Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020): Cuộc hành trình lịch sử (Kỳ 3)-Đánh bại “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”

14:40 23/04/2020

Trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu, dùng ngụy quân, ngụy quyền để âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam. Ở miền Bắc, Mỹ liên tục khiêu chiến, tạo ra cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” đầu tháng 8-1964, kiếm cớ phát động chiến tranh trên diện rộng.

Quân dân miền Bắc đánh trả không quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Từ giữa 1965 đến hết 1967, Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Đầu năm 1967, Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai trên chiến trường miền Nam, đưa “Chiến tranh cục bộ” lên đỉnh cao.

Từ ngày 26-2-1967, Tổng thống Mỹ Johnson cho rải thủy lôi ở các cửa sông, bến cảng phía Bắc, những quả thủy lôi đầu tiên được Mỹ thả xuống Hải Phòng, mở đầu cho chiến dịch phong tỏa miền Bắc. Nhằm mục tiêu đánh chìm nhiều loại tàu chiến, tàu vận tải của ta, ngăn chặn việc chi viện cho chiến trường miền Nam và sự giúp đỡ của các nước XHCN đối với Việt Nam.

Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Tiếp theo những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Đất Cuốc, Bầu Bàng… ta đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam Bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, Tây Khu V, Đường 9, đồng bằng Nam Bộ và các mục tiêu chủ yếu của địch ở các thành phố lớn.

Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân lần thứ nhất, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam.

Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và chủ trương: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”.

Bộ Chính trị quyết định: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.

Quân đội Mỹ - Ngụy mở rộng chiến tranh bình định miền Nam (Ảnh tư liệu)

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 (Mậu Thân 1968), quân dân miền Nam đã tiến công và nổi dậy đồng loạt hướng trọng điểm nhằm vào các thành phố, thị xã, nhất là các hang ổ của địch. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã gây ra cho đế quốc Mỹ một đòn “choáng váng đột ngột”, làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến dự định của chúng.

Đồng thời tác động trực tiếp đến đời sống chính trị - tinh thần nước Mỹ. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson buộc phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ thất bại, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Sau nhiều năm leo thang, đế quốc Mỹ đã phải xuống thang, tìm cách rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam trong “danh dự”. Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bản chất là dùng người Việt đánh người Việt thay cho quân đội viễn chinh Mỹ, với bom đạn và đô la của Mỹ, dưới sự chỉ đạo của quân phiệt Mỹ.

Với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Tổng thống Mỹ lúc này là Richard Nixon hy vọng sử dụng sức mạnh quân sự tối đa và tiến hành cùng một lúc ba loại chiến tranh: giành dân, bóp nghẹt và hủy diệt, nhằm mục tiêu trung tâm là “bình định” nông thôn miền Nam Việt Nam.

Trước tình hình này, Đảng ta đã nhận định: “Việt Nam hóa chiến tranh” là một mưu đồ chiến lược hết sức thâm độc của đế quốc Mỹ nhằm kéo dài chiến tranh xâm lược, từng bước rút quân Mỹ ra khỏi Đông Dương mà ngụy quân, ngụy quyền vẫn mạnh lên.

Đế quốc Mỹ bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào, với thủ đoạn xảo quyệt hòng làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1973, Đảng ta chủ trương phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Những thắng lợi của chiến tranh cách mạng ba nước Đông Dương trong 2 năm 1970-1971 đã tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nhằm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh.

Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam. So sánh lực lượng thay đổi hẳn, có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để ta giành thắng lợi cuối cùng.

       Hoàng Minh (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông