Làng ve chai

01:39 07/08/2015

 

 

Những người Xích Thổ rong ruổi khắp các phố phường để thu mua phế liệu
Những người Xích Thổ rong ruổi khắp các phố phường để thu mua phế liệu

Một đòn gánh cong 2 đầu, hai chiếc sọt tre cứng cáp, các bà các chị rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm để thu mua từng mớ sắt cũ, ít lông gà, lông vịt hay chỉ là 1 vài lon chai, bìa giấy… Hình ảnh ấy đã trở nên gũi, quen thuộc trong cuộc sống, nhưng mấy ai biết ở Hải Phòng có một làng “tổ” của nghề ve chai…

Nghề gia truyền

Đó là làng Xích Thổ, thuộc Phù Liễn, Hải Dương cũ nay là thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Xích Thổ có nghĩa là vùng đất đỏ sa bồi. Trước đây Xích Thổ là vùng đất sâu trũng, đầm lầy, gò bãi, do sông Lạch Tray và hạ lưu sông Hà Chương bồi đắp. Vì vậy, giao thông đi lại ở đây rất khó khăn, đường đất hẹp, vỡ lở, nhiều đoạn phải đi bằng thuyền, hàng năm chỉ cấy được một vụ lúa.

Nếu chỉ trông vào đồng lúa thì đời sống rất khó khăn, thời gian nông nhàn lại dài nên những người Xích Thổ đã sớm biết lăn lộn với cuộc sống, rong ruổi đi bộ khắp nơi trong thành phố để thu mua phế liệu, rồi buôn đi, bán lại, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Đến bây giờ người làng không còn nhớ ai là vị “tổ nghề”. Các cụ già làng kể lại rằng nghề “chè chai lông vịt” của làng đã có khoảng 200 năm về trước, chủ yếu chỉ có phụ nữ làm nghề. Ban đầu người Xích Thổ chỉ cần đôi quang gánh, đi bộ khắp nơi để rao bán, thu mua phế liệu, dần cuộc sống phát triển hơn, họ dùng xe đạp, hay xe máy. Hiện tại người làm nghề ve chai chủ yếu dùng phương tiện xe đạp. Dù dùng bằng phương tiện gì, thì nghề này cũng phải chịu mưa nắng, đòi hỏi con người phải có sức khỏe dẻo dai, tính kiên nhẫn, chăm chỉ.

Nghề ve chai có từ thời phong kiến, nhưng phát triển nhất vào thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Để phục vụ cho công cuộc đô hộ bản xứ, thực dân Pháp tiến hành xây dựng các dinh thự, hầm lò, nhà máy… tại nhiều tỉnh thành, trong đó có Hải Phòng nên thời điểm đó các phế liệu rất nhiều. Việc thu gom, mua bán phế liệu có cơ hội phát triển. Ngày ấy có đến 60% dân làng Xích Thổ làm nghề ve chai. Sau năm 1945 nghề có nhiều thăng trầm.

Đến năm 1962, làng có thành lập Hợp tác xã để thu mua phế liệu của dân làng, chủ yếu là mua lông vịt để cung cấp cho nhà máy làm len sợi. Bấy giờ người Xích Thổ còn áp dụng những tiến bộ của khoa học để mở xưởng, công ty lớn để thu gom, phân loại và tái chế phế liệu. Ông Nguyễn Xuân Giớ - một cao niên của làng cho biết: “Cùng với đăng đó, nấu cốm rượu, chè chai lông vịt là một nghề truyền thống lâu đời của Xích Thổ. Nói đến nghề này phải kể đến bà Tám, bà Phố, bà Sánh, ông Thấn… là những gia đình thu gom, buôn bán lớn. Nhiều gia đình ở làng có đến 4-5 đời làm nghề”.

Ban đầu chỉ là tranh thủ lúc nông nhà, sau đã trở thành nghề chính làm quanh năm, ngày tháng của dân làng này, gắn bó cả cuộc đời. Bà Bùi Thị Hoan ở xóm 1, thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, huyện An Dương chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 đời làm nghề ve chai. Năm 17 tuổi tôi đã đi theo mẹ làm nghề. Đến nay tôi 75 tuổi rồi, mới nghỉ không làm được 2 năm nay”.

Buôn thất nghiệp, lãi quan viên

Nghề ve chai rất vất vả, lại không được coi như một nghề chính thống. Nhưng người Xích Thổ vẫn ham lam ham làm, chẳng quản đường xá xa xôi, bẩn thỉu, hôi hám. Năng nhặt chặt bị, từ 1 thanh sắt han gỉ, từ 1 cái chậu nhựa nứt vỡ… chẳng còn mấy giá trị, người Xích Thổ đã biết gọt rũa để có được “1 vốn 4 lời”. Vì thế ở Xích Thổ, người buôn bán nhỏ lẻ, không làm giàu được nhưng cũng đủ để trang trải sinh hoạt gia đình, nuôi con ăn học, cơi nới nhà cửa.

Người Xích Thổ làm giàu nhờ nghề ve chai
Người Xích Thổ làm giàu nhờ nghề ve chai

Bà Hoan chia sẻ thêm: “Nhờ có nghề ve chai mà tôi nuôi được 3 người con ăn học đến nơi đến chốn, lại mua thêm được đất đai nhà cửa trong thành phố. Bây giờ con tôi đều làm việc ở các cơ quan, ngân hàng lớn”.

Không chỉ dừng lại ở buôn bán nhỏ lẻ, có người Xích Thổ thảo vát, giỏi giang thì buôn Nam, bán Bắc, trở thành “đại gia ve chai” của làng. Họ lập ra những điểm thu gom phế liệu lớn, rồi mở xưởng sản xuất, hợp tác xã…, áp dụng khoa học công nghệ biến chúng thành những vật liệu tinh, sản phẩm có ích, góp phần làm sạch môi trường, cũng là tạo công ăn việc làm cho con em Xích Thổ và nhiều người khác.

Xưởng sản xuất có quy mô nhỏ như gia đình bà Hoan, bà Sánh… cũng có hơn chục công nhân, đến những đơn vị lớn như  Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Sản xuất Đại Thắng của gia đình ông Đoàn Ngọc Hùng có tới 200 công nhân tham gia sản xuất.

Đang dần bị mai một

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cơ sở hạ tầng ở Xích Thổ dần được cải tạo, xây dựng, đường thông hè thoáng, giao thông thuận lợi hơn xưa rất nhiều. Bên cạnh đó, sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước đang về tới từng thôn xóm.

Do đó, người Xích Thổ có nhiều cơ hội đi làm ăn, buôn bán xa hay làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp tại nhiều địa phương lân cận. Bên cạnh đó, những người ở tỉnh xa về Hải Phòng làm nghề ve chai cũng ngày càng nhiều hơn. Vì thế, những gia đình tiếp tục bám nghề ở Xích Thổ ngày càng ít đi.

Ông Đỗ Văn Hà - trưởng thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, huyện An Dương - cho biết: “Hiện nay thôn có 602 hộ dân với hơn 2000 nhân khẩu nhưng chỉ còn hơn 30 gia đình còn làm nghề ve chai. Song số ít còn lại này đều là những gia đình phát triển nghề tốt, có những đóng góp nhất định cho địa phương”.

Xuân Hạ


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích