Lễ hội đảo Dấu quận Đồ Sơn: An toàn, văn minh, đậm nét văn hoá truyền thống

20:10 07/03/2022

Hàng năm, từ mồng 1 đến mồng 10 tháng 2 âm lịch, quận Đồ Sơn lại tưng bừng tổ chức Lễ hội đảo Dấu tại Đền thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương trên đảo. Ngôi Đền có lịch sử hàng trăm năm và là hiện thân của đời sống tinh thần, tâm linh, tập quán, tín ngưỡng của người Đồ Sơn. Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm tỏ lòng biết ơn thần Nam Hải Đại Vương luôn che chở, bảo vệ nhân dân có những chuyến vươn khơi an toàn, bội thu tôm cá, đồng thời cầu mong một năm bình an, thuận lợi, may mắn.
Đảo Dấu nhìn từ trên cao

Năm 2009, đảo Hòn Dấu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng Di tích – Danh lam thắng cảnh quốc gia. Tương truyền thần Nam Hải Đại Vương trên đảo Hòn Dấu rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây, sẽ bị Ngài phạt, phải đem trả lại mới yên.

Có lẽ, chính vì những huyền tích, những lời truyền miệng từ đời này sang đời khác về sự linh ứng của thần đảo đã giúp cho Hòn Dấu trải qua bao thế kỷ, vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ, sừng sững như viên ngọc xanh giữa biển trời Đồ Sơn.   

Năm nay, do dịch  Covid-19 diễn biến phức tạp, quận Đồ Sơn chỉ tổ chức phần Lễ, không tổ chức phần hội. Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, lễ hội đảo Hòn Dấu được làm Lễ thượng cờ khai hội vào ngày 3-3 (tức ngày 1-2 -2022 âm lịch); Lễ dâng hương chính hội được tổ chức vào 23 giờ ngày 11-3-2022 (tức ngày 9-2-2022 âm lịch).

Lễ hội tổ chức với mục đích nhằm giữ gìn, bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cùng những giá trị văn hoá đặc sắc của người dân miền biển Đồ Sơn, đồng thời đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của nhân dân địa phương và du khách thập phương. Bên cạnh đó, đây được xem như điểm nhấn quảng bá tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch của địa phương để thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.

Cũng lễ hội đảo Dấu, không chỉ có mùa hè tắm biển, nghỉ dưỡng mà Đồ Sơn còn có du lịch tâm linh với chùa Tháp Tường Long, đền cô Chín suối Rồng. Du lịch sẽ góp phần thúc đẩy quận phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và cùng thành phố thực hiện hiệu quả Nghị Quyết Trung ương 33 (Khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hải đăng đảo Dấu

Để đảm bảo ANTT, TTATGT đường bộ, đường thuỷ nội địa và phòng chống cháy nổ, cháy rừng, vận chuyển hành khách an toàn, không để lễ hội bị đối tượng xấu lợi dụng, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid-19, UBND quận Đồ Sơn đã xây dựng chi tiết các kịch bản cụ thể, tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc, bổ sung các bồn rửa tay, nước sát khuẩn, khẩu trang y tế tại các vị trí thuận lợi để phục vụ du khách sử dụng đồng thời bố trí các điểm quét mã QR code.

Bà Lưu Thị Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử Đồ Sơn thông tin: Công tác chuẩn bị được quận Đồ Sơn đặc biệt coi trọng, nhất là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những chuyến tàu, vào ra đón khách. Với 9 phương tiện thuỷ với sức chở từ 12-36 khách đều thực hiện nghiêm đăng ký, đăng kiểm, các thủ tục giấy phép và có chứng chỉ đón tiếp khách du lịch.

Trên mỗi phương tiện đều bố trí áo phao cứu hộ cho từng hành khách, có nước xịt khuẩn tay, khẩu trang y tế để phòng dịch  Covid-19. Giá dịch vụ vận chuyển và vé thăm quan danh lam thắng cảnh năm nay được niêm yết công khai ngay tại bến tàu và vẫn giữ nguyên 90 nghìn đồng/ vé. Trong đó cước dịch vụ vận chuyển cả đi và về là 70 nghìn đồng/người.

Ông Nguyễn Quang Lâm, chủ tàu Hạ Long 20 cho biết: tàu của ông có sức chở 45 hành khách, đã được trang bị đầy đủ áo phao, nước sát khuẩn tay đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cũng như an toàn về vận chuyển hành khách.

Thiên An

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông