15:29 11/10/2019 Hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều chính sách điều chỉnh, qua mỗi thời kỳ, vai trò của kinh tế tư nhân được nhìn nhận và đánh giá khác nhau, đồng thời các cơ chế áp dụng cũng khác nhau. Tại Nghị quyết 10-NQ/TW(NQ10), Trung ương đã xác định rõ kinh tế tư nhân là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế, và cũng từ quan điểm đó, có thể nói đội ngũ doanh nhân là trụ cột của kinh tế tư nhân.
Mô hình Vinfast đã làm thay đổi diện mạo công nghiệp của Hải Phòng và cả nước.
Thành tựu đậm nét truyền thống
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Có thể nói đây là đòn bẩy hết sức quan trọng nhằm củng cố, phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.
Đối với Hải Phòng, cấu trúc địa lý đã kiến tạo Hải Phòng thành đầu mối giao thông huyết mạch nối miền Bắc với quốc tế, một môi trường để phát triển hiệu quả kinh tế tư nhân, và thực sự đã để lại những dấu ấn quan trọng.
Ngược dòng lịch sử, chỉ sau thời gian ngắn khi người Pháp thành lập thành phố Hải Phòng ngày 19-7-1888, Hải Phòng đã có hệ thống cảng lớn nhất miền Bắc, là trung tâm tài chính, công nghiệp của cả Đông Dương. Ngoài sự phát triển mạnh mẽ dạng hình tư bản tư nhân của người Pháp, thành quả kinh tế của những doanh nhân Việt tại Hải Phòng thời kỳ thuộc Pháp cũng rất đáng nể.
Có thể kể một số doanh nhân điển hình như doanh nhân Bạch Thái Bưởi gắn Công ty Giang Hải Luân, nổi danh cả nước về công nghiệp đóng tàu và vận tải hàng hải.
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà với hãng sơn Sơn Hà không chỉ đủ sức cạnh tranh với các hãng sơn lớn ở thế giới, mà sự nghiệp của ông cũng gắn liền với công cuộc cách mạng, xứng đáng nằm trong danh sách những nhà tư sản cách mạng tiêu biểu của Việt Nam.
Doanh nhân Đoàn Đức Ban thành công vang dội nhờ phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống với thương hiệu Vạn Vân, tiền thân của các sản phẩm nước mắm Cát Hải hiện nay…
Trong giai đoạn phát triển mới, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, cũng là thời điểm Hải Phòng bắt đầu thực hiện Nghị quyết 15 Đảng bộ thành phố, có thể khẳng định Hải Phòng đã đạt được những đột phá về phát triển kinh tế tư nhân.
Với nền tảng tiền đề là chủ đề hành động “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, được chọn triển khai 4 năm liên tiếp.
Kết quả ở vế thứ nhất, việc rà soát các nguồn thu đã giúp thành phố đạt tăng thu nội địa bình quân 5 nghìn tỷ đồng/năm, từ mức thu chỉ đạt khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm, từ năm 2017 Hải Phòng đã đạt tổng thu nội địa hơn 22 nghìn tỷ đồng. Điều này là hiệu quả thiết thực trong việc ngăn chặn vi phạm, nâng cao nhận thức trách nhiệm của doanh nghiệp, mà số lượng vốn tư nhân đang chiếm tỷ lệ áp đảo.
Nhìn từ góc độ khác, nói đến phát triển kinh tế tư nhân Hải Phòng trong giai đoạn đổi mới, không thể không kể đến cú bứt phá của thu hút đầu tư trong nước mấy năm gần đây.
Đó là các dự án khổng lồ do các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư, có thể kể hàng trăm nghìn tỷ đồng của VinGroup cho các dự án khu vui chơi giải trí đảo Vũ Yên, khu nông nghiệp kỹ thuật cao Vineco ở huyện Vĩnh Bảo, khu nhà ở cao cấp ở quận Hồng Bàng, bệnh viện Vinmec ở quận Lê Chân và tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast ở huyện Cát Hải.
Tập đoàn SunGroup với hàng chục nghìn tỷ đồng cho dự án phát triển du lịch Cát Hả; tập đoàn Him Lam với dự án hơn 5 nghìn tỷ đồng phát triển khu du lịch ở Đồ Sơn…
Mới đây nhất là dự án tổ hợp chế biến rau củ quả của Tập đoàn Lavifood tại huyện Tiên Lãng. Tất cả đang khẳng định vai trò trụ cột của kinh tế tư nhân, mà bản chất trụ cột của kinh tế tư nhân chính là đội ngũ các doanh nhân.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng đoàn đại biểu Trung ương và Hải Phòng gặp gỡ doanh nhân Phạm Nhật Vượng tại nhà máy Vinfast
Rà soát để tiếp tục thành công
Những gì đang hiển hiện cho thấy, Hải Phòng đã và đang triển khai những mục tiêu rất sát với chủ trương NQ10 của Trung ương Đảng, với sự sáng tạo và giải pháp mạnh mẽ.
Mặc dù vậy, những vấn đề hạn chế của kinh tế tư nhân được NQ10 đề cập cũng là hạn chế Hải Phòng đang gặp phải.
Những doanh nghiệp xuất nguồn từ Hải Phòng có rất ít thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thương trường; tính tự phát, manh mún của kinh tế tư nhân còn hiện hữu và thiếu mục tiêu phát triển bền vững; công tác cải cách thủ tục hành chính dù đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đề ra; hoạt động của các tổ chức hiệp hội chưa phát huy hiệu quả về nghề nghiệp.
Cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp thông qua các trung tâm chuyên trách còn yếu…
Nhìn ra cả nước, phát biểu trong một cuộc tiếp xúc doanh nghiệp, doanh nhân vừa được tổ chức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức.
Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân dù đã phát triển mạnh mẽ nhưng đa số quy mô còn nhỏ, siêu nhỏ, còn thiếu vắng những doanh nghiệp đầu đàn, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động còn ở mức thấp trong tương quan với các doanh nghiệp quốc tế và khu vực.
Các doanh nhân Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp, thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, còn bị động trong cạnh tranh và hội nhập, thiếu tính liên kết trong hoạt động.
Những hạn chế này cần phải gấp rút được khắc phục trong thời gian tới, mà trong đó nếu cơ chế chính sách mang tính chất xúc tác, thì bản thân sự vận động của đội ngũ doanh nhân, với vai trò làm chủ các doanh nghiệp mới mang tính trụ cột thực sự.
Nhưng cũng cần phải thấy rằng, chủ trương căn bản của NQ10 đề ra là “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nghĩa là dù phát triển theo cách nào, kinh tế tư nhân cũng cần phải định hướng XHCN, nâng cao trách nhiệm đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước. Thiết nghĩ đó cũng là định hướng chung cho đội ngũ doanh nhân Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, bởi chỉ khi chọn đúng hướng, thành quả đạt được mới thực sự bền vững.
Vẫn biết tiến trình phát triển của nhân loại đã trải qua nhiều hình thái kinh tế, và hình thái mà Đảng ta đang chủ trương áp dụng có thể coi là mới nhất.
Bởi thế, con đường phía trước của Hải Phòng cũng như cả nước, bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, nhưng khi lòng người đã thuận thì khó mấy cũng vượt qua.
Tương lai của thành phố và đất nước đặt nhiều vào nỗ lực và trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới.
Hoàng Minh
17:47 02/12/2024
17:38 02/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng
Công an quận Kiến An: Điều tra làm rõ đối tượng trộm cắp tài sản
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão