Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020): Cuộc hành trình lịch sử

16:59 20/04/2020

Kỳ 1: Cứu Quốc và Vệ Quốc Cách đây 45 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với trận đánh quyết định là Chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Cuộc chiến kéo dài 30 năm do Đảng lãnh đạo, cũng là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới đã kết thúc, đập tan ách áp bức hàng trăm năm của thế lực ngoại bang, nối liền non sông Việt Nam vào một dải. Đó là một cuộc hành trình mang tên lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945 (Ảnh tư liệu)

 Kể từ khi thực dân Pháp nổ súng bắt đầu xâm lược Việt Nam vào năm 1858, Triều đại Nguyễn từng bước thất thủ, dẫn đến từng vùng non sông nước Việt rơi vào cảnh xiềng gông. Nhà Nguyễn mất chủ quyền, nước Việt bị chia cắt thành 3 kỳ gồm Bắc kỳ, Trung kỳ, và Nam kỳ, trong đó Nam kỳ bị nhượng hẳn cho nước Pháp. Tiếp đó, vào cuối thế kỷ 19, nước Việt bị nhập vào Liên bang Đông Dương, hoàn toàn mất dấu trên bản đồ thế giới.

Nhưng tinh thần quật khởi của Việt Nam không bao giờ ngừng nghỉ, ở giai đoạn nào cũng có những cuộc khởi nghĩa nổi dậy của người Việt, nhằm đòi lại đất đai và chủ quyền thiêng liêng mà ông cha để lại. Chỉ có điều, trong điều kiện kẻ thù quá mạnh, được liên kết trong tập đoàn thực dân đế quốc, những cuộc khởi nghĩa vũ trang hay đấu tranh tìm đường cứu nước của các thế hệ tiền bối đều đi đến bế tắc. Chỉ đến khi Việt Nam xuất hiện một nhà yêu nước vĩ đại mang tên Nguyễn Ái Quốc, thổi luồng gió mới từ tư tưởng vô sản của Mác – Lê Lin, con đường cứu nước mới thực sự lóe sáng. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, dưới sự dẫn dắt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở thành kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam.

15 năm sau, Cách mạng tháng Tám thành công, liền lúc cả chế độ phong kiến và các thế lực ngoại bang sụp đổ. Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời Tuyên ngôn độc lập, chính thức khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sự kiện này là mốc son chói lọi của phong trào cách mạng nói riêng và cả đất nước Việt Nam nói chung, kể từ đây nước Việt thực sự tuyên ngôn độc lập, chủ quyền, đòi lại quyền tự quyết từ thế lực xâm lăng. Nhưng cũng bởi thế, mà các nước thực dân đế quốc, chủ yếu là nước Pháp, đã không chịu được “nỗi nhục” này, rắp tâm đánh đổ Chính quyền Việt Nam non trẻ, mưu đồ quay lại đô hộ nước ta một lần nữa. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ngày 19-12-1946, Hồ Chủ Tich ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Từ đây, Việt Nam bắt đầu bước vào một giai đoạn ác liệt chưa từng có, một cuộc chiến dài nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới, cho đến ngày 30-4-1975 mới thực sự kết thúc. Trong cuộc chiến ấy, lần lượt hai trong những đế quốc lớn nhất thế giới là Pháp, Mỹ và tay sai đều bị thất bại.

Biểu tượng oai hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động hoàn cầu (ảnh tư liệu)

Với nước Pháp, dù đã đưa một lực lượng hùng hậu quân viễn chinh, dù đã xây dựng lên một Chính quyền tay sai mạo danh “Quốc gia Việt Nam” với là cờ “3 que” biến thể từ quốc kỳ Pháp (tiền thân của Chính quyền Sài Gòn sau này), dù tiềm lực quân sự mạnh gấp bội lần. Nhưng, với ý chí quật cường của một dân tộc quật cường, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, chúng ta đã làm lên một “Điện Biên Phủ” chấn động hoàn cầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 đã tạo ra những điều kiện quyết định thắng lợi cho nhân dân ta trong cuộc đàm phán ở Hội nghị Geneve. Tại đây, ngày 20-7-1954, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Nước Pháp cam kết rút quân khỏi ba nước Đông Dương, Hải Phòng trở thành điểm tập kết 300 ngày để quân Pháp và tay say chuyển sang bên kia Vỹ tuyến 17, chờ ngày Tổng tuyển cử. Nhưng lợi dụng tình hình này, các thế lực ngoại bang đứng đầu là đế quốc Mỹ tiếp tục can thiệp sâu, tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Geneve. Dẫn tới nước Mỹ chính thức thay chân Pháp, nhảy vào miền Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Lúc này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt, giữa một bên là các nước Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, một bên là các nước tư bản đế quốc do Mỹ đứng đầu.

Lịch sử sang trang, Việt Nam bước vào một giai đoạn mới với muôn vàn khó khăn, nhưng đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc ta. Đảng và nhân dân ta phải đấu trí và đấu sức chống lại một đế quốc giàu mạnh và hung bạo nhất thế giới, vô cùng cam go và quyết liệt.

            Hoàng Minh (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông