18:52 22/01/2022 Kể từ khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào cuối tháng 1-2020, đến nay vừa đúng hai năm đại dịch này hoành hành và ngày càng diễn biến khó lường. Cũng là hai năm ngành thương mại - dịch vụ phải đối mặt với những áp lực vô cùng tệ hại, trong bối cảnh nền kinh tế nói chung cũng gặp vô vàn khó khăn, thách thức.
Lượng khách mua sắm tại các siêu thị giảm mạnh
Với vị thế là cửa ngõ giao thương quốc tế lớn nhất miền Bắc, là thị trường sôi động của khu vực duyên hải Bắc Bộ, nên ngành thương mại – dịch vụ Hải Phòng cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bậc nhất của đại dịch Covid-19 trong hai năm qua.
Đánh giá về vấn đề này năm 2021, báo cáo của UBND TP cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; lưu thông đình trệ, chi phí tăng cao, sức mua giảm sút… đặt ra những thách thức không nhỏ trong phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội
Nhìn lại từ đầu năm 2021, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều bất ổn, hầu hết vẫn chìm sâu trong suy giảm, một số nền kinh tế mạnh mang tính chi phối toàn cầu có phục hồi nhưng với tốc độ rất chậm. Riêng đối với Hải Phòng, áp lực đến ngay từ những ngày đầu năm khi dịch bệnh bùng phát diện rộng ở các địa phương lân cận và Hải Phòng cũng đã có những ca bệnh đầu tiên.
Điều đáng nói là trong cơ chế vận hành giao thương, các tỉnh bạn vừa là khu vực cung ứng hàng hóa tiêu dùng nội địa, nhưng cũng vừa là thị trường của nhiều ngành sản xuất của Hải Phòng, nên tác động mang tính liên hoàn. Lẽ đương nhiên, việc triển khai thực hiện những chỉ tiêu kế hoạch được xây dựng trước đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Xét chung trên tổng thể, trong năm 2021 kinh tế Hải Phòng vẫn rất thành công, dù có một số chỉ tiêu chưa đạt được như kế hoạch đề ra. Đánh giá của UBND TP cũng nêu rõ, với sự tập trung vào cuộc, phản ứng nhanh, chủ động, tăng trưởng kinh tế thành phố tiếp tục đạt ở mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác.
Tuy nhiên, riêng ngành thương mại – dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tâm lý người tiêu dùng và sự thay đổi của thiết chế xã hội, trong nỗ lực liểm soát dịch bệnh.
Báo cáo thống kê năm 2021 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước cả năm đạt 153.171,7 tỷ đồng, tăng 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn vào chỉ số này, có thể thấy rõ sự suy giảm của thị trường thành phố, khi mà những năm trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn luôn tăng bình quân trên 13%.
Còn so với kế hoạch đề ra cả năm là hơn 160 nghìn tỷ đồng, thì con số đạt được của năm 2021 cũng chỉ bằng 95%. Trong đó, chỉ có doanh thu từ bán lẻ hàng hóa tăng với mức hơn 9,7%, còn lại hầu hết các phân ngành dịch vụ đều giảm, có thể kể như: doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 40,32% so; doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 6,04%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 70,29%... so với năm 2020.
Đi vào một số phân ngành chi tiết, đơn cử như dịch vụ vận tải, theo báo cáo thống kê thì năm 2021 vận chuyển hàng hóa vẫn tăng 9,03% do liên quan đến hàng qua cảng, nhưng doanh thu cũng không đạt được như kỳ vọng. Còn vận chuyển hành khách thì thực sự ảm đảm, với lượng khách đạt khoảng 33 triệu lượt, giảm 34,41% so; luân chuyển hành khách đạt 1.357,4 triệu Hk.km, giảm 32,11% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng chịu tổn thất nặng nhất phải nói đến phân ngành dịch vụ du lịch, khi mà tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ chỉ đạt gần 3.707 nghìn lượt, giảm 50,68%, trong đó khách quốc tế ước đạt 64,7 nghìn lượt, giảm 77,91% so với cùng kỳ năm 2020.
Kỳ vọng vào nhu cầu mua sắm như trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát?
Trong những tháng cuối năm 2021, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội phục hồi của thương mại – dịch vụ. Cũng đúng vào thị trường cuối năm khởi động, dù trong hoàn cảnh nào cũng nhộn nhịp hơn các thời điểm khác trong năm.
Vấn đề đáng nói là, những con số trên đây đặt trong bối cảnh so sánh với kết quả của năm 2020, cũng là năm hoạt động thương mại – dịch vụ đã bị suy giảm mạnh từ tác động của dịch bệnh Covid-19, càng cho thấy những khó khăn to lớn mà phân ngành kinh tế này đang phải đối mặt.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, nguồn bệnh phát tán và lây lan trên địa bàn thành phố với cường độ ngày càng cao, với số ca nhiễm gần 1.000 mỗi ngày, cả thành phố đang ngập tràn sắc đỏ cảnh báo. Có thể nói, dịch bệnh đã tạo ra phản ứng mang tính dây chuyền, chi phối mọi góc độ của hoạt động thương mại, dịch vụ. Từ việc các tụ điểm sinh hoạt đông người, du lịch bị hạn chế, đến tâm lý người dân ngại sử dụng các dịch vụ và cũng ngại luôn cả việc mua sắm, cho đến sự phân hóa nhu cầu đối với từng nhóm sản phẩm hàng hóa.
Xét trên tổng thể, kết quả hoạt động thương mại - dịch vụ luôn là những phân ngành kinh tế đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của thành phố, là trụ cột đã được Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố xác định. Nên phát triển phân ngành kinh tế này đang rất cần một cú hích mang tính cách mạng, với những bước đi linh hoạt, trong việc tái cấu trúc đổi mới mô hình hoạt động.
Điều quan trọng là việc thu hút mọi nguồn lực và đổi mới phương thức đầu tư để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo sự vận động tất yếu của quy luật kinh tế thị trường, phát huy được tư duy sáng tạo của mọi thành phần kinh tế.
Sự suy giảm hiện hữu của thương mại - dịch vụ là đáng lo ngại, nhưng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ yếu tố khách quan, nằm chung trong thách thức mang tính toàn cầu.
Tháng đầu tiên của năm 2022, cũng là thời điểm trước thềm tết Nguyên đán Nhâm Dần, thị trường đang thức dậy, tin rằng đây là cơ hội tốt cho ngành thương mại - dịch vụ hồi phục, xốc lại tinh thần để bứt tốc.
Lê Minh Thắng