12:14 25/06/2018 Sáng 25-6, cùng với các thí sinh cả nước, gần 20 ngàn thí sinh Hải Phòng dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 làm bài thi môn thi đầu tiên, môn Ngữ văn. Đề thi THPT quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn, nhiều thí sinh nhận định khá khó khi ra đề về đoạn trích “Đánh thức tiềm lực” và so sánh hình tượng trong hai tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Hai đứa trẻ"…
Các thí sinh nghiêm túc làm bài thi đầu tiên, môn Ngữ văn
Đề thi THPT quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn gồm 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu 3 điểm với các câu hỏi từ đoạn trích "Đánh thức tiềm lực" của tác giả Nguyễn Duy.
Phần Làm văn có 2 câu: Câu 5 điểm yêu cầu thí sinh so sánh hình ảnh con tàu ngoài xa với cảnh bạo lực của gia đình làng chài (Tác phẩm: Chiếc thuyền ngoài xa - Lớp 12) và hình ảnh buổi chiều hoàng hôn và cảnh chờ tàu hi vọng (Tác phẩm: Hai đứa trẻ - Lớp 11) để đánh giá về cách nhìn hiện thực cuộc sống của 2 tác giả.
Câu hỏi 2 điểm nghị luận xã hội hỏi về "Sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay" được nhiều thí sinh cho rằng đây là phần thú vị nhất.
Theo đánh giá của thí sinh, đề thi năm nay có cấu trúc đề thi thiên về xã hội, tức là phải am hiểu về thời sự. So với đề thi năm ngoái, các thí sinh đánh giá đề thi có tính phân loại cao hơn, độ khó cao hơn.
Tại điểm thi trường THPT Ngô Quyền, sau khi kết thúc môn Ngữ Văn, có nhiều thí sinh làm bài tốt nhưng cũng có nhiều thí sinh làm bài chưa đúng ý nguyện vì có nhiều câu khó.
Các thí sinh vội vã trở về chuẩn bị cho bài thi môn Toán vào buổi chiều
Thí sinh Nguyễn Thị Thu Thảo cho biết, đề thi năm nay có nhiều câu hỏi khó, đó là câu hỏi về hai tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Để làm được câu hỏi này cần có kiến thức xuyên suốt và đọc kỹ tác phẩm mới có thể làm tốt và đạt điểm cao.
Còn đối với thí sinh Nguyễn Mạnh Quang, năm nay đặt mục tiêu thi vào trường Đại học Kinh tế quốc dân thuộc khối Tự nhiên nên đối với môn Ngữ văn em phần nào cũng cảm thấy khó. “Em cảm thấy câu hai khó bởi tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam em chưa đọc kỹ”, Quang nhận xét.
Thí sinh Bùi Hiếu Ngân, năm nay thi vào trường Đại học Ngoại thương khá tự tin vào bài thi môn Ngữ văn, tuy nhiên Ngân cũng đánh giá tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là kiến thức của lớp 11 nên có phần đã bị quên mất.
Thanh niên tình nguyện giúp các thí sinh ra khỏi điểm thi dễ dàng
Nhận định đề thi môn Ngữ văn, các giáo viên Ngữ văn cho rằng, nhìn một cách tổng quan, đề thi có những đổi mới, điều chỉnh, không tạo ra lối mòn...
Trong đó, vấn đề đọc hiểu đưa ra một vấn đề trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực”, một đoạn thơ từ thập kỉ 80 không chỉ giữ được tính thời sự mà còn có thể “chạm tới” những trăn trở suy ngẫm của con người thời hiện đại với tiềm lực và thực tế phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, vấn đề nghị luận trong câu làm văn số 1 có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với chủ đề của ngữ liệu Đọc hiểu; và thay vì chủ đề “đánh thức tiềm lực” hướng tới cộng đồng thì đề bài đã đặt ra vấn đề sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay và yêu cầu nghị luận ấy hướng tới mỗi thí sinh trong bài làm của mình.
Yêu cầu đề bài rất cụ thể về hình thức là 1 đoạn văn; nội dung là trình bày suy nghĩ về sứ mệnh - đó là một nội dung rất cụ thể hướng về cách thức/giải pháp/bài học.
Về phần nghị luận văn học đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam giúp thể hiện được những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật, đem đến giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm...
Chiều nay, 25-6, các thí sinh sẽ làm bài thi môn Toán.
HẢI HẬU
21:17 22/11/2024