Kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2021): 66 năm thăng hoa khát vọng Hải Phòng

15:43 13/05/2021

Cách đây 66 năm, ngày 13-5-1955, người Hải Phòng tưng bừng trong rừng cờ hoa, đón những người con trở về tiếp quản thành phố. Từ đó đến nay, trải qua mọi thăng trầm của thời gian và lịch sử, Hải Phòng luôn giương cao ngọn cờ “Trung dũng – Quyết thắng”, đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió, với khát vọng tràn trề vương ra biển lớn.

Bộ đội ta tiếp quản Hải Phòng ngày 13-5-1955 (ảnh tư liệu)

Tự hào “đi trước – về sau”

Ngày 2-9-1945, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ Tịch đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng giặc Pháp âm mưu cướp nước ta một lần nữa, thêm một lần dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục, vùng lên “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trong thời khắc sang trang của lịch sử, trước ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, quân và dân Hải Phòng đã tiên phong thử lửa với kẻ thù. Lịch sử luôn ghi nhớ những người con Hải Phòng quả cảm trong trận chiến bảo vệ nhà hát Lớn, 13 chiến sĩ do trung đội trưởng Đặng Kim Nở chỉ huy đã dũng cảm hy sinh, sau khi đã tiêu diệt được 50 lính Pháp.

Tiếp đó là cuộc chiến đấu và hy sinh vô cùng quả cảm của các chiến sỹ Công an xung phong, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Thành Ngọ - người Cảnh sát trưởng đầu tiên, kết thúc tại núi Cột Cờ. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp viết trong hồi ký: “Cuộc chiến anh dũng của những người con Hải Phòng như cuộc tổng diễn tập thực sự của cả nước…”.

9 năm kháng chiến trường kỳ là những trang sử vàng truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, quân và dân Hải Phòng giữ vai trò khởi đầu, với chiến thắng “Sở Dầu, Cát Bi rực lửa”, “đường 5 quật khởi”… góp công làm lên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, khi các địa phương khác ở miền Bắc đã được hưởng tự do, thì Hải Phòng vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường, trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp.

Đúng ngày 13-5-1955, những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Việt Nam, cũng là lúc dưới ánh hào quang rực rỡ của cờ đỏ sao vàng, các đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản thành phố. Hải Phòng “đi trước về sau”, ngày giải phóng Hải Phòng cũng đồng nghĩa với ngày giải phóng hoàn toàn miền Bắc

Sau ngày lịch sử ấy, Hải Phòng khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh. Với vị thế đầu mối giao thương quốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, trong niềm hân hoan của tự do, lòng người Hải Phòng vẫn quặn đau trước nỗi niềm Bắc – Nam chia cắt.

Các phong trào thi đua sôi nổi đã tiếp sức cho những người con Hải Phòng lên đường vào tuyến lửa. Người hậu phương kiên cường bám trụ, đập tan hai cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của đế quốc Mỹ, vừa bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng vừa chi viện “Tất cả cho miền Nam ruột thịt”,  góp phần thống nhất toàn vẹn non sông.

 Hải Phòng tràn đầy khát vọng phát triển nhanh, bền vững (tư liệu)

Khát vọng trên đường dổi mới

Bước ra từ khói lửa của cuộc chiến dài nhất, tàn khốc nhất trong lịch sử chiến thanh thế giới, giữa muôn vàn mất mát đau thương, nhưng với niềm tin và sáng tạo, người Hải Phòng luôn tìm riêng cho mình những cách làm mới để vượt qua.

Nhiều mô hình phát nguồn từ Hải Phòng đã lan tỏa ra cả nước, như phong trào “dân vận khéo”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… và điển hình là phong trào khoán mới.

35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Hải Phòng đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, giành được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt trong những năm gần đây, Hải Phòng trở mình mạnh mẽ. Các công trình hạ tầng trọng điểm đột phá trên các lĩnh vực kinh tế, giao thông, đô thị… đã tạo động lực thúc đẩy cho kinh tế -xã hội thành phố.

Các khu công nghiệp Nomura, Tràng Duệ, VSIP, Đình Vũ-Cát Hải… đã trở thành tiêu biểu, đưa Hải Phòng vào nhóm những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Các dự án tiêu biểu như nhà máy sản xuất lốp ô tô Bridgestone, tổ hợp công nghệ LG, tổ hợp dự án VinGroup và SunGroup… đã khẳng định hướng đi đúng của chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng đi vào chiều sâu, phát triển bền vững, lấy kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, thắt chặt thiết chế văn hóa, ổn định quốc phòng an ninh, minh chứng rõ nét khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nổi bật là, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, Hải Phòng luôn giữ vững thành trì. Một mặt kịp thời triển khai các biện phát quyết liệt phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, một mặt giữ ổn định phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội.

Có thể nói, “thành phố Hải Phòng đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều hơn “nhiệm vụ kép”, với sự đồng thuận của toàn Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân thành phố, trở thành điểm sáng của cả nước”, như lời khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến công tác tại Hải Phòng vừa qua.

Nhìn lại chặng đường 66 năm, Hải Phòng đã thay đổi toàn diện trên mọi lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước. Những ngày này, khắp các nẻo đường, màu hoa phượng hòa với màu cờ, rực rỡ một màu thắm đỏ, dịch bệnh Covid-19 không làm lung lay ý chí của người Hải Phòng.

Dù trước mắt còn nhiều thách thức, nhưng niềm tin “Trung dũng – Quyết thắng” của người Hải Phòng không bao giờ thay đổi. Đó cũng chính là nền tảng  để Hải Phòng vững bước trên đường phát triển và hội nhập, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Đại hội 16 Đảng bộ thành phố, trên tinh thần cụ thể hóa mục tiêu định hướng tại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị

          Lê Minh Thắng

Theo hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, quân Pháp ở miền Bắc phải rút về khu vực tập kết tại Hải Phòng và chuẩn bị rút toàn bộ quân viễn chinh khỏi Đông Dương. Chúng buộc phải cuốn gói nhưng lại cấu kết với đế quốc Mỹ và tay sai phản động thực hiện chiến dịch cưỡng ép di cư, nhằm vơ vét sức người, sức của vào miền Nam chuẩn bị cho cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ đối với ta. Hải Phòng trở thành điểm nóng của toàn quốc. Ph

Phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân Hải Phòng phát triển mạnh mẽ. Cán bộ, bộ đội đi sát những người bị dụ dỗ, vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch, vận động hàng chục vạn người bỏ các trại di cư. Công nhân đoàn kết, đấu tranh chống tháo dỡ di chuyển máy móc. Nông dân vận động được hai vạn binh lính ngụy bỏ hàng ngũ địch. Học sinh, trí thức sôi nổi tham gia đấu tranh bảo vệ học đường, công trình vǎn hóa.

Ngày 13- 5-1955, khắp nội ngoại thành Hải Phòng sống lại không khí sôi nổi hào hứng của những ngày Cách mạng tháng Tám. Quân ta đã tiến vào tiếp quản Hải Phòng thắng lợi. Hải Phòng sạch bóng thù. Tên lính viễn chinh cuối cùng của thực dân Pháp xâm lược đã rút khỏi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

                                                                      (Tư liệu lịch sử)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông