Kỷ niệm 28 năm Báo ANHP xuất bản số đầu: Duyên đến với nghề

11:26 13/06/2019

Xuất thân tôi không học nghề báo, văn chương thì tham gia sớm nhưng cũng chỉ dừng ở mức năng khiếu, có lẽ vậy nên thành tựu chẳng có được bao nhiêu. Nên khi nhận việc ở báo An Ninh Hải Phòng, nửa mừng nửa lo, mừng vì đây chính là cơ hội để mình được làm nghề mình thích, lo vì khả năng “a-ma-tơ” của mình chẳng đủ “bột để gột thành hồ”.

Lễ trao giải cuộc thi viết “Công an Hải Phòng học và làm theo Bác” trên Báo An ninh Hải Phòng

Bỡ ngỡ buổi ban đầu

Năm 1990, đang là công nhân tôi trở thành nạn nhân thất nghiệp của thời “Liên Xô và Đông Âu tan vỡ”, ban ngày ra chợ Sắt nhặt hàng vặt đi bán rong, tối đến lại lăn ra làm thơ viết truyện.

Viết cho vui thôi, viết để xem 29 con chữ trên bảng chữ cái tiếng Việt nó biến hóa thế nào thôi, chứ chẳng hướng tới mục tiêu nào cả. Nhưng một lần tôi đánh liều gửi truyện ngắn dự thi “Tác phẩm tuổi xanh” do trường viết văn Nguyễn Du và báo Tiền Phong tổ chức.

Cho đến một ngày, tôi đến giao hàng cho một cửa hàng sách-tạp hóa ở đường Trần Nguyên Hãn, liếc nhìn mấy tờ báo để trên tủ kính, chợt thấy truyện của mình được in. Sướng quá, thanh toán được bao nhiêu tiền hàng, chạy khắp thành phố mua hết báo về, ngày ấy Tiền Phong còn là báo tuần, số lượng cũng không lớn lắm.

Mừng hơn khi biết tác phẩm của mình đoạt giải, những ngày đi nhận giải ở Thủ đô, được giao lưu với bạn bè khắp ba miền. Rồi lần lượt lứa “tuổi xanh” đầu tiên ấy, học nghề nào cũng chuyển về làm báo gần hết, một số khác lang thang trong giới văn nghệ cũng khá nổi danh như đạo diễn Lê Quý Dương hay tác giả của bài hát “Bà tôi” Nguyễn Vĩnh Tiến… thành thử tôi cứ day dứt, sao mình không theo nghề viết nhỉ?

Thế là tôi lọ mọ tìm giáo trình báo chí về đọc, vẫn làm công nhân kiêm chạy chợ vặt nên không sống bằng nghề văn mà cũng chẳng kiếm tiền bằng nghề báo, dẫu thế niềm khát khao luôn cháy bỏng. Tính đến khi về báo ANHP, tôi cũng có số vốn kha khá tác phẩm được đăng trên khắp diễn đàn cả nước, con đường dẫn tôi đến nghề báo là như thế.     

Dù vậy thời gian đầu đến nhận việc ở báo ANHP, tinh thần còn bỡ ngỡ, các anh đi trước nói rằng: “Ngày xưa Thắng viết văn, thích viết gì thì viết, còn bây giờ làm báo chuyên nghiệp, có những lúc Thắng không thích viết vẫn phải viết..!”. So với đồng nghiệp, tôi có chút hơn về vốn sống vì đã lớn tuổi và có nhiều năm bươn trải va đập với đa dạng nghề nghiệp ngoài xã hội.

Nhưng kiến thức báo chí tôi còn mờ tịt, khi mới tiếp cận sự kiện, tôi lóng ngóng không biết xử lý thế nào, nên tin nộp sang thư ký biên tập nhiều lần lại quay về với khổ chủ. Nhìn những vết gạch ngang dọc bằng bút đỏ mỗi bản thảo, đã có lúc tôi thấy nản lòng.

Đúng là văn chương và báo chí khác nhau nhiều lắm. Khi viết văn, thường viết cho hết mình, tuôn tuôn như một dòng chảy tưởng như vô tận, đấy là khoảng riêng tư của tác giả. Văn anh có thể viết xong rồi gửi đăng lúc nào cũng được, không đăng được thì xếp đấy hoặc phát hành bằng miệng tới bạn bè, viết cái gì cũng là do mình.

Còn cái khác của báo chí là tính thời sự, là phát hiện, là kết hợp giữa khả năng tổng hợp và tư duy, và nó cũng có tác động rất cụ thể, nhận được phản ứng rất nhanh của bạn đọc.

 

Trưởng thành nhờ đồng nghiệp

So với môi trường trước đó ở những nơi tôi từng công tác, báo ANHP có lẽ là nơi tôi trưởng thành nhiều nhất, được làm giàu thêm nghề từ những kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công của đồng nghiệp. Phải nói có nhiều đồng nghiệp trẻ, nhưng làm báo trước tôi hoặc được đào tạo cơ bản chuyên nghề, đã cho tôi nhiều điều quý giá.

Ngay cả những chuyện “bếp núc” tôi cũng “xào nấu” được nhiều kinh nghiệp. Chẳng hạn như nghề báo đôi khi cũng cần nhiều đến khả năng toán học, phân chia quỹ thời gian cho phù hợp, như tuần tới mình sẽ làm gì, viết bao nhiêu tin, dựng bao nhiêu chuyên đề… đại khái đó là kế hoạch.

Trong kế hoạch ấy cái gì mình tự chọn, khoảng nào do được giao hoặc đột xuất phát sinh. Rồi đi đâu, thu thập tư liệu tài liệu từ nguồn nào, xử lý chọn đối tượng bạn đọc ra sao, viết cái gì trước cho đỡ hao phí thời gian, viết thế nào cho ưng ý cả biên tập lẫn “khách hàng”, tính toán tiền nhuận bút trừ công sức, thời gian, xăng dầu, điện thoại… còn lại được bao nhiêu?

Nhưng điều chính yếu tôi trau dồi được là rèn nhãn quan để hòa vào nhiệm vụ, góp phần khẳng định vị thế của báo ANHP và cũng để khẳng định vị thế của chính mình. Nhờ làm báo, tôi được tiếp cận nhiều hơn và hiểu rõ hơn những vấn đề nổi cộm, phát sinh trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Hồi mới vào nghề, có người bạn luật sư đem đến cho tôi bộ hồ sơ một vụ án kinh tế xảy ra ở quận Kiến An, nhờ tôi viết bài bảo vệ cho thân chủ. Xem qua thấy thân chủ của anh này oan uổng quá, đã hào hứng định viết, nhưng lúc đem chuyện ra khoe, một đồng nghiệp khuyên: “Anh xem kỹ lại đi, không đơn giản thế đâu…”.

Quả nhiên khi xử lý mới thấy tài liệu có nhiều mâu thuẫn, hóa ra vị luật sư nọ thú thật là đã “rút lõi” những tài liệu có hại cho thân chủ, và nói: “Có thế mới cần báo chí gây áp lực…”. May mà tôi kịp từ chối, giả như thấy đề tài hay mà vồ vập, chẳng biết sự thể sau đó sẽ ra sao.

Từ vụ này, tôi tỉnh ra rằng, làm báo cũng rất dễ bị ngộ nhận, nếu không thận trọng rất dễ gặp “tai nạn nghề nghiệp”. Cho nên một lần tôi được mấy đồng nghiệp ở báo khác rủ “làm” một vụ ở Kiến Thụy, chuyện về một người lính tình nguyện Việt Nam “bị thương trong chiến đấu đến mất trí nhớ, lưu lạc và lấy một phụ nữ Campuchia. Sau bao năm vất vưởng xứ người, vợ chồng con cái dắt díu nhau tìm về được quê hương, nhưng bị chính quyền địa phương gây khó dễ…”

Câu chuyện rất cảm động do đồng nghiệp kể đã làm tôi nao núng, nhưng chợt nhận thấy rằng, những gì diễn ra trong 20 năm đối với một người mất hoàn toàn trí nhớ, mà người kể cứ phóng ra ngon ơ như ở trong cuộc, vậy thông tin đó ở đâu ra? Cuối cùng, khi sự việc được xác minh từ cơ quan có thẩm quyền, thực tế hoàn toàn ngược lại, thậm chí đến khắc nghiệt.

Chưa hết, tiếp đến là một sự kiện tương tự khác ở Tiên Lãng, nói đến một người lính đã có giấy báo tử trở về sau bao năm chiến tranh… Bản chất hai vụ việc gần giống nhau, nhưng sự thật được xác minh ở vụ sau còn chua chát hơn cả vụ trước.

Tiếc rằng với đề tài “liệt sỹ trở về” này, nhiều tác giả đã viết rất hay, làm rung động trái tim hàng vạn người cả nước, dù sự thật đã được kiểm chứng, nhưng tôi vẫn tin đó là cảm xúc thật của tác giả. Nên tôi hiểu rằng, chính từ những “tai nạn” của đồng nghiệp mà mình có thêm sự  thận trọng, để kiểm soát tốt hơn những cảm hứng của mình.

Phải khẳng định là, khi nào môi trường công tác cũng chính là thước đo của sự trưởng thành, dẫu vẫn biết nỗ lực phải đến từ bản thân, nhưng trong mỗi tác phẩm của tôi, luôn có dấu ấn của đồng chí, đồng nghiệp là như thế.

Nghề viết là thế đấy, tầm vóc, tên tuổi, sức sống của tác phẩm và tác giả là do bạn đọc tôn vinh, chứ người viết đâu có tự tôn mình được. Nên dù là báo chí hay văn chương, nếu không đạt được một giá trị nhất định nào đó trong lòng bạn đọc, chắc sẽ chẳng có ý nghĩa gì.

Tất nhiên, không phải ai viết văn làm báo cũng thông thái được như Khổng Minh, nhưng cũng cố gắng rèn theo cái khuôn như Khổng Tử, đôi khi lại cần phớt đời như Lão Tử…?

 Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông