nhuần nhuyễn những quan điểm cơ bản về kháng chiến toàn dân, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nguyên tắc tác chiến du kích để bảo vệ an toàn cho cán bộ về dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, đồng thời, đưa các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng về dưới xuôi an toàn.

Để bảo vệ lực lượng quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này, Phùng Chí Kiên chủ trương rút quân ra khỏi vòng vây của địch. Tháng 8-1941, Cứu quốc quân chia làm hai cánh rút về phía Cao Bằng và Lạng Sơn. Ông trực tiếp chỉ huy cánh quân rút về phía Cao Bằng, khi qua vùng Na Rì (Bắc Cạn) bị địch phục kích, ông kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh vào ngày 22-8-1941, khi mới 40 tuổi.

Sự hy sinh của ông là một mất mát lớn cho cách mạng, như Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết trên báo Cờ giải phóng: “Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông, cây cỏ. Chúng ta càng nhớ đến anh, càng phải nỗ lực chiến đấu để chóng hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà anh đã hoàn toàn ký thác nơi chúng ta”. 

Ghi nhận công lao của Phùng Chí Kiên, ngày 23-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89-SL truy phong cấp tướng cho ông. Tháng 11-2003, Đảng, Chính phủ ra quyết định công nhận Phùng Chí Kiên là nguyên ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu.

Phùng Chí Kiên thực sự là chiến sĩ tiêu biểu, suốt đời phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì lợi ích của Đảng và Quốc gia, dân tộc; một tấm gương về sự say mê nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ quân sự, chính trị; một cán bộ mẫu mực về giữ gìn sự đoàn kết và kỷ luật trong Đảng, thường xuyên trau dồi đức tài, bản chất cách mạng, không khuất phục trước kẻ thù, sống anh dũng, chết vẻ vang.

          Lê Minh Thắng   

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông