19:22 05/10/2023 Theo "Lịch sử phát triển Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh": "Trước năm 1929 đã có một số đoàn viên thanh niên Cộng sản do các cán bộ của "Viêt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội" vốn là đoàn viên thanh niên Cộng sản được kết nạp ở Quảng Châu về nước trực tiếp tuyên truyền và tổ chức, nhưng các đồng chí đoàn viên này chưa được đưa vào các tổ chức cơ sở của Đoàn mà hoạt động trong mối quan hệ trực tiếp với các cán bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Chỉ từ sau khi các tổ chức Đảng ở nước ta hình thành, nhất là từ sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ ra đời thì các tổ chức Đoàn cơ sở mới được thành lập" (theo trang thanhnienviet.vn - Cơ quan của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh). Hải Phòng đầu thế kỷ 20 là thành phố thuộc địa nơi cửa biển nhưng được đón nhận nhiều làn gió mới tiến bộ từ các phong trào cách mạng quốc tế. Và điều đáng tự hào, cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mang trong nước giai đoạn này, năm 1929, hai chi bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản đầu tiên trong nước đã được thành lập tại Hải Phòng.
Chi bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản thứ nhất ra đời ở Nhà máy Xi măng Hải Phòng
"Hải Phòng có bến Sáu Kho/Có sông Tam Bạc, có lò xi măng"
Câu ca dao mới nói về những đặc trưng của Hải Phòng trước đây, “bến Sáu Kho” là Cảng Hải Phòng (bắt đầu từ năm 1874, thực dân Pháp xây dựng Cảng trên bến Ninh Hải xưa có hệ thống gồm 6 nhà kho), còn "lò xi măng" ở đây chính là Nhà máy xi măng Hải Phòng, được khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 12 năm 1899, trên địa phận làng Hạ Lý, tổng Lạc Viên, huyện An Dương ngày xưa, nay thuộc địa bàn phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng.
Sự kiện này quan trọng đến mức đích thân Toàn quyền Đông Dương Pôn Đume đã đến dự, đặt khối đá vôi lớn tại chân móng lò nung đánh dấu sự ra đời nhà máy sản xuất xi măng đầu tiên tại Việt Nam và khu vực.
Từ đó tới nay, trải qua hơn một thế kỷ xây dựng và trưởng thành, những người công nhân yêu nước đã biến nhà máy từ một cơ sở kinh tế của thực dân thành một "địa chỉ đỏ" gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, với lịch sử phát triển của thành phố Hải Phòng, của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam.
Nhà máy vinh dự có tổ chức Đảng, tổ chức Công hội đỏ ra đời rất sớm, đồng thời la nơi ra đời đội “Xích Vệ đỏ” tiền thân của lực lượng vũ trang Xi măng Hải Phòng và của Thành phố, đặc biệt đây cũng là nơi có tổ chức Đoàn đầu tiên trong cả nước:
"Chi bộ Đoàn Nhà máy Xi măng Hải Phòng được xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, một học viên của Trường Chính trị Quảng Châu do đồng chí Nguyễn Ái Quốc đào tạo. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thường cùng lao động với thanh niên công nhân của nhà máy, đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh của họ, tuyên truyền giác ngộ họ rồi chọn lọc một số thanh niên ưu tú kết nạp vào Đoàn.
Chi bộ Đoàn ra tờ báo lấy tên “Tia lửa”, bí mật phân phát trong nhà máy để giáo dục và tập hợp thanh niên. Chi bộ Đoàn đã có sáng kiến lập một số đội bóng đá và thường đứng ra tổ chức các trận đấu giao hữu ở bãi xi măng đen. Một số nhóm đọc sách do chi bộ Đoàn đứng ra thành lập thu hút khá đông thanh niên tham gia.
Ngày 7-11-1929, để kỷ niệm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, chi bộ Đoàn đã tổ chức rải truyền đơn và treo cờ đỏ búa liềm trong nhà máy, ngoài ra còn tổ chức kể chuyện về Liên Xô qua những tài liệu thu thập trong sách báo cho đoàn viên và những thanh niên cảm tình với Đoàn nghe.
Cuối năm 1929, chi bộ Đoàn đã tích cực tham gia và trở thành lưc lượng xung kích thực hiện chỉ thị của nhà máy đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống khủng bố của đế quốc." (Lịch sử phát triển Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).
Biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã được "vô sản hóa", rèn luyện, trưởng thành tại đây, tiêu biểu như các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, và nhiều đồng chí sau này đã trở thành lãnh tụ của Đảng, lãnh đạo của đất nước và Thành phố.
Năm 2002, Nhà máy Xi măng Hải Phòng mới đã được khởi công xây dựng trên mặt bằng của Xí nghiệp Đá Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên. Còn trên mặt bằng Nhà máy cũ tại Thượng Lý, Hồng Bàng, vào ngày 4-3-2016, Thành phố đã phối hợp với Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công dự án Khu đô thị Vinhomes Riverside Hải Phòng (nay là Vinhomes Imperia), đây là khu đô thị phức hợp đồng bộ, sang trọng và đẳng cấp đầu tiên tại Hải Phòng theo mô hình “City in City”.
Điểm nhấn quan trọng của dự án là tòa nhà 45 tầng - tòa nhà cao nhất miền duyên hải hiện nay và đã trở thành một điểm du lịch, mua sắm và vui chơi giải trí của thành phố Hải Phòng.
Vậy là từ một địa bàn vốn cái nôi của các phong trào cách mạng, đã mọc lên một khu đô thị khang trang, góp phần đem lại diện mạo mới cho khu vực phía Tây Bắc của thành phố.
Chi bộ Đoàn thứ haira đời ở trường Cao đẳng tiểu học Hải Phòng (còn gọi là trường Bonnal, hiện nay là trường THPT Ngô Quyền)
Trường cao đẳng tiểu học Hải Phòng (Bonnal) thành lập năm 1920, sau Nhà máy Xi măng Hải Phòng tới 21 năm, nhưng cũng có một truyền thống rực rỡ về phong trào cách mạng và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Cái tên Bonnal - Bình Chuẩn - Ngô Quyền gắn bó sâu sắc với lịch sử phát triển của thành phố Hải Phòng, đồng thời là một địa chỉ đáng nhớ của nền văn hóa, giáo dục đất nước.
Khi cai trị nước ta, thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, đầu độc dân ta bằng thuốc phiện và rượu cồn, mở trường học "nhỏ giọt" mục đích chính không phải nâng cao dân trí mà để đào tạo ra lớp người làm việc phục vụ cho chính quyền cai trị.
Nhưng từ khi thành lập năm 1920 cho tới khi đất nước giành được độc lập năm 1945, mặc dù chịu tác động của nền giáo dục thực dân, nhưng các thế hệ thầy giao người Việt và học sinh trường Bonnal với tinh thần yêu nước đã biến trường thành cái nôi của các phong trào cách mạng, cái nôi đào tạo nhân tài và cán bộ cho phong trào cách mạng Hải Phòng và cả nước.
"Lịch sử phát triển Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh" ghi nhận: "Chi bộ Đoàn thứ hai ra đời ở trường Bonnal (nay là trường THPT Ngô Quyền) là nơi có phong trào đấu tranh mạnh mẽ của học sinh trong những năm 1925, 1926 và các năm sau. Chi bộ Đoàn có 11 đoàn viên, chia thành các tiểu tổ trong đó có một số học sinh ở trường khác.
Chi bộ Đoàn trường Bonnal do Bùi Đức Thanh làm bí thư. Chi bộ Đoàn có tờ báo in thạch lấy tên là “Thanh niên Cộng sản” để giáo dục và tập hơp thanh niên học sinh. Các đoàn viên thanh niên cộng sản ở trường Bonnal hoạt động rất tích cưc, nhất là trong công tác tuyên truyền cách mạng, vận động thanh niên đấu tranh. Có tháng, chi bộ Đoàn đã cho ra ba số “Thanh niên cộng sản” nhằm đáp ứng nguyện vọng muốn hiểu biết của thanh niên.
Chi bộ Đoàn thanh niên Cộng sản trường Bonnal đã giúp anh chị em học sinh tổ chức ra “Học sinh đoàn” để thu hút những học sinh có tinh thần yêu nước, hăng hái hoạt động cách mạng. Lớp học sinh đoàn đầu tiên gồm có Lê Viêm, Vũ Thiện Tấn, Nguyễn Văn Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Trung ương Đảng khóa VI).
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một học sinh yêu nước, hoạt động rất hăng hái đã bị đế quốc Pháp đày ra Côn Đảo. Nhưng chính tại đây trong chế độ lao tù vô cùng khắc nghiệt, đồng chí đã cùng với nhiều Đảng viên Cộng sản Việt Nam khác anh dũng biến nhà tù thành trường học, rèn luyện ý chí cách mạng. Đồng chí đã trở thành người Đảng viên đấu tranh kiên cường vì lý tưởng của Đảng."
Sau hai chi bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản được thành lập tại Hải Phòng, các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản liên tiếp được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, Nghệ An.v.v.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức Đoàn. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần II họp từ ngày 20 đến ngày 26-3-1931, Trung ương Đảng đã dành một ngày trong thời gian Hội nghị để bàn và quyết định những vấn đề quan trọng về công tác vận động thanh niên của Đảng.
Xuất phát từ ý nghĩa đặc biệt ấy, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Bác Hồ, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (họp từ ngày 22 đến 25-3-1961 tại Hà Nội) đã quyết định lấy ngày 26-3-1931 là ngày thành lập Đoàn.
Rất vinh dự cho tuổi trẻ đất Cảng, hai chi đoàn Thanh niên Cộng sản đầu tiên trong nước đã được thành lập tại Hải Phòng. Năm 2011 và năm 2016, vào dịp kỉ niệm 80 năm và 85 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Thành Đoàn Hải Phòng đã tổ chức cho tuổi trẻ đất Cảng gắn bia nơi ra đời hai chi bộ Đoàn đầu tiên của cả nước tại trường THPT Ngô Quyền và tại Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng.
Những địa điểm lưu dấu truyền thống cách mạng xưa gồm: Nhà máy Xi măng Hải Phòng cũ (nay là Khu đô thị Vinhomes Imperia ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, nơi có Bảo tàng Xi măng Việt Nam, đền thờ Bác Hồ), Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng (ở Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) và trường THPT Ngô Quyền (ở phường An Biên, quận Lê Chân). Đây chính là những địa chỉ đỏ cho thế hệ tuổi trẻ Hải Phòng nói riêng, tuổi trẻ Việt Nam ngày nay nói chung "hành hương" tới thăm quan để học tập, giáo dục truyền thống.
Nguyễn Dương
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024