Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2022) Từ Bạch Đằng Giang đến Điện Biên Phủ - Bản tráng ca mang tên Việt Nam

12:37 06/05/2022

Trong diễn trình chiến tranh thế giới, nhiều tài liệu đều ghi nhận rằng, nếu như các cuộc chiến trên sông Bạch Đằng xứng đáng là một trong những trận thủy chiến vĩ đại nhất thế giới, thì Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh trên bộ lớn nhất lịch sử. Điều đó thực sự là bản tráng ca, reo vang suốt chiều dài lịch sử vệ quốc của dân tộc Việt Nam.

Di tích lịch sử cấp quốc gia Bạch Đằng Giang

          Nơi hội tụ hồn thiêng sông núi

Trên thế giới, có lẽ chưa một địa danh nào đặc biệt như vùng cửa sông Bạch Đằng, chỉ trong một không gian không mấy rộng, nhưng lại gắn liền với 3 trận thủy chiến, được coi là lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, nếu như trận Xích Bích thời Tam Quốc ở Trung Quốc đơn thuần là một cuộc nội chiến, trận Trân Châu Cảng ở Mỹ là cuộc đối đầu giữa hai cường quốc trong chiến tranh hiện đại, thì Bạch Đằng Giang là biểu tượng tinh thần của một dân tộc anh hùng, chống lại những thế lực ngoại xâm lớn gấp bội lần.

          Lần thứ nhất năm 938, khi 2 vạn thủy quân Nam Hán xâm phạm, Tướng Việt là Ngô Quyền nghe tin bèn cho chế cọc gỗ nhọn, đầu bịt sắt đóng xuống lòng sông Bạch Đằng. Lúc thủy triều dâng, bãi cọc khuất hết, quân ta vừa đánh vừa nhử địch, đợi lúc thủy triều rút, mượn theo sức nước quân ta đánh thốc từ trên xuống.

          Thuyền quân Hán lớn, mắc vào bãi cọc, Ngô Quyền cho dùng thuyền nhỏ, luồn lách đánh quân Hán thua tan tác. Sau trận này Ngô Quyền xưng vương, tái lập ra nhà nước của người Việt, nên chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất được coi như tuyên ngôn độc lập của nước Nam, sau hơn nghìn năm bị người phương Bắc đô hộ.

Đoàn xe thồ huyền thoại tiếp vận cho chiến trường Điện Biên (Ảnh tư liệu)

          Năm 981, giặc Tống xua quân xâm chiếm nước ta. Đạo quân thủy do tướng địch Hầu Nhân Bảo thống lĩnh vào đến Lục Đầu Giang thì thất trận, tháo chạy theo hướng Bạch Đằng. Lúc này, Lê Hoàn cho quân sỹ đóng cọc ở cửa sông, giăng bẫy đợi sẵn.

Ngày 28-1, quân Tống đang thoái thủy thì bị chặn đánh, vừa khi thủy triều đổi hướng, quân ta giả thua bỏ chạy ra cửa biển, quân Tống thúc thuyền đuổi theo. Chiến thuyền của địch lao đầu vào bãi cọc, kẻ chết đuối, người bị truy kích, cả Hầu Nhân Bảo cũng chết trong đám loạn quân ấy. Đấy là chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai, đưa tên tuổi vua Lê Đại Hành trở thành lừng lẫy.

          Lần thứ ba, gắn liền với tên tuổi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ấy là năm 1288, Mông Cổ là một đội quân hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ, không chỉ chiếm được Trung Hoa, mà gót ngựa nhà Mông còn làm mưa làm gió ở châu Âu. Nhưng dù đã hai lần tràn xuống nước ta, quân Mông đều thua trận, cay cú, chúng quyết tâm khởi binh lần thứ ba.

Lần này, thủy tướng địch Ô Mã Nhi thống lĩnh 5 vạn quân cũng tiến vào vùng sông Hải Phòng. Sử sách ghi lại rằng: “Thủy quân Đại Việt mai phục phía sau các hang ghềnh, lạch nhỏ, còn bộ binh bố trí ở hai phía bờ Quảng Yên và Tràng Kênh. Giáp trận, quân ta theo kế cũ nhử địch vào thủy trận, rồi ồ ạt tổng phản công khiến quân địch không kịp trở tay. Quân ta thu được hơn 400 chiến thuyền, bắt sống tướng địch Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ…”.

Lính Pháp thất trận đầu hàng quân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Chiến thắng chấn động địa cầu

Cách đây 68 năm, trong khoảnh khắc sang trang của lịch sử, sự kiện 7-5-1954 đã trở thành đỉnh cao sáng chói của niềm tự hào dân tộc, chiến thắng Điện Biên Phủ như một bản hùng ca, vang khúc khải hoàn đưa tên tuổi Việt Nam lan xa khắp hoàn cầu.

Ngay sau ngày tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng Hòa đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vận mệnh cách mạng có lúc tưởng “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trước tình hình ấy, Hồ Chủ Tịch và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều giải pháp khôn khéo, thỏa thuận với Pháp nhằm tránh một cuộc chiến tranh. Nhưng âm mưu của đế quốc Pháp ngày càng lộ rõ, chúng gây hấn ở Nam Bộ, rồi đưa quân đánh chiếm Hải Phòng, liên tục khiêu khích quân ta. Ngày 19-12-1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”.

Sự kiện ngày 19-12-1946 đã đi vào lịch sử dân tộc, khởi đầu cho cuộc kháng chiến vĩ đại bảo vệ nền độc lập non trẻ, sau hàng trăm năm rên siết dưới gót giày ngoại bang.

Với niềm khao khát độc lập tự do, cả dân tộc bước vào cuộc chiến trường kỳ, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Cờ đỏ sao Vàng tung bay trên nóc hầm chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Trong khí thế ấy của người dân nước Nam, quân đội viễn chinh Pháp và tay sai lần lượt thất bại trên các chiến trường, buộc phải tăng cường binh lực và phương tiện chiến tranh, thực hiện kế hoạch Na-va. Điện Biên Phủ được xây dựng thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, quân ta quyết định mở chiến dịch tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ với phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”.

Từ ngày 13 đến 17-3-1954, ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo. Từ ngày 30-3 đến 30-4, ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, khiến quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Từ ngày 1-5 đến ngày 7-5, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía đông và mở đợt tổng công kích. 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng.

Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ Ca-xtơ-ri. Trong cuộc chiến ấy, quân và dân Hải Phòng luôn ngẩng cao đầu, viết lên trang sử vàng truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”. Với những chiến thắng “Sở Dầu, Cát Bi rực lửa”, “Đường 5 quật khởi”… chia lửa với chiến trường Điện Biên.

Gót giày quân viễn chinh Pháp lầm lũi rời Hà Nội, cuốn gói xuống Hải Phòng chờ ngày hồi quốc. Ngày 13-5-1955, đoàn quân chiến thắng tiến về từ các cửa ô tiến vào giải phóng thành phố Cảng, những người lính Pháp cuối cùng bước lên tàu từ bến Nghiêng (Đồ Sơn), mang theo nỗi ô nhục hàng trăm năm không khuất phục được ý chí của dân tộc Việt Nam. Ngày Hải Phòng giải phóng cũng đồng thời là ngày cả miền Bắc giải phóng.

Hải Phòng, tiền đồn nơi cửa biển Tổ Quốc đã đóng góp xứng đáng vào những khúc tráng ca oai hùng nhất của dân tộc, từ Bạch Đằng Giang hồng thủy đến Điện Biện Phủ lẫy lừng.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông