Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2018: Di sản văn hóa tâm linh gắn liền với nghi lễ trang trọng

22:58 18/09/2018

Được coi là một “đặc sản” của du lịch Đồ Sơn, Lễ hội chọi trâu tổ chức vào mỗi dịp tháng 8 Âm lịch hàng năm thu hút hàng nghìn người đến xem và cổ vũ. Lễ hội chọi trâu được đánh giá là một lễ hội độc đáo, bởi Lễ hội gắn liền với nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, bản sắc truyền thống mang tính cộng đồng dân tộc của người dân miền biển Đồ Sơn.

Chủ nhang thực hiện các nghi lễ dâng hương (Ảnh: Phan Tuấn)

Đối với người dân miền biển Đồ Sơn, tháng 8 Âm lịch là thời điểm nhàn rỗi của nhà nông sau mỗi vụ cày cấy và là thời điểm chuẩn bị cho vụ đánh cá Bắc vào tháng 9 của người đi biển. Không chỉ vậy, tháng 8 còn là mùa trăng tròn nhất trong năm.

Với những người quanh năm sống bằng nghề đánh bắt trên biển cả thì chỉ cần nhìn trăng tháng 8, họ có thể biết được quy trình lên xuống của con nước, để sắp xếp công việc cho mình.

Chính vì vậy, hình ảnh đôi trâu chọi nhau dưới ánh trăng bạc trong truyền thuyết đã phần nào nói lên mối quan hệ mật thiết giữa mặt trăng và biển cả. Và việc mở Lễ hội chọi trâu vào những này đầu tháng 8 Âm lịch chính là cách mà người dân Đồ Sơn thể hiện sự khôn khéo, cân cân bằng trong lao động, vui chơi.

Điểm độc đáo của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn so với lễ hội chọi trâu ở các địa phương khác chính là phần lễ với những nghi thức độc đáo, trang trọng, được chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, gắn liền với đời sống tâm linh của người dân miền biển. Mở đầu cho lễ hội chọi trâu truyền thống là lễ dâng hương, thượng cờ được tổ chức vào ngày 1-8 Âm lịch.

Tại lễ dâng hương, thượng cờ, BTC Lễ hội thực hiện khởi trống khai hội, dâng hương khai lễ, thực hiện khóa lễ để báo cáo và xin thành hoàng làng cho nhân dân chính thức khai hội. Đây là nghi lễ vô cùng quan trọng, mở đầu cho vòng chung kết Lễ hội chọi trâu với mong muốn cầu mưa thuận gió hòa để các kháp đấu diễn ra an toàn, sôi nổi.

Sau lễ dâng hương, thượng cờ, đến ngày 7-8 Âm lịch, quận Đồ Sơn lại long trọng tổ chức Lễ Rước nước tại đền Nghè, phường Vạn Hương; với sự tham gia của ban tổ chức cấp quận, cấp phường và 16 chủ trâu đến từ 7 phường cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương.

Lễ Rước nước được coi là linh hồn của phần lễ trong Lễ hội chọi trâu truyền thống. Các phường rước chóe xin nước từ đền Nghè, rước nước “chân sơn” về thờ tại đình làng chuẩn bị cho ngày 8-8 âm lịch mở hội tế lễ, ngày 9-8 âm lịch mở Hội chọi trâu.

Lễ Rước nước là nghi lễ tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với vị thủy thần hộ mệnh Hùng Trấn Điểm Tước cùng các bậc tổ tiên đã khai sơn, phá thạch, mở rộng vùng đất Đồ Sơn; được tổ chức trang nghiêm, thành kính, cầu mong Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2018 diễn ra an toàn, thành công. Đồng thời, cầu mong các bậc thủy thần hộ mệnh cùng các bậc tổ tiên che chở, phù hộ cho muôn đời con cháu quê hương Đồ Sơn ấm no, hạnh phúc.

Ngay khi Lễ Rước nước kết thúc, ngày hôm sau, tức 8-8 Âm lịch, tại đình làng các phương trên địa bàn quận, người dân tiến hành lễ trình trâu. Các trâu được đưa từ nơi nơi chăm nuôi đến đình, được khoác trên mình chiếc áo đỏ và được người chăm trâu dắt vào chính điện. Kết thúc hồi trống, người chăm trâu sẽ đưa trâu quay một vòng như thể được nhìn về tứ phương chầu các thánh.

Phía trong đình, hương sư cùng chủ trâu và đại diện các thành viên trong dòng họ có trâu ngồi lễ thánh cầu xin ngày lâm trận thắng lợi, mang lại niềm vui tươi cho dòng họ cũng như đi biển bội thu tôm cá, mùa màng tốt tươi... Lễ trình trâu kết thúc, các trâu được gọi là “Ông trâu”, trở thành biểu tượng tâm linh của người dân địa phương.

Cũng trong đêm 8-8 Âm lịch, trước giờ diễn ra hội chọi trâu, Lễ lâm trận được tổ chức trang trọng tại đền Nghè và Sân vận động (nơi diễn ra hội chọi trâu), để cầu mong cho ngày hội chính với những kháp đấu diễn ra an toàn, các ông trâu tham gia giao đấu quyết liệt, cống hiến nhiều cách đánh hay, pha đấu đẹp, các kháp đấu an toàn mang lại niềm vui tươi cho nhân dân và du khách về dự hội.

Sau lễ Lâm trận, phần hội thuộc Lễ hội chọi trâu truyền thống chính thức được tổ chức vào hôm nay, tức ngày 9-8 Âm lịch. “Dù ai buôn đâu bán đâu, mồng chín tháng tám chọi trâu thì về. Dù ai buôn bán trăm nghề, mồng chín tháng tám thì về chọi trâu”.

Không hẹn mà về, cứ đến ngày này hàng năm, người dân ở khắp mọi miền đất nước lại tìm về với mảnh đất Đồ Sơn để cùng thưởng thức những trận đấu sôi nổi, kịch tính, đầy hấp dẫn. Không chỉ thế, họ về đây còn để tìm hiểu về một lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, của người dân vùng biển Đồ Sơn.

Cuối cùng, để có được một mùa Lễ hội chọi trâu thành công, ngay khi phần hội chọi trâu kết thúc, BTC lễ hội phải thực hiện nghi lễ Tế thần vào ngày 10-8 Âm lịch và lễ tống thần vào ngày 16-8 Âm lịch. Bởi theo tâm niệm của những con người nơi đây, chỉ khi các nghi lễ trong Lễ hội chọi trâu được thực hiện đầy đủ, lúc này, họ mới yên tâm, tập trung vào lao động, sản xuất.

Điều này cũng làm nên nét đặc sắc trong văn hóa tâm linh của người dân miền biển, thể hiện được sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, thể hiện được tinh thần cùng thể chất đặc biệt của những con người hàng ngày đối đấu với bão tố, mưa sa. 

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông