09:23 20/05/2022 Ngày 18-5-1946, báo Cứu Quốc có bài “Cụ Hồ Chí minh với dân tộc Việt Nam”. Bài báo viết: “Ngày 19-5-1890 đã ra đời một người: Hồ Chí Minh. Bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta (Ảnh tư liệu)
Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đó cũng là lần đầu tiên toàn dân tộc Việt Nam biết ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã khiến lịch sử thay đổi, làm cho một dân tộc được tự do sau gần 100 năm mất dấu trên bản đồ thế giới.
Trong hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây”, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp kể lại: “Năm 1949, Thường vụ trung ương đề nghị tổ chức sinh nhật, Bác từ chối và làm một bài thơ: “Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà. Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già. Chờ cho kháng chiến thành công đã. Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta…”.
Đến 19-5-1950, Bác tròn 60 tuổi, trong điều kiện nhiều quốc gia công nhận nền độc lập ta, dự đoán với tư cách là nguyên thủ một nước, Bác sẽ nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè quốc tế. Thường vụ trung ương và Hội đồng chính phủ xin ý kiến tổ chức sinh nhật Bác.
Bác chấp thuận nhưng quyết định lấy ngày đó là ngày họp của Hội đồng chính phủ để trong cuộc vui, các nhà lãnh đạo sẽ bàn luôn việc nước. Tại buổi kỷ niệm sinh nhật này, Bác đã làm mấy câu thơ: “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán. So với ông Bành vẫn thiếu niên. Ăn khoẻ- ngủ ngon-làm việc khoẻ. Trần mà như thế kém gì Tiên.”.
Bác của chúng ta là như vậy đấy, Người có cách sống lạc quan, thanh bạch hoà quyện với tự nhiên, nhưng tâm trí lại luôn lo cho cuộc sống của nhân dân, tự do cho dân tộc. Bởi vậy dù Người đã đi xa hơn, nhưng toàn dân Việt Nam vẫn kiên định con đường mà Người đã lựa chọn, lý tưởng của Người vẫn hun đúc bao thế hệ Việt Nam.
Để ngày 19-5, ngày sinh của một bậc thiên tài, một vị lãnh tụ vĩ đại, sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, như một dấu son chói lọi ghi sâu vào những trái tim Việt Nam, niềm tự hào mang tên Việt Nam.
Bác Hồ thăm Cảng Hải Phòng (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ với Hải Phòng
Ngày 20-10-1946, sau 4 tháng 20 ngày thăm Cộng hòa Pháp, Bác Hồ trở về nước. Nơi đặt chân đầu tiên sau chuyến công du dài ngày chính là bến Ngự (Hải Phòng).
Cũng trong hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Chiến hạm Đuymông Đuyếcvin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác cập bến Ngự. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên cột tàu cao chót vót. Con tàu rúc một hồi còi dài, chưa bao giờ ở bến cảng này lại có một hồi còi làm rung động trái tim của hàng chục vạn con người …”.
17 giờ ngày hôm ấy, Bác qua cầu tầu vào trong cảng, quân nhạc cử hành quốc ca, hàng quân danh dự Vệ quốc đoàn nghiêm trang dưới cờ đỏ sao vàng. Hình dáng quen thuộc của Bác với bộ quần áo ka-ki bạc trắng hiện ra, tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” lập tức rền vang. Hòi còi Nhà hát lớn thành phố dõng dạc cất lên, báo tin vui khắp thành phố giờ phút Bác đặt chân lên đất Cảng.
Trong tiếng quốc thiều vinh quang, quốc thiều của một nước độc lập, tự do, Bác dự lễ chào cờ và duyệt đội danh dự. Sau đó, Người lên xe về trụ sở Uỷ ban hành chính thành phố, tiếng reo hò nổi lên như sấm rền trên suốt các đường phố xe Bác đi qua, nhiều người trào nước mắt khi nhìn thấy Bác. Cho đến tận khuya, nhân dân vẫn nô nức kéo đến chào mừng Người.
Hải Phòng có một buổi trời thu rất đẹp, nắng vàng rực rỡ, cờ bay đỏ thắm trên những mái nhà rêu phủ và những lùm cây xanh ngắt. Sau lần đầu tiên đặt chân lên đất Hải Phòng mùa thu ấy, Hải Phòng vinh dự có 8 lần nữa được đón Người về thăm, mỗi một lần là một dấu ấn đậm sâu.
Bác Hồ thăm Nhà máy xi măng Hải Phòng (Ảnh tư liệu)
Rực rỡ trên đỉnh cao chói lọi mang tên Việt Nam
Đối với người dân Việt Nam, hình ảnh Hồ Chủ Tịch khắc sâu một cách tự nhiên, thiêng liêng và trân trọng, dù đó là những công dân bé nhỏ chưa hiểu hết những ý nghĩa triết lý sâu xa. Người được nhân dân tôn vinh như một vị thánh, nhưng cống hiến của Người cho dân tộc lại rất rõ ràng cụ thể, hiển hiện ngay trong thời đại của chúng ta.
Đó là sự thật lịch sử, toát ra từ một bậc lãnh tụ vĩ đại, một tình yêu nước thương nòi sâu sắc, một tư tưởng bậc thầy đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vĩ đại hơn cả, sự thật ấy được hiện sinh bởi một trái tim hết đỗi bình thường, từ những việc làm hết sức bình thường, trở thành tấm gương chói sáng: Hồ Chí Minh.
Người đã đi xa, nhưng tư tưởng của Người sống mãi, toàn dân Việt Nam vẫn kiên định con đường mà Người đã lựa chọn, lý tưởng của Người vẫn hun đúc bao thế hệ.
Theo lời hiệu triệu của Người, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã không ngừng thi đua sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một chặng đường đã qua, Hải Phòng đã thể chế hóa tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thành các phong trào thi đua, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện với những bước tiến vượt bậc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được người Hải Phòng cùng cả nước kết tụ thành sức mạnh, ghi dấu trên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp cách mạng. Những lời dạy của Người, với ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, thấm sâu vào mỗi con tim khối óc, để mỗi người con thành phố Cảng dù đi đâu về đâu vẫn khơi dậy tinh thần “Trung dũng - Quyết thắng” mà Người đã trao tặng.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024