Lắp đặt thiết bị giám sát hoạt động khai thác khoáng sản: Chống thất thoát, thất thu

18:44 10/11/2018

Nhằm tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, thời gian qua, các cấp đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu phải tuân thủ đúng quy hoạch. Đặc biệt, dự án khoáng sản phải sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường, ngăn chặn và chấn chỉnh tình trạng khai thác, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép. Là một địa phương có khoáng sản, Hải Phòng đã thực hiện chủ trương trên ra sao?

Công ty Tân Phú Xuân lắp đặt trạm cân

Theo thống kê của Sở Tài nguyên-Môi trường, trên địa bàn thành phố có các loại khoáng sản như đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng, vôi công nghiệp; sét (đất núi); silic; cát và nước khoáng.

Tính đến tháng 10-2018, có 14 doanh nghiệp (DN) đã khai thác khoáng sản theo 16 giấy phép đã được cấp; 23 DN với 33 giấy phép chưa đủ điều kiện để khai thác; 5 DN với 5 giấy phép đang thực hiện đóng cửa mỏ và 7 DN với 7 giấy phép đang lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên-Môi trường. Những DN đang hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản chủ yếu là đá vôi, cát cửa sông, ven biển và silic.

Tuy nhiên, tài nguyên khoáng sản không phải là vô hạn, bởi vậy việc khai thác hiệu quả, sử dụng hợp lý là rất cần thiết. Trên thực tế việc khai thác ồ ạt, quá công suất vẫn xảy ra, chưa kể đến việc chưa kiểm soát tốt từ khâu khai thác nguyên khai đến khâu tiêu thụ, rất dễ dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, Sở TNMT đã phối hợp với Cục thuế thành phố tiến hành kiểm tra, đánh giá trữ lượng khoáng sản thực tế đã khai thác đối với một số DN và đã phát hiện tình trạng khai thác vượt trữ lượng, công suất.

Các cơ quan chuyên môn cũng đã kiến nghị truy thu nghĩa vụ tài chính đối với các DN gồm thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Cụ thể, Cục thuế thành phố đã truy thu gần 7,4 tỷ đồng của 4 DN đối với phần chênh lệch giữa sản lượng kê khai và con số khai thác thực tế.

Lắp đặt các thiết bị nhằm hạn chế thất thoát, thất thu

Tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29-11-2016 đã quy định về việc DN phải báo cáo định kỳ hàng năm về sản lượng khai thác khoáng sản và chịu trách nhiệm trách nhiệm về sự trung thực của số liệu báo cáo. Như vậy, các DN trên đã không trung thực và tự giác trong việc kê khai trữ lượng khai thác thực tế của DN mình?!

Trước thực trạng khai thác vượt công suất nói trên, để đảm bảo công khai, minh bạch, đặc biệt là công bằng giữa các DN hoạt động khoáng sản, hạn chế tối đa việc thất thu ngân sách trong lĩnh vực này, các cơ quan chức năng đã yêu cầu các DN lắp đặt trạm cân, camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, tại các kho chứa, từ đó lưu trữ thông tin, số liệu, tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

Cũng theo thông tin từ Phòng quản lý khoáng sản-Sở Tài nguyên Môi trường thì hiện có 5/9 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động đối với khoáng sản là đá vôi đã tiến hành lắp đặt trạm cân tại khu vực đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi vị trí khai thác và camera giám sát tại kho chứa, trạm nghiền, đơn cử như Xi măng Chinfon, Xi măng Hải Phòng, Xi măng Phúc Sơn, Tân Phú Xuân, Nguyên Hà.

Đối với DN hoạt động khai thác cát ven sông, cửa biển thì cả 7/7 DN đủ điều kiện hoạt động đã lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh trên phương tiện khai thác để quản lý, giám sát hành trình của chủ phương tiện.

Tuy vậy, theo lãnh đạo Phòng Quản lý khoáng sản thì để phát huy hiệu quả các thiết bị nói trên trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản cũng còn không ít khó khăn. 

Đơn cử như các cơ quan quản lý rất khó xác định, đối chứng giữa phần sản lượng khai thác thực tế và con số DN kê khai. Để phát hiện và xử lý được hành vi vi phạm này của DN, cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian để lần theo đầu ra của các chứng từ, giấy tờ. 

Đặc biệt, đối với khoáng sản cát, công tác quản lý còn khó khăn gấp bội. Nguyên nhân là các phương tiện hoạt động trên phạm vi vùng cửa sông, ven biển rộng lớn, ranh giới giữa khu vực quy hoạch khai thác và khu vực cấm cũng rất khó xác định. Thêm nữa, không ít các DN hoạt động khoáng sản đi thuê lại các phương tiện để tiến hành khai thác, vận chuyển, bởi vậy rất khó kiểm soát.

Chưa hết, để hậu kiểm việc chấp hành của DN, các chủ phương tiện về việc lắp đặt các thiết bị chủ yếu trông chờ vào Cảng vụ, Biên phòng, Công an, bởi đây là lực lượng có phương tiện, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm.

Thời gian qua, Biên phòng, Công an cũng chính là lực lượng chủ công trong phát hiện, bắt giữ và xử lý tình trạng “cát tặc” gây bức xúc tại các địa phương có nguồn khoáng sản nói trên.

Song, ngay cả khi bắt quả tang, lập biên bản, xử phạt hành vi khai thác cát trái phép thì việc thu giữ tang vật, lai dắt, tìm địa điểm đậu đỗ phương tiện, trông coi cũng không đơn giản.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản là cần thiết, song không thể thiếu sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của các lực lượng chức năng.

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích