Lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

16:45 22/12/2019

Niềm vui nhân đôi đối với người dân thành phố Hải Phòng nói chung và huyện Vĩnh Bảo nói riêng khi dịp kỷ niệm 434 năm Ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo long trọng đón nhận bằng công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Điểm mới trong lễ hội năm nay, huyện Vĩnh Bảo bố trí 7 điểm trông giữ xe miễn phí tạo ra một không khí thân thiện, cởi mở hơn cho du khách xa gần về dự lễ hội...

Cây đại thụ lớn của thế kỷ XVI 

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) làng Trung Am,  huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng,Trấn Hải Dương xưa (nay thuộc làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Ông tên huý là Văn Đạt tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như Văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam- Bắc triều ( Lê- Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đỗ Trạng Nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước “Trình Tuyền hầu” rồi thăng tới “Trình Quốc công” mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.

Lễ hội đền Trạng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Lễ hội đền Trạng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngay từ khi đỗ Trạng Nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dạy học. Theo cuốn sách viết về các danh nhân Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp - ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam của tác giả Trần Lê Sáng, thì học trò được Trạng Trình đào tạo thời kỳ này có rất nhiều người nổi tiếng về sau. Trong đó có Lương Hữu Khánh, con trai của thầy Lương Đắc Bằng, đỗ cử nhân, trở thành tướng giỏi, văn võ song toàn; Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan thi đỗ tiến sĩ, có tài năng toàn diện về võ bị, văn học và ngoại giao; Nguyễn Dữ - nhà văn nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam... 

Đến khi lui về quê, ông đã dựng Am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, lập quán Trung Tân, làm cầu Nghinh Phong, Trường Xuân cho dân qua lại thuận tiện và mở trường dạy học bên cạnh sông Tuyết (hay sông Hàn) ở quê nhà. 

Nguyễn Bình Khiêm đã giáo dục cho nhân dân và học trò rất nhiều về đạo làm người, đạo lý ở đời, sự học, cách học. Ông coi việc giáo dục phải thực hiện được vai trò định hướng ý chí và hành động cho người học, nhất là việc gắn ý chí học hành với lý tưởng cống hiến hết mình cho đất nước. 

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  

Theo ông Nguyễn Trọng Nhưỡng- Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, thông qua việc tổ chức lễ hội, lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nhằm tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của lễ hội, giá trị của khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Qua đó giáo dục tình yêu thương  đất nước, giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân, tỏ lòng tri ân của nhân dân với Trạng Trình. Đồng thời, đây là dịp huyện tiếp tục thu hút du khách trong nước và quốc tế về tham quan di tích, góp phần vào sự phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế của thành phố, huyện Vĩnh Bảo. 

Khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bề thế khi nhìn từ trên cao
Khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bề thế khi nhìn từ trên cao

Năm 2015, Khu di tích Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.  Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày mất của Trạng Trình cả một vùng đất Vĩnh Bảo nhộn nhịp hơn mọi ngày bởi mọi nẻo đường người người trẩy hội đền trạng. 

Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mang nhiều nét văn hóa của đồng bằng sông Hồng diễn ra trong 3 ngày từ ngày 22, 23, 24-12 (tức ngày 27. 28 và 29 tháng Mười một năm Kỷ Hợi). 

Theo đó, lễ hội diễn ra gồm 2 phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ diễn ra gồm: lễ mộc dục, lễ rước văn, lễ cáo yết, lễ dâng hương, lễ rước và lễ tạ. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao như giải vật truyền thống, trò chơi đu sòng, bắt chạch trong chum, kéo co, đua thuyền truyền thống, pháo đất và giải bóng chuyền huyện Vĩnh Bảo mở rộng, tổ chức chương trình thơ- nhạc về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

Lễ hội đền Trạng Trình thu hút đông đảo người dân tham gia
Lễ hội đền Trạng Trình thu hút đông đảo người dân tham gia

Một nét mới trong lễ hội năm nay, huyện Vĩnh Bảo tổ chức 7 điểm trông giữ xe cho du khách tới tham quan, dâng hương tại đền trạng. Ông Lê Văn Kiều- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo cho biết, trong dịp Lễ kỷ niệm 434 năm Ngày mất Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo sẽ bố trí 7 điểm trông giữ xe miễn phí cho du khách về tham dự lễ hội.

Theo đó, các điểm giữ xe được bố trí trên tuyến đường trục dẫn vào khu di tích. Cùng với việc bố trí lực lượng an ninh trông giữ xe, huyện Vĩnh Bảo cũng kiên quyết xử lý các điểm trông giữ xe thu tiền tự phát.  

TRUNG KIÊN 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông