Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020): Cuộc hành trình lịch sử (Kỳ 4) -Quân Mỹ cuốn cờ rời khỏi Việt Nam

15:27 25/04/2020

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Đây là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ở cả hai miền đất nước, tạo bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Lính Mỹ cuốn cờ rời khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris

 Hiệp định nêu rõ: Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ViệtNam.

Hoa Kỳ phải hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam; Rút hết quân đội của Mỹ và của các nước khác, cố vấn và nhân viên quân sự, vũ khí và dụng cụ chiến tranh, hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự; Tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Sau khi ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng Chính phủ Việt Nam cộng hòa làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Xu thế chống phá Hiệp định Paris của địch ngày càng tăng, Mỹ tăng cường tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho ngụy lấn đất, giành dân, khống chế nhân dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt, hòng xóa bỏ vùng giải phóng của ta.

Tháng 7-1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc. Tháng 7-1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Ngày 9-1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, đồng thời, đề ra nhiệm vụ quân sự mùa xuân 1975, thực hiện một bước kế hoạch tác chiến chiến lược.

Ngày 5-2-1975, Bộ Chính trị cử Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng vào chiến trường làm đại diện của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh bên cạnh Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Đồng thời công bố Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên.

Chiến dịch Tây Nguyên nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Nam Tây Nguyên, tạo thế chia cắt chiến lược thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh thu hút địch lên hướng Pleiku, từ ngày 4-3-1975, ta bước vào tạo thế chia cắt cô lập Tây Nguyên, tập kích vào Kon Tum.

Ngày 8-3, ta cô lập triệt để Buôn Ma Thuột. 2 giờ sáng 10-3-1975, cuộc tiến công của quân ta vào Buôn Ma Thuột bắt đầu, quân địch tan rã nhanh chóng, những cuộc phản công sau đó của quân địch cũng hoàn toàn thất bại. Tây Nguyên được giải phóng.

Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị họp nhận định: Thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp của Mỹ - ngụy. Địch đang thực hiện co cụm chiến lược, có thể co cụm ở Đà Nẵng và Cam Ranh…

Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ. Ngày 21-3, chiến dịch Huế - Đà Nẵng được mở, thực hiện làm 2 đợt: Đợt 1, tác chiến từ ngày 21 đến 25-3 tiến công bao vây, chia cắt chiến lược, giải phóng Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên, Quảng Ngãi; Đợt 2, tác chiến từ ngày 26 đến 29-3, tổng công kích vào Đà Nẵng. Kết thúc chiến dịch, ta giải phóng 5 tỉnh (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi).

Thắng lợi của chiến dịch này có ý nghĩa chiến lược quan trọng làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược hoàn toàn có lợi cho ta, trực tiếp đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện cho quân ta đẩy mạnh tốc độ tiến công giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam.

Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị nhận định: “Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi như lúc này” vì vậy “Quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa” (tháng 5 -1975).

Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ chiến lược để tiến hành Tổng tiến công vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, với tư tưởng chỉ đạo: Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng.

          Hoàng Minh (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông