Lâm Động: Vùng đất chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa

10:17 16/10/2017

Không chỉ là một vùng quê yên bình với vị bưởi đào thanh ngọt, Lâm Động còn được biết đến với nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với sự phát triển của vùng đất Lâm Động xưa. Lâm Động xưa đã để lại cho ngày nay nhiều di sản có giá trị to lớn, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người dân địa phương.

 Chùa Lâm Động hiện ra với những nét kiến trúc cổ kính.

Xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên vốn nổi tiếng là vùng đất có nhiều di tích lịch sử có giá trị, trong đó phải nhắc đến chùa Lâm Động - di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố năm 2011. Chùa Lâm Động có tên tự là Sùng Nguyên, được coi là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ đặc sắc, có cảnh quan đẹp, tiêu biểu cho chùa làng Việt Nam. Chùa còn bảo tồn được một số kiến trúc và di vật quý, có giá trị nghệ thuật cao như: Tháp cửu phẩm bằng đá, tháp mộ hòa thượng Thông Thanh bằng đá, tam quan đồ sộ, chuông đồng, tượng Phật,…

Tháp cửu phẩm bằng đá tựa như cây bút kình thiên.

Với quy mô bề thế, lối kiến trúc tinh xảo mang đậm phong cách truyền thống, chùa Lâm Động được biết đến là một ngôi linh tự của huyện Thủy Nguyên đương thời. Các công trình kiến trúc tại chùa được bố cục đăng đối và chuẩn mực theo đường “thần đạo” như: Tam quan kiêm gác chuông sừng sững, cây bảo tháp ru phẩm bằng đá tựa như cây bút kình thiên, ngôi tháp đá 3 tầng tựa tháp bút hay giếng nước tròn giống như đài nghiên mà theo người xưa truyền miệng, giếng nước chính là mắt rồng điểm tụ thủy tích phúc cho thế đất thiêng, quanh năm không cạn, nước trong vắt. Cùng với đó là tòa điện Phật dựng trên nền đất cao có bố cục theo lối chữ đinh; cung thờ Thổ địa, tòa thờ Tổ và toàn thờ Mẫu. Ngoài các khu công trình chính, chùa Lâm Động còn có khu vườn thiền cây cối quanh năm xanh tốt, chủ yếu là các cây như đa, mít, nhãn, cau,… tạo cho cảnh thiền thêm u tịch của cõi linh.

Cùng với chùa Lâm Động, xã Lâm Động còn nổi tiếng với các di tích gắn liền với lịch sử các mạng của dân tộc. Đó là đình Hoà Lạc (hay còn gọi là Đình Lâm Động), hồ 108 (hay còn gọi là hồ Lâm Động). Đình Hòa Lạc là một công trình kiến trúc đẹp nằm trong quần thể các khu di tích thuộc trung tâm xã Lâm Động. Theo các bậc cao niên trong làng, đình mang tên Hòa Lạc để thể hiện lòng dân đoàn kết, hòa thuận và yên vui. Ngôi đình được xây dựng vào năm 1688 và đến khoảng năm 1877, dưới triều vua Minh Mạc, ngôi đình đã được công nhận là công trình cổ có giá trị. Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đầy khốc liệt, ngôi đình bị đổ nát. Để giữ gìn nét văn hóa của dân tộc, người dân địa phương người góp của, người góp công trùng tu lại ngôi đình.

Đình Hòa Lạc, công trình kiến trúc đẹp nằm trong quần thể các khu di tích thuộc trung tâm xã Lâm Động.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình Hòa Lạc đã trở thành một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn làng cổ. Đình Hòa Lạc hiện là nơi thờ 6 vị thành hoàng làng, đó là đức thánh cả Phạm Tử Nghi, đức thánh đệ nhị Mai Thúc Loan, đức thánh đệ tam Phạm Đình Trọng, đức thánh đệ tứ Nguyễn Minh, đức thánh đệ ngũ Triệu Quang Phục và đức thánh đệ lục là vua bà Vũ Thị Sản. Ngoài ra, đình còn thờ 12 vị tiên công là 12 ông tổ của 12 dòng họ Cao, Đàm, Nguyên Điều, Phạm, Đặng, Ngô, Vũ, Trần, Đoàn, Hoàng, Lại, Đào. Đình làng ngày nay còn là nơi sinh hoạt văn hóa chung của người dân Lâm Động, nơi gắn kết các thế hệ, là nơi gửi gắm tình yêu thương và là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Nằm ngay phía trước đình Hòa Lạc là hồ 108 hiện lên sừng sững với bia tưởng niệm ốp bằng đá xanh cao vút nằm giữa hồ cùng dòng chữ “Đời đời ghi sâu căm thù đế quốc”, nơi tố cáo tội ác tàn bạo của thực dân Pháp, đồng thời minh chứng cho ý chí chiến đấu anh dũng, quả cảm của những người con kiên trung đất Thủy Nguyên. Hồ 108 nguyên là bãi đất trống, do dân làng Lâm Động xưa đào đất, đóng gạch xây đình Hòa Lạc mà trở thành hồ nước. Trước đây, dân làng gọi đó là hồ Lâm Động. Sau khi xảy ra biến cố đau thương đầu năm 1949, hồ còn có tên khác là hồ 108.

Hồ 108 nơi ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của 108 cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đất Thủy Nguyên. 

Theo các cụ bô lão kể lại rằng, trong kháng chiến chống Pháp, làng Lâm Động là nơi hoạt động bí mật của đại đội Lê Lợi, trung đội Trung Kiên, lực lượng công an Bắc Thành Tô. Đầu tháng 2 -1949, thực dân Pháp tổ chức một cuộc càn quét lớn và Lâm Động là trọng tâm của cuộc càn quét. Trong 2 ngày 13,14-2-1949, hàng trăm người gồm cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đã bị quân địch bắt về đình Hòa Lạc để tra khảo với nhiều thủ đoạn độc ác hòng tìm ra manh mối của hầm hầm du kích và cán bộ. Trước sự im lặng của dân ta, chúng điên cuồng sát hại cán bộ và nhân dân dã man rồi vứt xác 47 người xuống hồ Lâm Động, xác 61 người còn lại bị chúng vứt rải rác quanh làng.

Sau biến cố đau lòng này, người dân trong làng đã đổi tên hồ Lâm Động thành hồ 108 để ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của 108 cán bộ, chiến sỹ và nhân dân bị sát hại, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Là nơi giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ, năm 2013, hồ 108 được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.

Với những di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, Lâm Động đã và đang là địa chỉ thu hút khách thập phương đến chiêm bái và thưởng ngoạn cũng như tìm hiểu về truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông ta.

Ngân Long

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông