Nhựa Thiếu niên Tiền Phong – mãi mãi niềm tự hào của nền công nghiệp nhẹ Việt Nam

16:32 31/07/2020

Bài 3: Nhựa Tiền phong vững vàng vượt khó   

Sau đại thắng mùa xuân 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông gấm vóc của Tổ quốc nối liền một dải, song cũng từ đấy, đất nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức của thời hậu chiến, vừa khôi phục kinh tế, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh. Những bất cập, hạn chế của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tệ quan liêu bao cấp đã khiến cho nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, với sự nhạy bén, sáng tạo, từ năm 1979, nắm bắt kịp thời tinh thần Nghị quyết TW 6 (khóa IV) đổi mới công tác kế hoạch hóa, bảo đảm quyền làm chủ về kinh tế cho các ngành, cơ sở sản xuất theo hướng “bung ra”, kết hợp kế hoạch hóa với kinh tế thị trường tự do, lãnh đạo Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời.

Lãnh đạo Nhà máy lúc đó đã đề ra phương hướng “Từ sản xuất mà giải quyết đời sống, thực hiện theo phân phối lao động”, phát huy tính năng động, sáng tạo của công nhân, đẩy mạnh đáp ứng thị trường, tăng cường tìm hiểu thị hiếu khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Để tạo việc làm cho công nhân, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Nhà máy không nề hà sản xuất các mặt hàng gia dụng, đồ chơi trẻ em, thậm chí cả lốp xe đạp, phụ tùng máy dệt, rồi túi nhựa, túi cước, nhận thi công lắp đặt đường ống nước cho các công trình…”

 Sản phẩm của Nhựa Thiếu niên Tiền phong đã góp phần vào phục vụ phát triển sản xuất đất nước

Năm 1983, do khó khăn chung, Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong chỉ còn được Nhà nước phân bổ kế hoạch sản xuất 3 mặt hàng: dụng cụ học tập, đồ chơi trẻ em và khuy áo nhựa. Nhà máy đứng trước những thách thức to lớn: một nửa công nhân không có việc làm, số còn lại làm việc nhưng lương rất thấp, đời sống không đảm bảo, cộng với thiếu thốn về nguyên vật liệu khiến cho tiến độ sản xuất rất bấp bênh.

Các đồng chí lãnh đạo Nhà máy thời kỳ ấy như: Phạm Đức Chất, Phạm Qua, Đào Xuân Hòa, Nguyễn Hữu Nam… đã có những bước biến chuyển, đổi mới mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm, giúp Nhà máy vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Kỹ sư Phạm Đức Chất, Giám đốc Nhà máy thời kỳ đó luôn coi trọng cả 3 mặt: quản lý vật tư, quản lý tài chính và quản lý kỹ thuật. Từ đó, Nhà máy đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng túi móc, mũ sợi nhựa. phụ tùng dệt…

Thời kỳ ấy, Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong là doanh nghiệp đi tiên phong trong mở rộng quan hệ liên doanh, liên kết kinh tế với các đơn vị, địa phương bạn để có đủ vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, bảo đảm việc làm ổn định cho công nhân. Giám đốc Phạm Đức Chất được anh em công nhân gọi vui là “ông bốn bánh”, nghĩa là lúc nào cũng ngồi trên xe ô tô đi khắp mọi nơi, vào Nam ra Bắc để triển khai các biện pháp liên doanh, liên kết, tìm nguồn nguyên liệu, và quan trọng hơn là tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm tại nhiều địa phương, qua đó nâng cao đời sống cho công nhân, đóng góp cho Nhà nước.

Từ sự năng động, nhiệt huyết và tài năng của Giám đốc Phạm Đức Chất cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo Nhà máy thời kỳ ấy, nhiều hợp đồng sản xuất lớn, liên kết với các đơn vị sản xuất ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh… được ký kết, công nhân Nhựa Tiền phong làm không hết việc. Để có được điều đó, lãnh đạo Nhà máy chủ trương thi đua phát huy sáng kiến trong nhà máy, được anh em công nhân hưởng ứng rất tích cực.

Năm 1984, Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong có tới 108 sáng kiến, trong đó nhiều sáng kiến có giá trị nổi bật như thiết kế bàn ép khớp có đuôi ép cho hộp xà phòng, máy se sợi PE. Đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật Nhà máy mạnh dạn đảm nhận 37 đề tài nghiên cứu kỹ thuật, nhiều đề tài được ứng dụng ngay vào sản xuất. Nhà máy đưa vào kế hoạch sản xuất 25 loại phụ tùng dệt mới, đủ cung ứng cho ngành Dệt.

Đặc biệt, năm 1985, Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong chỉ được cung cấp 30% vật tư theo kế hoạch, 70% còn lại phải tự tìm hướng giải quyết khai thác, cùng với đó là các nguyên liệu như điện, than, dầu… thiếu thốn gay gắt, hơn 200 công nhân dôi dư sau khi sắp xếp lại sản xuất, hơn 1000 CBCNV Nhà máy cần có việc làm thường xuyên… 

Trước tình hình đó, lãnh đạo Nhà máy đã tổ chức Hội nghị công nhân viên chức, quyết liệt chấn chỉnh lại sản xuất, tăng định mức lao động thêm 30%, động viên tinh thần anh em công nhân gắn với phát động thi đua mạnh mẽ, bảo đảm nguồn vật tư cân đối thường xuyên 70%, liên kết kinh tế với 40 đơn vị liên doanh, tạo chuyển biến rõ rệt về quản lý vật tư, nguyên liệu, đặt ra cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh, đề cao tinh thần sản xuất tiết kiệm…

Nhờ vậy, năm 1985, trong bối cảnh đất nước và thành phố còn chìm trong khó khăn, Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong vẫn đạt 111,9% kế hoạch, tăng 16,62% so với năm 1984, thu nhập bình quân lao động tăng 16%, tích lũy Nhà máy tăng lên 241,89%, đời sống cán bộ, công nhân Nhà máy được nâng cao rõ rệt.

Sản phẩm thùng đựng nấm trên máy ép phun 400x1000 của Nhựa Thiếu niên Tiền phong góp phần tham gia xuất khẩu trong những năm 1975 – 1985

Đánh giá về hoạt động của Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong giai đoạn này, Thành ủy Hải Phòng nhận định: “Hiệu quả của việc liên kết kinh tế với các địa phương được mở rộng, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau đã mang lại lợi ích cho từng xí nghiệp trung ương phục vụ kinh tế địa phương như: Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Xí nghiệp Xi măng Hải Phòng, Cảng Hải Phòng, Đóng tàu Bạch Đằng, Cơ khí Duyên Hải, Ắc quy Tia Sáng, Điện lực Hải Phòng, Nhà máy Sắt tráng men nhôm, Nhà máy Dược phẩm TW 3…

Có thể khẳng định, giai đoạn 1975 – 1985, Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong liên tục gặp những khó khăn, thách thức về vật tư, nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm… Nhưng đây cũng là giai đoạn mà tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân Nhà máy đoàn kết đồng lòng, phát huy dân chủ, tìm ra những biện pháp hiệu quả, giúp Nhà máy vượt qua khó khăn, đưa sản xuất phát triển, từng bước ổn định, nâng cao đời sống người lao động.

Một trong những biện pháp quan trọng nhất của Nhà máy ở thời kỳ này là mở rộng liên doanh, liên kết kinh tế với nhiều đơn vị trong cả nước, để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao tay nghề và đời sống cán bộ công nhân viên. Nhà máy đã hoàn thành sứ mệnh của mình là nòng cốt đưa ngành Nhựa quốc gia phát triển trên phạm vi cả nước, đồng thời đây cũng là giai đoạn Nhà máy bước dần từ cơ chế sản xuất bao cấp sang làm quen với cơ chế kinh tế thị trường, chuẩn bị cho những bước đổi mới, phát triển trong những thập niên sau.

THẾ KHOA

(Ảnh tư liệu Cty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông