Lão nông làm giàu từ mô hình cấy lúa kết hợp chăn nuôi gà lông màu thả đồng

14:50 21/07/2023

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, ông Phạm Viết Trí, ở thôn Trung Thanh Lang 1, xã An Thái, An Lão (Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn Trung Thanh Lang 1, xã An Thái, An Lão) sớm nuôi chí quyết tâm làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó lại ham học hỏi, tiếp thu cái mới, ông đã từng bước biến ước mơ thành hiện thực khi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, biến những mảnh ruộng hoang hoá thành màu mỡ, tốt tươi, làm giàu cho gia đình…

Thành công từ cấy lúa ứng dụng công nghệ cao

Năm 1984, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, cũng như bao trai tráng trong làng, ông Trí xây dựng gia đình. Nhà nông, quanh năm suốt tháng chỉ biết trông vào mấy sào ruộng lại đông con cái khiến cho cuộc sống gia đình ông rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu. Không cam phận đói nghèo, ông Trí gắng xoay chuyển nhiều nghề, sắm cả máy làm đất dịch vụ nhưng cũng chỉ kiếm đủ tiền nuôi các con lớn khôn, được học hành đầy đủ.

Năm 2020 là năm đánh dấu bước ngoặt làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của gia đình ông. Ở thời điểm này, cùng với sự phát triển mạnh của nền kinh tế thành phố, nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp được xây dựng, đi vào hoạt động đã thu hút một lượng lớn lao động địa phương đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất nông nghiệp.

Đất nông nghiệp bị hoang hoá do người dân nông thôn không còn mặn mà với đồng ruộng. Nhưng khác với các gia đình khác trong thôn, với tâm huyết của một lão nông chính hiệu đã bao năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhìn đồng ruộng bị bỏ hoang trong ông Trí đau đáu nỗi niềm tâm sự.

Thế rồi, được sự tuyên truyền, vận động, quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ 100% thóc giống của chính quyền địa phương, ông bàn bạc với gia đình, vợ con, mạnh dạn thuê lại 5 ha ruộng bỏ hoang của các hộ gia đình trong thôn, đầu tư máy móc vào sản xuất, canh tác, kiếm thêm thu nhập.

Theo ông Phạm Viết Trí chia sẻ thì khó khăn nhất là giai đoạn đầu khi bắt tay vào tiến hành cải tạo lại số ruộng đã nhiều năm bị bỏ hoang, cằn cỗi kể trên trở thành những mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu. Khi vấn đề chất ruộng được giải quyết thì việc lựa chọn trồng cây gì vừa cho năng suất cao, chất lượng tốt, lại ít sâu bệnh, không lo đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi nhuận lớn lại là vấn đề khó khăn, nan giải.

Vốn là người ham học hỏi, trước vấn đề trên, ông Trí đã chủ động liên hệ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn, Phòng NN&PTNT huyện An Lão để được tư vấn, trợ giúp.

Ông Trí thường xuyên thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh trên lúa

Từ đây, ông hăng hái tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của Trạm Khuyến nông huyện, Trung tâm Khuyến nông thành phố tổ chức, dần trang bị, tích luỹ cho mình những kỹ thuật, kinh nghiệm quý trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, áp dụng một cách hiệu quả vào quá trình canh tác của gia đình.

Đáng chú ý, được sự tư vấn, hỗ trợ tận tình của cơ quan chức năng, ông Trí đã mạnh dạn đầu tư vào cấy giống lúa BC15, áp dụng quy trình gieo mạ khay, cấy bằng máy. Nhờ thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, ngay từ vụ đầu tiên, diện tích cấy lúa của gia đình ông đã cho năng suất thu hoạch bình quân đạt 220kg/sào.

Từ thành công của vụ Xuân năm 2020, gia đình ông Trí tiếp tục thỏa thuận với bà con trong vùng để được thuê thêm 12ha ruộng, áp dụng kỹ thuật cao, lựa chọn giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng tốt trên toàn bộ diện tích sản xuất. Đơn cử như gieo mạ khay, cấy bằng máy giống lúa Nếp Cô Tiên, sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái…

Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chả thế mà các vựa lúa của gia đình ông đều được các thương lái tìm về thu mua thóc tươi ngay tại đầu bờ với giá bán từ 9.500 đồng/kg trở lên.

Kết hợp chăn nuôi gà lông màu thả đồng

Với thành công bước đầu kể trên, gia đình ông Trí lại càng hăng say với sản xuất nông nghiệp. Không chỉ đơn thuần canh tác hai vụ lúa lớn/năm, gia đình ông còn từng bước phát triển chăn nuôi gà lông màu thả đồng. Sau khi lúa mùa được thu hoạch xong xuôi đâu đấy cũng là lúc gia đình ông đem gà đã nuôi từ trong chuồng chuyển sang nuôi thả ngoài đồng.

Với phương thức chăn nuôi này đã giúp gia đình ông tận dụng hiệu quả lượng thóc bị rơi vãi, sót lại sau thu hoạch ngoài đồng ruộng. Mặt khác, lại tạo ra môi trường sống thoáng đáng, rộng rãi giúp đàn gà mau lớn, khoẻ mạnh cho chất lượng thịt thơm ngon, dai, chất lượng hơn mang lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận lớn.

Được biết, sau khi trừ mọi chi phí trồng trọt, chăn nuôi đi, lợi nhuận thu được từ trồng lúa, chăn nuôi gà lông màu cộng với dịch vụ máy làm đất, mỗi năm gia đình ông Trí thu lời gần 600 triệu đồng.

Từ một hộ dân thuộc diện khó khăn trong thôn, giờ đây gia đình ông Trí đã vươn lên làm giàu chính đáng, có đời sống khá sung túc, đủ đầy với nguồn thu nhập ổn định, đáng mơ ước của biết bao gia đình.

Quý nữa là, mô hình cấy lúa kết hợp nuôi gà của gia đình ông đã tạo công ăn, việc làm cho từ 5-7 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng cho nhân công lao động thời vụ. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất với mong muốn không để mảnh ruộng nào của địa phương bị bỏ hoang”, ông Trí cho biết.

Đất không phụ lòng người có công. Bằng tình yêu, tâm huyết, sự gắn bó với đồng ruộng, từ chính sức lao động, tinh thần tự học vươn lên của mình, ông Phạm Viết Trí đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã An Thái, huyện An Lão nói riêng và thành phố nói chung. Ông đã có đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, kiến thiết quê hương ngày càng giàu đẹp...

 Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích