Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020): Cuộc hành trình lịch sử (Kỳ 2) - Kháng chiến chống Mỹ cứu nước

09:23 22/04/2020

Như đã nói ở kỳ trước, sau sự kiện “Toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12-1946, nhằm hình thành thế lực người bản xứ chống lại Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, người Pháp đã lập lên cái gọi là “Quốc gia Việt Nam”, do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng. Khi Hiệp định Geneve được ký kết, lực lượng này theo chân Pháp tập kết về phía nam Vỹ tuyến 17 (miền Nam).

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (ảnh tư liệu)

           Lúc này, nước Mỹ đã trở thành cường quốc lớn nhất trong phe đế quốc từ sau thế chiến lần thứ Hai, với âm mưu bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương.

Nhờ các chiêu bài viện trợ cho “Quốc gia Việt Nam”, Mỹ từng bước gây ảnh hưởng và chính thức thế chỗ của Pháp khi đưa Ngô Đình Diệm về phế truất Bảo Đại. “Quốc gia Việt Nam” chuyển thành Chính phủ ngụy quyền “Việt Nam cộng hòa” thân Mỹ, do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống. Từ đây, Mỹ - Ngụy tìm mọi cách phá vỡ Hiệp định Geneve, chia cắt đất nước ta thành hai miền Nam – Bắc.

Dân tộc ta bước vào cuộc chiến đấu mới, với kẻ thù là đế quốc Mỹ và tay sai, mạnh hơn rất nhiều so với Pháp trước đó. Cuộc kháng chiến này trải qua nhiều giai đoạn, đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ.

Giai đoạn từ tháng 7-1954 đến hết năm 1960, Đảng ta chủ trương đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Thời gian này tại miền Nam. Chính quyền Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng”  đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng.

Chúng ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

(Ảnh tư liệu)

Đứng trước tình thế mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước.

Hai là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới.

Trong ba năm (1958-1960), chúng ta đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo XHCN, căn bản xoá bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo con đường đi lên CNXH, chuẩn bị một số nội dung cho cách mạng cả nước trong giai đoạn mới.

Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng đại bộ phận nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng.

Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã.

Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thay đổi kế sách, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Đó là chiến lược dùng quân đội ngụy làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu nông dân miền Nam vào các trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân.

Trong giai đoạn từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, Đảng ta chủ trương giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai.

 Cùng thời gian này, quân và dân miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tập trung củng cố phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.

   Hoàng Minh (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông