Kỷ niệm 60 năm thành lập Công ty Cổ phẩn Nhựa Thiếu niên Tiền phong (1960 – 2020): Nhựa Thiếu niên Tiền Phong – Mãi mãi niềm tự hào của ngành Công nghiệp nhựa Việt Nam

17:53 27/07/2020

Sau ngày 13-5-1955, quân Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam sau 300 ngày tập kết theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân ta vào giải phóng Hải Phòng, chính thức giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Tại Hải Phòng vào thời điểm ấy đang dấy lên phong trào “kế hoạch nhỏ” của các em thiếu niên, nhi đồng quyên góp sách báo, giấy vụn, vỏ chai… để góp phần xây dựng một nhà máy sản xuất các vật dụng đồ dùng học tập cho học sinh. Từ tháng 12-1958, Bộ Công nghiệp nhẹ quyết định xây dựng Nhà máy nhựa tại Hải Phòng, cũng là cơ sở đầu tiên của ngành gia công chất dẻo của miền Bắc XHCN. Khi khánh thành và đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 19-5-1960, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà máy được Quốc hội đặt tên là “Thiếu Niên Tiền Phong”, sau này trở thành niềm tự hào chung của ngành Công nghiệp nhẹ Hải Phòng và cả nước…

Bài 1: Từ những dấu ấn ban đầu của phong trào “kế hoạch nhỏ”…

Miền Bắc Việt Nam những năm đầu giải phóng, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy Năm châu, chấn động địa cầu”, Đảng, Nhà nước ta chủ trương bắt tay vào cải tạo đi lên CNXH, trong đó đặt trọng tâm là phát triển công nghiệp, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân và công nghiệp phục vụ quốc phòng.

Tại Hải Phòng vào thời điểm ấy đang dấy lên phong trào “kế hoạch nhỏ” của các em thiếu niên, nhi đồng quyên góp sách báo, giấy vụn, vỏ chai… để góp phần xây dựng một nhà máy sản xuất các vật dụng đồ dùng học tập cho học sinh.

Từ tháng 12-1958, Bộ Công nghiệp nhẹ quyết định xây dựng Nhà máy nhựa tại Hải Phòng, cũng là cơ sở đầu tiên của ngành gia công chất dẻo của miền Bắc XHCN. Khi khánh thành và đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 19-5-1960, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà máy được Quốc hội đặt tên là “Thiếu Niên Tiền Phong”…

 Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng đọc Quyết định thành lập Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong

Bác Nguyễn Văn Sáu, 88 tuổi, nguyên là một trong những người thuộc lớp công nhân đầu tiên của Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong khi ấy bồi hồi kể lại: “Theo chủ trương của Bộ Công nghiệp nhẹ lúc đó, trên mặt bằng xưởng ép dầu Huilerie và xưởng xà phòng Savonnerie của người Pháp cũ, đội ngũ những kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân cách mạng đã bổ nhát cuốc đầu tiên, khởi công xây dựng Nhà máy gồm 4 phân xưởng chính: cơ khí, nhựa đúc, nhựa trong và bóng bàn – đồ chơi.

Chỉ trong thời gian ngắn, đến ngày 1-6-1959, phân xưởng bóng bàn – đồ chơi đã cho ra đời lô sản phẩm đầu tiên”.  Bác  Nguyễn Văn Sáu tự hảo kể:”Vào thời điểm nhà máy mới đi vào hoạt động, đã có hơn 18.000 sản phẩm đã được chọn làm quà tặng của Nhà nước cho thiếu niên nhi đồng nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi  01-6 năm ấy.

Đồng chí Vũ Anh – Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ cắt băng khánh thành Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong, ngày 19-5-1960

Ngày 19-5-1960, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Công nghiệp nhẹ và thành phốHải Phòng tổ chức lễ cắt băng khánh thành Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong với sự tham gia của đồng chí Vũ Anh – Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ.

Sau đó, tại kỳ họp Quốc hội khóa II, năm 1960, Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng đã long trọng đọc quyết định thành lập Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong. Đây là một vinh dự đặc biệt, vì cho đến nay, rất ít xí nghiệp, nhà máy được Quốc hội trực tiếp ra quyết định thành lập.

 Đồng chí Nguyễn Mai Giang, Bí thư Đoàn thanh niên đầu tiên của Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong nhận biểu tượng của Trung ương Đoàn trao tặng từ phong trào “kế hoạch nhỏ” của thiếu nhi miền Bắc nhân dịp Lễ khánh thành Nhà máy

Theo bác Nguyễn Hữu Nam,  74 tuổi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Cty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong, người có 42 năm gắn bó với Nhà máy nhớ lại: “Khi khánh thành, lãnh đạo Nhà máy đã được kiện toàn, từ tổ chức Đảng, Ban Giám đốc, các tổ chức đoàn thể, các phòng ban đến phân xưởng sản xuất, đồng bộ đưa Nhà máy vào hoạt động.

Hội đồng chất lượng, Ban cải tiến - sáng kiến - phát minh cũng được thành lập, nhằm phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ công nhân”. Tháng 9-1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 đã đề ra Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tiến hành cải tạo kinh tế, đưa miền Bắc tiến lên CNXH. Phong trào thi đua được phát động trên toàn miền Bắc, tại Hải Phòng với ngọn cờ đầu là “sóng Duyên Hải” trong ngành công nghiệp.

Trước vô vàn khó khăn, nhưng cũng là lúc những cán bộ, công nhân Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền Phong không chịu khuất phục, bừng lên khí thế thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động.

Bác Nguyễn Hữu Nam cho biết thêm: “Trước khi khánh thành, vào thời điểm còn đang được xây dựng, Nhà máy đã thành lập tổ chức Đảng với 65 đảng viên, là lực lượng cốt cán trong các phong trào thi đua. Năm 1960, Nhà máy thành lập Trường bổ túc văn hóa, thu nhận 265 công nhân vào học tập. Năm 1961, Nhà máy mở lớp sơ cấp kỹ thuật, đào tạo tại chỗ 70 học viên là công nhân mỗi năm. Nhờ vậy, số lượng công nhân có trình độ văn hóa, kỹ thuật tăng lên rất nhiều, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển.

Từ đây, đội ngũ cán bộ, công nhân Nhà máy đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, năng suất lao động ngày một cao, tay nghề người thợ ngày càng thêm vững vàng. Từ các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều gương mặt tiêu biểu phát huy sáng kiến như: Vũ Hữu Phần, Phạm Thúy Hà, Phạm Đức Chất, Phạm Gia Được, Trần Chính Chu, Trần Văn Phước, Vũ Đức Thịnh, Vũ Thị Phúc, Phạm Bích Ngọc…

 Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Vũ Anh cùng với BCH Đoàn – Đội Trung ương vui mừng trước lô sản phẩm đầu tiên của nhà máy ra đời, phục vụ kịp thời Ngày Quốc tế thiếu nhi 01-06-1960

Ngay từ năm 1962, Nhà máy đã mạnh dạn áp dụng trả lương theo chất lượng sản phẩm, tạo xúc tác cho những tiến bộ kỹ thuật được phát huy. Tính tự chủ về kỹ thuật được đề cao, tập trung vào cơ giới hóa, tự trang, tự chế thiết bị máy móc, chủ động sửa chữa và chế tạo khuôn mẫu mới để phục vụ sản xuất.

Các hoạt động này đã giúp sản phẩm của Nhà máy giảm cho phí giá thành, nâng cao chất lượng, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm mới. Nhà máy đã tự lực nghiên cứu sản xuất thành công các mặt hàng từ nhựa PVC, chế tạo bột ép Phenol Focmaldehyt, tự túc 50% nguồn nguyên liệu không phải nhập khẩu. Bên cạnh đó Nhà máy cũng đưa ra một số mặt hàng nhựa phục vụ cho ngành điện, làm khuy áo phục vụ cho quốc phòng, má phanh ô tô, verai đồ hộp, chế tạo thành công máy ép phun vít xoắn…

Chỉ tính trong hai năm 1963 và 1964, công nhân Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong đã có 244 sáng kiến, góp phần tạo bước nhảy vọt về năng suất, chất lượng sản phẩm và kỹ thuật. 5 năm sau khi chính thức đi vào hoạt động, Nhà máy đã có 476 công nhân, tổ chức Đảng của Nhà máy đã phát triển thành đội ngũ 112 đảng viên, cùng 254 đoàn viên, tạo thành động lực quan trọng trong các phong trào thi đua.

Những thành công bước đầu là niềm tự hào chính đáng của đội ngũ cán bộ, công nhân của Nhà máy. Từ mô hình sản xuất gắn liền với phong trào thi đua “Kế hoạch nhỏ”, Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã thực sự trở thành tiên phong, góp công sức to lớn phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, cũng như xứng đáng là những “viên gach” đầu tiên đặt nền tảng cho ngành công nghiệp nhựa Việt Nam sau này.

THẾ KHOA

(Ảnh: Tư liệu Cty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích