18:36 28/12/2024 Sáng 28-12, tại Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thôn Trung Am, xã Lý Học, UBND huyện Vĩnh Bảo trang trọng tổ chức Lễ hội Đền Trạng Trình, kỷ niệm 439 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tới dự có đồng chí Phạm Văn Thép, Ủy viên Ban Thường vụ Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Đặng Bá Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy; Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo cùng đông đảo Nhân dân địa phương. Đây là lễ hội thường niên của huyện Vĩnh Bảo nhằm tôn vinh công lao to lớn của Danh nhân văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên và Nhân dân địa phương.
Lễ khai mạc diễn ra trang trọng với nhiều nghi lễ truyền thống và chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Mở đầu đoàn rước của Nhân dân các làng Trung Am, Lạng Am, Tiền Am, xã Lý Học là con cháu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và đoàn rước của 30 xã, thị trấn, đoàn rước của Ngành Giáo dục-Đào tạo cùng kiệu hoa, kiệu hương, bát biểu cùng các mâm lễ vật là những sản vật đặc trưng của địa phương thành kính, tri ân lên Trạng Trình
Cụ thể, Bánh dày, bánh trôi xã Lý Học, Ổi lê Đông Tạ thị trấn Vĩnh Bảo; Rượu Hoàng Quân xã An Hoà; Dưa vàng xã Tam Đa; Trà hoa cúc chi xã Thắng Thuỷ; Bánh dày xã Dũng Tiến; Bánh trôi xã Liên Am,; Cam canh Bố Hạ xã Cộng Hiền; Dưa lưới xã Vĩnh An; Nem chân giò xã Vĩnh Phong; Chuối Tiêu hồng xã Hiệp Hoà; Kẹo lạc xã Tam Cường; Chả rươi xã Giang Biên; Khoai lang ruột vàng xã Việt Tiến; Giò cuộn xã Cao Minh và nhiều sản vật khác…
Trong không khí trang nghiêm, thành kính Chúc văn tại lễ hội nêu bật những công lao to lớn, tài năng, đức độ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà tri thức lớn, niềm tự hào không chỉ của Vĩnh Bảo mà còn của cả thành phố Hải Phòng. Cùng chương trình nghệ đặc sắc diễn ra tại quảng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đến cho lễ hội không khí tưng bừng rực rỡ sắc màu, tất cả đều toát lên niềm tôn kính của cháu con, tôn vinh một tài năng, một tấm lòng yêu nước thương dân, một tâm hồn cao thượng.
Theo Ban tổ chức trong những ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sẽ tiếp tục diễn ra như: chung kết giải vật truyền thống, khai mạc giải bóng chuyền, giải đua thuyền, giải Pháo đất, giải cờ tướng; hội thi Dân vũ của các câu lạc bộ Dân vũ trong và ngoài thành phố, hội thi "Khi tôi 18" của Đoàn thanh niên các Trường THPT,Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức và đốt pháo bông. Để lễ hội diễn ra thành công, từ nhiều ngày qua công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện được huyện Vĩnh Bảo triển khai bài bản.
Đặc biệt, một số hạng mục trong cụm di tích như: quán trung tâm, tháp bút kình thiên, am bạch vân, đền chính, song thân phụ mẫu… được trùng tu cải tạo. Cùng với đó, Ban tổ chức cũng bố trí đảm bảo ANTT, ATGT cũng như bố trí các điểm trông giữ xe miễn phí cho du khách tới tham quan, dâng hương và triển khai “3 không” (không mất tiền gửi xe, không hàng quán trong khu di tích và không xả rác thải). Theo Ban quản lý di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong 3 ngày diễn ra Lễ hội khu di tích đã thu hút khoảng 50.000 lượt khách đến tham quan, dâng hương.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận xếp hạng Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2019, Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Danh nhân văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ, nhà tiên tri, một nhà tư tưởng lớn và là một Danh nhân văn hoá. Ông sinh năm Tân Hợi (1491) mất năm Ất Dậu (1585). Cuộc đời ông gần như sống trọn thế kỷ 16, song bóng rợp của cây đại thụ còn che trùm nhiều năm tháng mãi về sau.
TRUNG KIÊN
19:50 02/01/2025
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024