Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Nhiều trường Đại học, Cao đẳng sẽ dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển

16:11 05/06/2020

Đó là chỉ đạo định hướng của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra sáng nay (5-6).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Cùng dự tại điểm cầu của Bộ GD-ĐT, các đồng chí: Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban chỉ đạo cấp quốc gia của kỳ thi; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; đại diện Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành phố.

Tại điểm cầu Sở GD-ĐT Hải Phòng, đồng chí Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì, cùng dự có lãnh đạo Sở GD-ĐT, Phòng PA03 CATP.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước khi hoàn thành cấp THPT, học sinh được trải qua kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng, để kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của các em so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Bộ trưởng cũng cho biết, với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh. Như vậy, việc tổ chức kỳ thi không chỉ đơn thuần là để công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhiều ý nghĩa quan trọng khác, do đó phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch.

Kỳ thi năm nay giao cho địa phương, nhưng trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vẫn rất lớn, gồm: chỉ đạo tổ chức Kỳ thi; xây dựng Quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi. Kỳ thi cũng liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành, trong đó có: Bộ Công an, Bộ Giao thông, Thanh tra Chính phủ… Bởi vậy, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải có đầy đủ đại diện của các sở, ban ngành liên quan.

Năm nay, cán bộ, giảng viên các trường Đại học không tham gia công tác coi thi, chấm thi như mọi năm, nhưng sẽ được tăng cường vào thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Bộ trưởng yêu cầu, đội ngũ tham gia không chỉ cần đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải có phẩm chất, đạo đức tốt, trách nhiệm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam chủ trì tại điểm cầu Sở GD-ĐT Hải Phòng

Phát biểu chỉ đạo về công tác tổ chức Kỳ thi tại Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam nhấn mạnh, Hải Phòng đã nhiều lần tổ chức các kỳ thi THPT quốc gia thành công, đảm bảo nghiêm túc, đúng quy chế. Trong thời điểm hiện nay, Kỳ thi sẽ càng ngày càng nghiêm túc hơn, sát sao hơn và kỷ luật cũng sẽ nghiêm minh hơn. Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo sớm phân công các nhiệm vụ, tổ chức các cuộc họp và tuyên truyền mạnh mẽ để cho các phụ huynh, các em học sinh quán triệt được quan điểm này ngay từ đầu “Hải Phòng sẽ không có tiêu cực trong thi cử. Thay vì trông chờ, các phụ huynh và học sinh cần ôn luyện tốt hơn để đáp ứng được yêu cầu của Kỳ thi”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam khẳng định.

Trong dịch bệnh Covid-19, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo việc điều chỉnh chương trình cho phù hợp, điều chỉnh kế hoạch năm học với thời gian kết thúc là 15-7, thi tốt nghiệp THPT vào ngày 9, 10-8; đồng thời triển khai các hoạt động dạy học trực tuyến, dạy học từ xa theo phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Vừa qua, học sinh trở lại trường sau thời gian giãn cách, đến nay đã cơ bản nắm được kiến thức cốt lõi. Đề thi tham khảo được đánh giá là phù hợp, việc tổ chức dạy học, ôn tập rất tích cực…

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích