Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 * 30-4-2023) - Non sông liền một dải, hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc

20:47 28/04/2023

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ của Quân Giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi đó là một mốc son chói lọi, một trang sử huy hoàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Còn nhớ, sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam mong muốn xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc và có quan hệ bình đẳng, hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp tàn bạo Cách mạng miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc, gây nỗi đau chia cắt cho cả dân tộc.

Song, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Đây không chỉ là tư tưởng sâu sắc, nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người nói về tính thống nhất, không thể chia rẽ của dân tộc Việt Nam, cũng như về thắng lợi tất yếu của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây còn là chân lý ngàn đời của lịch sử Việt Nam, một tình cảm thiêng liêng, một ý chí sắt đá bảo vệ toàn vẹn non sông mà không một thế lực ngoại bang nào có thể lay chuyển được.

Nhân dân TP Hồ Chí Minh mít tinh chào mừng thành phố  Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng (ngày 1-5-1975)

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, quân và dân cả nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường, sáng tạo, anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đồng bào ta tràn ngập niềm vui trong ngày đại thắng. Thắng lợi vĩ đại này cũng đã làm nức lòng bè bạn gần xa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Có thể nói, 48 năm qua, tinh thần Chiến thắng 30 tháng 4 luôn bất diệt trong mỗi người Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm 2023 là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Với tinh thần chỉ đạo ngay từ đầu năm của Chính phủ: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực sau đại dịch COVID-19 và đạt những kết quả quan trọng.

 Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu và các đại biểu dự lễ khánh thành thông xe kỹ thuật đường tỉnh 363 (Kênh Hòa Bình)

Trong quý I năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cả nước có 57 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại hết sức kịp thời từ đầu năm 2022, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30 tháng 3 năm 2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 7,8 tỷ USD.

 Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 4,32 tỷ USD. Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là địa điểm đầu tư năng động nhờ sự ổn định chính trị, khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan hấp dẫn...

Phối cảnh kiến trúc Khu nhà ở xã hội kho 3 Lạc Viên – Ngô Quyền

Đóng góp vào kết quả chung của cả nước, có sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng. Chỉ tính trong quý 1 năm 2023, kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục có sự phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 9,65%, đứng thứ 3 cả nước và gấp 3 lần bình quân chung toàn quốc. Thành phố đã giải ngân được trên 3.600 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023, bằng trên 16% kế hoạch Hội đồng nhân dân thành phố giao (kế hoạch HĐND TP giao 22.156 tỷ đồng).

Thành phố tổ chức khởi công các dự án, công trình trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố và hạ tầng kỹ thuật tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng và Dự án đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài tổng mức đầu tư hơn 1.066 tỷ đồng tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; Dự án xây dựng nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng nước - Quốc lộ 5 huyện An Dương, tổng mức đầu tư 689 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân kết nối huyện Thủy Nguyên với tỉnh Quảng Ninh và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352, tổng mức đầu tư gần 1.335 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Tổ chức thông xe kỹ thuật Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường tỉnh 363 (đoạn kênh Hòa Bình). Bên cạnh đó, thành phố tập trung triển khai xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ, như: Khởi công Dự án khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, quận Ngô Quyền; Dự án xây dựng lại 2 chung cư cũ tại phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn.

Thành phố cũng đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, như tại  Dự án đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài, Dự án Khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi; Dự án chỉnh trang hai bên sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ; Dự án xây dựng cầu vượt sông Hoá và đoạn tuyến qua Hải Phòng của tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn; Dự án mở rộng tuyến đường bộ ven biển.

Xây dựng các bến số 3, 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng… Cùng với đó, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng các khu, cụm công nghiệp.

Thành phố cũng tiếp tục triển khai xây dựng các Đề án: thành lập thành phố thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và chuyển huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận. Quan tâm hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo, triển khai xây dựng các công viên cây xanh trên địa bàn thành phố.

Đến nay, Hải Phòng đã phê duyệt 533 công trình của 35/35 xã nông thôn mới kiểu mẫu triển khai từ năm 2022; đang triển khai thi công 408/533 công trình, khối lượng thi công đạt khoảng 45%...

Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 * 30-4-2023), trong mỗi người dân Việt Nam, mỗi người dân thành phố Cảng Hải Phòng “trung dũng – quyết thắng” càng thêm tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào về truyền thống đoàn kết và tinh thần kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ khát vọng thống nhất non sông năm xưa, nay được lớp lớp người Việt Nam nói chung, người Hải Phòng nói riêng kế thừa, phát huy và chung tay hành động, vì khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

THẾ KHOA

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông