16:12 18/07/2015
Lần đầu tiên tôi gặp cụ Nguyễn Huy Trường cách đây đã gần chục năm, khi ấy cụ là Chủ tịch Hội người cao tuổi của phường Lãm Hà (Kiến An). Hình ảnh ông cụ có dáng vóc cao lớn, khuôn mặt quắc thước, nói và làm đều dứt khoát luôn để lại cho tôi nhiều ấn tượng… Đường đến những kỳ tích Được bà Bùi Thị Thắm - Bí thư Đảng ủy phường Lãm Hà - báo tin: “Cụ Nguyễn Huy Trường vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp, lễ trao danh hiệu sẽ được quận Kiến An tổ chức vào 20-7 tới…”. Tôi bày tỏ nguyện vọng được gặp cụ, để muốn dựng lại chân dung một tấm gương xuất sắc trước thềm đại hội thi đua yêu nước của thành phố. Bí thư Bùi Thị Thắm vui mừng: “Đây là niềm vinh dự không chỉ của riêng cụ Trường và gia đình mà còn là niềm tự hào của cả phường Lãm Hà chúng tôi”! Gặp lại cụ Trường tại nhà riêng ở 229 Trường Chinh, dù đã bước sang tuổi 84 nhưng cụ còn rất minh mẫn. Vẫn vóc dáng ấy, gương mặt ấy, giọng nói ấy và thái độ điềm đạm, luôn hút người đối thoại về phía mình. Nhắc đến danh hiệu chuẩn bị đón nhận, cụ trăn trở là giờ tuổi đã cao, gần đây huyết áp bất thường, cụ nói: “Ngoài mình ra, quận còn trao huân chương cho 19 đồng chí khác, sợ sức khỏe mình thất thường làm ảnh hưởng đến nghi lễ trang trọng...”. Cụ là vậy, luôn nghĩ về người khác, như những gì cụ đã làm trong suốt cuộc đời mình. Nhìn cụ trong tâm trạng ấy, ít ai ngờ đây chính là người từng giả gái ôm mìn, đánh thẳng vào đoàn xe tăng địch, gây nên sự khiếp đảm cho kẻ thù hơn 60 năm trước. Cụ Trường sinh năm 1932 tại xã Đại Đồng (Kim Thành - Hải Dương). Cụ tham gia đội “giao thông chiến” có biệt danh S20 của tỉnh Hải Dương, với nhiệm vụ đánh vào “sườn” hậu cần của địch từ cảng Hải Phòng tiếp vận cho chiến trường miền Bắc. Ngày ấy, với vốn kiến thức rút ra từ mỗi trận đánh, cụ Trường đã cùng đồng đội sáng chế ra nhiều loại mìn và sáng tạo cách đánh độc đáo. Từ củ chuối, ngõng tre và đạn pháo tịt ngòi của kẻ thù, những sản phẩm “mìn giật giây”, “mìn điện tự động”, “cạm điện”, “mìn ngõng có cột chống”… và đặc biệt nhất là loại “mìn sờ” lần lượt ra đời, trở thành kỳ tích trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Những trận đánh huyền thoại Nhắc lại trận đánh cuối cùng trong kháng chiến chống Pháp, cụ Trường bồi hồi: “Thấm thoát đã 61 năm rồi, đó là trận chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ ngày 2-5-1954…”. Đêm ấy, khi đơn vị cụ đang đào hố chôn mìn thì bị địch phục kích trong toa tàu bị đánh lật trận trước đó, bắn vào giữa đội hình. Từ mưu trí của người đội phó tên là Đinh, cụ Trường hô to: “Trung đội 1 bên phải, trung đội 2 bên trái, bao vây không để tên nào chạy thoát…”, địch tưởng bị lọt vào ổ vây, vội vàng tháo chạy. Kể đến đây cụ cười: “Thực ra lúc ấy chúng tôi chỉ có 10 người…”. Nhưng ngoạn mục hơn là ngay sau đó, dù bị lộ nhưng S20 vẫn bám trận địa, đào tiếp hố đặt mìn “đón” tàu địch. Kết quả thật bất ngờ, khi đoàn tàu lù lù lao đến, quả mìn thứ nhất với 40kg thuốc nổ hất tung 3 toa cuối, làm chết và bị thương 120 tên địch. Bọn chúng hối hả cắt toa và rúc còi chạy tiếp… thêm được 300 mét thì quả mìn thứ hai nhả lửa, cả tuyến tiếp vận bị ngưng trệ đến tận hôm sau. Trong buổi họp mừng công sau trận đánh, có đồng chí trong đội cao hứng chế ra bài hát theo điệu “hò lơ”: “Ai về Cao Xá, Đồng Liên/ Mà xem mưu mẹo đánh mìn của ta/Chôn mìn hố để hở ra/Lính dò mìn đến giúp ta lấp vào…”. Đây là trận đánh đáng nhớ của cụ Trường với đội S20, vừa mưu trí dũng cảm, vừa đậm tinh thần lạc quan cách mạng. Trong hồi ký chiến tranh “Đường 5 quật khởi”, một trận đánh khác của S20 được mô tả: “Ngày 28-12-1952, đoàn tàu chở vũ khí và quân nhu của địch từ Hải Phòng đang nhả khói về Hà Nội…, quả mìn điện tự động của ta nổ tung hất 18 toa tàu ra vệ đường, có 8 toa lật úp xuống ruộng…”. Có một sự trùng lặp thú vị là khi đánh trận này, Chỉ huy phó Nguyễn Huy Trường của S20 vừa tròn 20 tuổi và cũng đúng 20 ngày sau ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cùng năm 1952, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu “chiến sỹ toàn quốc”, đồng đội yêu mến phong ông là “Vua mìn đường 5”. Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, ông đã cùng S20 đánh hàng trăm trận, phá hủy 145 xe quân sự, 20 xe tăng và xe bọc thép, lật đổ 17 đầu máy và 85 toa tàu, tiêu diệt hàng ngàn tên địch… Xứng danh người anh hùng Kháng chiến chống Pháp kết thúc, Nguyễn Huy Trường được cử đi làm nhiệm vụ mới. Cụ tốt nghiệp trường kế toán của Bộ Công nghiệp nhẹ rồi Học viện chính trị Nguyễn Ái Quốc, được điều về làm Trưởng ban tuyên giáo Cục đường biển. Trong giai đoạn giặc Mỹ đánh phá dữ dội, cụ có mặt ở các tuyến lửa như Cửa Hội, Cửa Sốt, Sông Gianh, Nhật Lệ... Khi đất nước thống nhất, cụ lại cùng đoàn tàu viễn dương chu du tới hơn 20 cảng biển khắp thế giới… cho đến khi nghỉ hưu năm 1989. Ông Vũ Ngọc Lâm - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Lãm Hà, người có nhiều năm gắn bó với cụ Nguyễn Huy Trường, bày tỏ thán phục: “Nói về sức cống hiến bền bỉ, mẫn cán thì khó ai sánh được với cụ Trường…”. Quả vậy, cụ tham gia hầu hết các phong trào của địa phương, dù là công tác Đảng, HĐND (trước kia) hay MTTQ và các đoàn hội. Cụ còn kiêm luôn phụ trách biên tập đài truyền thanh phường, là tác giả của hơn 2.000 bài viết - một con số kỷ lục đối với những “nhà báo địa phương”.
Lúc trò chuyện, cụ Trường nói rất ít về mình mà dường như tình cảm chỉ dành cho đồng đội. Cụ càng vui vẻ khi nhắc đến những kỷ niệm với người đồng đội “đặc biệt” đã gắn bó suốt cuộc đời cụ trong 60 năm qua, ấy là cụ bà Đỗ Thị Nhung. Cụ Nhung năm nay cũng đã 82 tuổi, hai cụ quen nhau tại đại hội thi đua yêu nước quân khu Tả Ngạn năm 1952. Cũng như cụ ông, cụ bà Đỗ Thị Nhung vốn là một chiến sỹ nổi tiếng với những thành tích chiến đấu xuất sắc, từng bị địch bắt, tra tấn, giam cầm lúc làm giao liên của Tỉnh đội Thái Bình. Hai cụ nên duyên vợ chồng ngày 12-8-1956, thật là cặp “trai tài gái sắc” hiếm có vào thời ấy. Cụ Trường dẫn tôi thăm gian truyền thống của gia đình. Trong những kỷ vật đã úa màu thời gian, tôi chú ý đến hai bức thư được sao lại từ bản gốc hiện đang trưng bày tại bảo tàng Quân khu 3. Bức thứ nhất của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp gửi động viên cụ Nguyễn Huy Trường và một đồng đội khi hai người đang dưỡng thương ở hậu cứ. Bức thứ hai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề ngày 30-7-1952: “Thân gửi đồng chí Quang Vinh, Nguyễn Huy Trường… Tôi thân ái gửi lời thăm 2 đ/c. Chúc 2 đ/c mau khỏe. Tôi đang bị ốm sơ, chi ủy hôm qua có cho tôi 10 quả trứng gà và 1 nải chuối. Tôi chia gửi biếu 2 đ/c 10 quả trứng gà…”. Thật là chi tiết quý giá, thể hiện những tâm sự ấp áp, chân thật mà chan chứa tình đồng đội của một vị tướng đối với hai người lính. Có lẽ đây cũng chính là nguồn sức mạnh, khơi dậy và làm sáng ngời tinh thần anh hùng của dân tộc Việt Nam. Tiễn tôi ra cửa, dù bước chân đã chậm hơn ngày xưa, cụ Trường vẫn nắm chặt tay và nhắc đi nhắc lại: “Nhà báo có viết thì viết ít về mình thôi, thành tích của mình luôn gắn liền với đồng đội…”. Chia tay cụ mà trong lòng tôi đầy ắp sự khâm phục. Gia Lê |
22:09 26/12/2024
14:31 25/12/2024
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh